Màu của đá

Màu của đá

Câu hỏi “màu xanh của đá Sapphire do đâu mà có?” - trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia trên kênh VTV3 ngày 30-7-2005, thí sinh không trả lời được, còn đáp án của chương trình lại sai khi cho rằng màu xanh của Sapphire là do có chứa crôm! Đúng ra, màu xanh đó do tạp chất titan và sắt có lẫn trong đá Corundum. Còn ôxít nhôm và crôm lẫn trong Corundum lại làm cho đá có màu đỏ và được gọi là Ruby.

Màu của đá ảnh 1

Corundum tinh khiết.

Cái gì tạo nên màu của đá? Màu của đá lệ thuộc phần lớn vào cách nó hấp thụ ánh sáng. Ánh sáng trắng là tổng hợp từ những màu của cầu vồng (quang phổ màu). Khi ánh sáng trắng chiếu vào một viên đá, một số màu được “ưu tiên hấp thụ”. Những màu không hấp thụ được thì đi xuyên qua hoặc phản chiếu trở lại, cho ra màu của đá.

Thực tế thì mỗi loại đá có một màu riêng biệt được xem như là “vân tay” để nhận dạng, nhưng nó chỉ được nhìn thấy qua kính quang phổ. Với mắt thường, màu của các loại đá khác nhau trông giống như nhau. Màu của đá được hình thành như thế nào?

Đá có màu khác nhau (Allochromatic Gems): Cùng một loại đá nhưng màu có thể khác nhau. Sự khác màu này do các tạp chất lẫn trong viên đá và chúng không phải là thành phần cơ bản thuộc kết cấu hóa học của viên đá.

Ví dụ như đá Corundum khi tinh khiết thì không màu, nhưng khi có lẫn tạp chất (thường là một ôxít kim loại) nó lại cho ra màu khác như đỏ, xanh, xanh lá, vàng và hồng cam. Cùng loại đá Corundum, sẽ được gọi là Ruby (Red Corundum) nếu có màu đỏ; gọi là Sapphire nếu có màu xanh, xanh lá và vàng (Blue Corundum); và gọi là Padparadscha nếu có màu hồng cam (tên Padparascha gốc tiếng Phạn có nghĩa là hoa sen, được tìm thấy tại Sri Lanka).

Màu của đá ảnh 2

Peridot.

Đá có màu riêng (Idiochromatic Gems): Màu riêng của đá có do các nguyên tố là thành phần cơ bản thuộc kết cấu hóa học của viên đá. Như vậy, đá có màu riêng thường chỉ có một màu hoặc chỉ nằm trong một dãy hẹp lệch màu. Đá Peridot là một ví dụ, nó luôn luôn có màu xanh lá bởi vì màu của nó có từ một trong những chất cấu thành cơ bản là sắt.

Đá có màu xen lẫn (Multicolored Gems): Một tinh thể bao gồm các phần có màu khác nhau thì được gọi là có màu xen lẫn. Nó có thể có hai màu xen lẫn (biocolored), ba màu xen lẫn (tricolored), hoặc nhiều hơn. Màu sắc có thể phân bổ không đều bên trong tinh thể hoặc trong những vùng kết hợp khi phát triển. Sự đa dạng của sắc màu của Tourmaline là ví dụ điển hình của đá nhiều màu xen lẫn, nó có đến 15 sắc màu hoặc ánh màu bên trong một tinh thể riêng biệt.

Đá có nhiều màu (Pleochroic Gems): Được gọi là đá nhiều màu khi nó hầu như chỉ có một màu nếu nhìn theo một hướng, nhưng nó lại có màu khác hoặc nhiều hơn một màu khi nhìn từ các hướng khác nhau. Đá không định hình hoặc hình khối (cubic stones) cho chỉ một màu. Đá bốn mặt, sáu mặt hoặc ba mặt cho hai màu (lưỡng sắc–dichroic). Đá khối hình thoi, hình tháp có thể cho 3 màu (tam thể–trichroic).

NGÔ ĐÌNH CHÍNH

Tin cùng chuyên mục