Miền Tây lo ứng phó El Nino

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào mùa nước nổi nhưng mực nước vùng đầu nguồn các tỉnh An Giang, Đồng Tháp thấp hơn gần 1m so với cùng kỳ nhiều năm. Chỉ dấu này cho thấy ĐBSCL đang đối diện với nhiều thách thức khi El Nino (hiện tượng thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường) xuất hiện.

Sẵn sàng tích nước ngọt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, căn cứ số liệu quan trắc, hiện tượng El Nino đã chính thức xuất hiện. Dự báo đỉnh điểm của El Nino xảy ra trong 3 tháng (từ tháng 11-2023 đến tháng 1-2024) với xác suất El Nino có cường độ mạnh khoảng 56% và cường độ trung bình khoảng 84%.

ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, khuyến cáo: Trước mắt, với vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, việc đầu tư cho mùa vụ canh tác và sinh kế dựa vào mùa lũ sắp tới nên dè dặt. Bà con sống bằng nghề đánh bắt cá tự nhiên khi đầu tư mua lưới và ngư cụ cũng nên thận trọng.

Nông dân tỉnh Hậu Giang xuống giống sớm trong vụ đông xuân nhằm né hạn mặn. Ảnh: CAO PHONG

Nông dân tỉnh Hậu Giang xuống giống sớm trong vụ đông xuân nhằm né hạn mặn. Ảnh: CAO PHONG

Trên cơ sở dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhiều địa phương vùng ĐBSCL đã sẵn sàng “kịch bản” ứng phó với El Nino. Ông Trần Công Danh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết, sở vừa tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch ứng phó El Nino giai đoạn 2023-2025 với mức độ tương đương đợt hạn hán lịch sử giai đoạn 2015-2016. Trước hết là đảm bảo cấp nước sạch cho người dân tại các đô thị Rạch Giá, Hà Tiên, Kiên Lương và các đảo Phú Quốc, Kiên Hải; đồng thời có phương án đảm bảo cấp đủ nước cho các vùng nông thôn, nhất là những nơi đi lại khó khăn. Các biện pháp triển khai ứng phó El Nino tập trung vào khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, gồm: vùng ven biển từ Rạch Giá đến Hà Tiên; vùng ven sông Cái Lớn - Cái Bé; các huyện vùng U Minh Thượng (gồm An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng).

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, mùa khô năm 2024, vùng ven biển miền Tây có thể rủi ro lớn do hạn mặn gay gắt bởi El Nino cực đoan. Trong đó, vùng bán đảo Cà Mau gần như không được cung cấp nguồn nước ngọt từ hệ thống sông Hậu và sông Tiền, khiến tình trạng hạn, mặn sẽ nghiêm trọng hơn.

Theo ông Trần Công Danh, biện pháp hữu hiệu nhất là vận hành hệ thống cống ngăn mặn trên địa bàn TP Rạch Giá và 2 cống Cái Bé - Cái Lớn nhằm ngăn mặn xâm nhập sâu vào kênh Cái Sắn, kênh Rạch Giá-Long Xuyên, đảm bảo trữ đủ nước ngọt trong các hồ Tà Tây, hồ Thạnh, Vĩnh Thông và hồ Nam Rạch Giá. Đối với đảo Phú Quốc, ưu tiên dự trữ nước đầy hồ Dương Đông; tại huyện đảo Kiên Hải dự trữ đủ nước cho các hồ chứa Bãi Nhà, Cây Mến; khẩn trương hoàn thành và đưa vào vận hành các hồ chứa đang xây dựng trên các đảo nhỏ trong quần đảo Nam Du…

Tại tỉnh Long An, ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết, ngoài việc điều chỉnh lịch thời vụ gieo sạ lúa đông xuân 2023-2024, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh triển khai các giải pháp chủ động phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của El Nino nhằm bảo vệ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, đợt hạn, xâm nhập mặn năm 2015-2016 đã làm trên 10.057ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó chủ yếu là lúa với hơn 9.294ha, cây ăn trái và cây khác thiệt hại 610ha, rau màu thiệt hại 152ha.

Vận hành 2 cống Cái Lớn - Cái Bé là biện pháp được ưu tiên để ngăn mặn, giữ ngọt ở ĐBSCL. Ảnh: QUỐC BÌNH
Vận hành 2 cống Cái Lớn - Cái Bé là biện pháp được ưu tiên để ngăn mặn, giữ ngọt ở ĐBSCL. Ảnh: QUỐC BÌNH

Chủ động sản xuất, “né” hạn mặn

Ông Lê Thanh Phong (xã biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) cho biết, những ngày qua, gia đình tranh thủ có mưa nên tập trung bơm tháo nước từ vuông ra ngoài để rửa mặn cho đất. Hiện việc rửa mặn đã cơ bản đạt theo yêu cầu và chuẩn bị cho vụ lúa trên đất nuôi tôm. “2 năm qua, vụ lúa tôm khá thành công. Tuy nhiên, năm nay qua theo dõi thông tin báo đài, dự báo của cơ quan chức năng mùa khô đến sớm nên tôi tranh thủ gieo mạ sớm, trữ nước trong vuông nhằm né hạn, mặn vào cuối vụ”, ông Phong nói.

Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2023-2024, tỉnh Cà Mau sẽ xuống giống 35.270ha, trong đó nhiều nhất là huyện Trần Văn Thời với hơn 28.900ha. Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Cà Mau, mùa mưa 2023 có khả năng kết thúc sớm; hạn, xâm nhập mặn đến sớm và gay gắt hơn trung bình nhiều năm.

Ông Lê Văn Quân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết, sở đã chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp, theo hướng rút ngắn thời gian từ 10-15 ngày so với vụ mùa trước; chủ động chuyển đổi cơ cấu giống, đặc biệt đối với vùng đất gò, dễ bị khô hạn thì chuyển từ giống lúa mùa dài ngày sang giống lúa cao sản ngắn ngày để rút ngắn thời vụ nhằm giảm thiệt hại khi có hạn hán, xâm nhập mặn.

Tương tự, các địa phương khác vùng ĐBSCL cũng đang tuyên truyền, khuyến cáo người dân và cơ quan chức năng tăng cường theo dõi sát dự báo thời tiết, cảnh báo sớm, chính xác cho nông dân trước khi xảy ra các yếu tố bất lợi do El Nino. Trong đó, lưu ý nông dân trồng cây ăn trái cần chủ động tích nước ngọt trong ao, mương để tưới cho vườn cây; gia cố bờ bao, bờ đê, cống, đập, nạo vét hệ thống kinh mương nội đồng ngăn mặn giữ ngọt; sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm để chủ động cho sản xuất lúa đông xuân.

Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, ngành nông nghiệp đang tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm tiết kiệm nước trong sản xuất, tránh thiệt hại do thiếu nước. Trước mắt, sở khuyến cáo nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các khu vực không chủ động được nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng nước hiệu quả để nông dân áp dụng. Sở cũng chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, nhất là ở các vùng thường xuyên có nguy cơ xảy ra hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Tin cùng chuyên mục