Miền Trung: Rừng mất, đất cằn - Bài 3: Tái thiết, phát triển rừng bền vững

Trước thực tiễn đang vận động theo chiều hướng tiêu cực trên những khu rừng dọc dải miền Trung, nhiều địa phương nhận thấy bài toán sống còn là cần sớm can thiệp để không phải gánh chịu những hệ lụy khôn lường trong tương lai. Các địa phương đã chủ động đứng ra vận động nhiều nguồn lực để bắt tay vào hiện thực hóa các chính sách bảo vệ và phát triển rừng bền vững, xúc tiến tái sinh những khu rừng tự nhiên. 
Khai thác rừng trồng theo chứng chỉ FSC tại Thừa Thiên - Huế. Ảnh: VĂN THẮNG
Khai thác rừng trồng theo chứng chỉ FSC tại Thừa Thiên - Huế. Ảnh: VĂN THẮNG

Thu bạc tỷ từ trồng gỗ lớn

Bên cạnh những rừng keo, tràm “ăn xổi”, đi dọc dải đất miền Trung đã thấy xuất hiện xen kẽ nhiều mảnh rừng trồng gỗ lớn theo chứng chỉ rừng bền vững của FSC (do Hội đồng Quản trị rừng thế giới cấp). Trong những khu rừng trồng keo, tràm từ 8-10 năm tuổi, chúng tôi bị choáng ngợp bởi những cây keo cổ thụ cao vút với hệ thực vật cây bụi dưới tán rừng rất đa dạng. Có những khu rừng sản xuất gỗ lớn giáp ranh rừng phòng hộ, lực lượng bảo vệ rừng còn phát hiện nhiều loài rùa đến ẩn náu dưới tán rừng.

Những hộ dân ở thôn Kinh Môn (xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) phấn khởi đưa chúng tôi đi thăm khu rừng gỗ lớn hàng trăm hécta đã qua 10 năm tuổi. Nhiều hộ đi tiên phong khoe rằng, tuy trồng gỗ lớn hơi lâu năm nhưng do được Nhà nước hỗ trợ nên đạt thành quả lớn, thu về trên 200 triệu đồng/ha, có hộ thu tiền tỷ qua mỗi vụ trồng gỗ lớn…

Tại khu trồng rừng sản xuất ở thôn Chầm (phường Hương Hồ, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế), ông Bùi Văn Sơn cho biết: Trước đây, khi còn trồng rừng gỗ dăm, đến thời kỳ thu hoạch thường bị thương lái ép giá nên giá trị và hiệu quả kinh tế rừng trồng không cao, chỉ từ 70-80 triệu đồng/ha/5 năm. Sau khi được tuyên truyền và trở thành thành viên của Chi hội Chủ rừng phát triển bền vững thôn Chầm (thuộc Hội Chủ rừng phát triển bền vững Thừa Thiên - Huế), ông Sơn quyết định chuyển 2,7ha rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng  gỗ lớn. “Với 2,7ha rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, nay tôi khai thác 1,7ha, lãi 250 triệu đồng/ha. Nhờ có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nên không còn tình trạng bị lái buôn ép giá”, ông Sơn vui mừng cho biết. 

Tương tự, tại những cánh rừng sản xuất của xã Tiên Phong (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam), người dân địa phương đang tích cực chăm sóc các khoảnh rừng gỗ lớn hướng đến chứng chỉ FSC. Ông Nguyễn Văn Đáng (ở thôn Phường Thuốc, xã Tiên Phong), nói: “Mỗi hécta rừng trồng theo chứng chỉ rừng gỗ lớn FSC sẽ được hỗ trợ 8 triệu đồng. Bên công ty cam kết sẽ mua giá cao hơn ngoài thị trường nên chúng tôi rất tin tưởng để đeo đuổi chủ trương lớn của địa phương”. 

Gặp chúng tôi, ông Lê Trí Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước khoe rằng, trong những năm qua, địa phương đã trồng và chuyển hóa được 800ha rừng sản xuất gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Huyện đã hỗ trợ cho những hộ dân tham gia trồng rừng gỗ lớn 6 tỷ đồng. Hiện tại, địa phương đang xây dựng dự án Phát triển vùng nguyên liệu gỗ lớn với diện tích 6.000ha và dự án Đầu tư xây dựng Trung tâm Giống công nghệ cao trên diện tích 10ha. Địa phương cũng thực hiện cấp chứng chỉ rừng FSC cho 1.500ha đã giao cho người dân tại các xã Tiên Phong, Tiên Sơn, Tiên Lãnh, Tiên Hiệp…

Tạo chuỗi liên kết bền vững

Việc trồng rừng gỗ lớn theo tiêu chuẩn FSC là giải pháp sống còn trên những cánh rừng sản xuất của các tỉnh miền Trung và cả nước. Rừng trồng gỗ lớn đảm bảo chức năng phòng hộ, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính và có thể tham gia thị trường carbon. Thứ nữa, thực tiễn đã chứng minh việc trồng rừng gỗ lớn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, tạo đầu ra xuất khẩu theo đường chính ngạch qua nhiều thị phần ở châu Âu, Hoa Kỳ… 

Tuy nhiên, theo ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, do kinh doanh gỗ lớn có chu kỳ dài hơn kinh doanh nguyên liệu gỗ nhỏ (bột giấy, băm dăm...), chi phí đầu tư lớn hơn, trong khi việc vay vốn sản xuất của các tổ chức, hộ gia đình rất khó khăn. Ngoài ra, quy mô diện tích đất lâm nghiệp của mỗi hộ gia đình nhỏ lẻ, bài toán sinh kế cũng đang cản trở việc trồng rừng gỗ lớn. 

Từ thực tiễn đó, yêu cầu phải tạo được chuỗi liên kết có nội lực mạnh là giải pháp mà nhiều địa phương hướng tới. Theo Đề án Phát triển rừng gỗ lớn giai đoạn từ năm 2016-2025, định hướng đến năm 2035, Bình Định quy hoạch diện tích rừng đến 30.000ha. Địa phương này đã phê duyệt cho 3 doanh nghiệp với diện tích 4.186ha để thực hiện mô hình trồng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC. Từ năm 2016 đến nay, các doanh nghiệp đã trồng và chuyển hóa được gần 2.300ha đất cây rừng sản xuất gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Phía doanh nghiệp cũng đã thuê đơn vị tư vấn để đào tạo, chuyển giao công nghệ, hợp tác nghiên cứu và cam kết thực hiện quản lý bền vững và cấp chứng chỉ FSC cho 4.000ha rừng gỗ lớn.

Ông Hùng Ngọc Bảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định, cho biết, UBND tỉnh cũng mở hướng cho 7 doanh nghiệp liên kết với người dân địa phương để tạo chuỗi kết nối trồng rừng gỗ lớn. Hiện đã có 2 doanh nghiệp xây dựng đề án liên kết trên 50.000ha rừng trồng của các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân. Từ đây, doanh nghiệp sẽ bỏ tiền ra để liên kết với người dân cùng trồng gỗ lớn, đồng thời bao tiêu gỗ của người dân tham gia liên kết với giá cao và ổn định. Phía Chi cục Kiểm lâm sẽ đứng ra làm cam kết, thỏa thuận chung cho các liên kết đảm bảo thực hiện theo đúng chủ trương phát triển rừng bền vững. 

Tương tự, tỉnh Quảng Ngãi cũng đặt mục tiêu hết năm 2020 phải thực hiện chuyển đổi xong 5.000ha rừng sản xuất từ gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Hiện tại, Công ty Lâm nghiệp Ba Tơ đang thực hiện được 2.800ha rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC, kèm theo bảo vệ và giữ 200ha rừng tự nhiên…

“Để trồng gỗ lớn, chúng ta phải chọn đối tượng có tiềm lực kinh tế, có đất rừng lớn để làm mô hình điểm chứ không chọn các hộ canh tác lẻ mẻ. Ngoài ra, chúng ta cần chọn thời điểm phù hợp để can thiệp hỗ trợ người dân nhằm kích thích phong trào chuyển rừng gỗ nhỏ thành gỗ lớn”, ông Nguyễn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi, đặt vấn đề.

Ông Nguyễn Hữu Huy, Phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên - Huế, chia sẻ, từ năm 2000, Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế đã rất táo bạo khi tham mưu cho UBND tỉnh ý tưởng “biến lâm tặc thành người giữ rừng” bằng mô hình giao rừng tự nhiên cho cộng đồng thôn quản lý. Hàng ngày, người dân vào rừng chăm sóc cây rừng như khu vườn riêng của gia đình, đồng thời khai thác lâm phụ sản từ gỗ, mây, tre, nứa. Đây là ý tưởng có trước Quyết định 178/TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy chế giao rừng cho người dân trực tiếp quản lý nên lúc đó chưa có khung pháp lý thực hiện. Song bằng sự giúp đỡ tích cực của tổ chức chuyên hoạt động trong lĩnh vực tìm kiếm các chính sách, giải pháp bảo vệ rừng bền vững quốc tế FROFOR, UBND tỉnh và các cấp, ban ngành liên quan, cán bộ kiểm lâm đã phối hợp với chính quyền địa phương giải thích về nghĩa vụ bảo vệ rừng cho từng hộ dân.

“Toàn tỉnh hiện đã giao mới và hoàn thiện hồ sơ giao rừng trước đây là 31.626,8ha cho các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng dân cư thôn bản”, ông Hữu Huy nói.

Tin cùng chuyên mục