Minh bạch để tạo niềm tin

Tuy chiếm khoảng 97,5% tổng số doanh nghiệp (DN) đang hoạt động, đóng góp 45% tổng sản lượng quốc nội và 31% ngân sách, nhưng hiện nay, các DN nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận tín dụng khó khăn (khoảng 22% - 25% tổng dư nợ). 

Điểm khó khăn muôn thuở với các DNNVV trong khó khăn tiếp cận vốn là thiếu các tài sản đảm bảo cho khoản vay hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp, quyền sở hữu tài sản không minh bạch... Còn trong hoạt động, do quy mô nhỏ nên các DNNVV chưa tổ chức hạch toán kế toán theo quy định, số liệu thiếu chính xác, chưa có kiểm toán độc lập nên đã ảnh hưởng đến quá trình xem xét và thẩm định hồ sơ vay vốn. Đó cũng là lý do khiến DNNVV không những khó vay vốn ngân hàng mà còn không có khả năng tiếp cận các nguồn vốn khác như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu, thu hút đầu tư từ các quỹ...

Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực, để giải quyết thực tế này, Nhà nước cần sớm ban hành và triển khai có hiệu quả các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Hỗ trợ DNNVV, đồng thời tăng cường vai trò của các hiệp hội DN trong hợp tác với các tổ chức tín dụng, quỹ bảo lãnh tín dụng... Song, điểm quan trọng là chính các DNNVV cũng cần cải thiện tính minh bạch, công khai thông tin hơn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nhìn nhận, hiện có tới 60% DNNVV không tiếp cận và không sử dụng vốn ngân hàng, đặc biệt là các DN khởi nghiệp - vốn chỉ có tài sản là trí tuệ, ý tưởng. Ngân hàng vẫn thờ ơ, lạnh nhạt, chưa bình đẳng với khách hàng là DNNVV. Trong khi, DN nhà nước và DN lớn vẫn được ngân hàng ưu tiên khoản tín dụng lớn với chi phí vay thấp, nguồn vốn vay lớn. Cũng theo ông Lộc, ngân hàng vẫn cho vay bằng thế chấp tài sản để bảo đảm an toàn cho mình nhưng trong nền kinh tế số và kinh tế khởi nghiệp, các DNNVV chỉ có ý tưởng kinh doanh nên đâu có nhiều tài sản để thế chấp. “Tôi nghĩ, trong nền kinh tế số, căn cứ để các DN và tổ chức tài chính cấp tín dụng là chuyển cho vay từ thế chấp sang phương án kinh doanh… và nhiều nước đã thực hiện cho vay bằng ý tưởng kinh doanh, sáng tạo”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh. Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cũng thừa nhận, với DNNVV, sự minh bạch luôn là điểm yếu. Thiếu minh bạch nên khó tạo niềm tin, khó tiếp cận tín dụng. Bên cạnh đó, việc thiếu tài sản thế chấp, dự án kinh doanh thiếu khả thi cũng đang là lý do các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư tài chính nói không với DNNVV.

Liên quan đến vấn đề này, ngày 7-8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành góp ý xây dựng nghị định về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển DNNVV. Đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách, vốn điều lệ do ngân sách cấp là 2.000 tỷ đồng. Điều kiện được vay là: DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; có vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án; có khả năng hoàn trả vốn vay và đáp ứng được các quy định về bảo đảm tiền vay theo quy định. Lãi suất cho vay của quỹ không vượt quá 80% mức thấp nhất của lãi suất cho vay thương mại và được chia thành các mức khác nhau, được xác định theo thời hạn cho vay, lĩnh vực hoạt động hoặc xếp hạng mức độ tín nhiệm của DN (nếu có).

Trước băn khoăn của các bộ, ngành về việc làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm ra quyết định cho vay trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, vốn có nhiều rủi ro, dễ mất vốn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục xây dựng quy định chặt chẽ về đối tượng cho vay, thủ tục, trình tự, thẩm quyền của hội đồng quản lý để tăng cường minh bạch, giảm thiểu rủi ro khi cho vay, tài trợ. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhanh chóng hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ cho ý kiến và ban hành vào cuối quý 3.

Theo các chuyên gia, giải pháp khơi thông vốn là trách nhiệm của 3 nhà: Nhà nước (tháo gỡ nút thắt thể chế), tổ chức tín dụng và DN. Trong đó, Nhà nước cần phải cải cách mạnh mẽ hơn về quy định pháp luật, tạo điều kiện để DNNVV vay vốn phù hợp với cách mạng công nghiệp 4.0, chấp nhận rủi ro, khuyến khích sáng tạo, không hình sự hóa; đồng thời cải cách về chính sách đất đai, khoa học - công nghệ… Còn các ngân hàng thì cần có phương thức cho vay mới, có gói cho vay hướng mạnh vào khởi nghiệp, nông nghiệp, căn cứ chủ yếu vào ý tưởng và phương án kinh doanh. Các ngân hàng, công ty bảo hiểm, tổ chức tài chính phải tương tác, “bọc lót” cho nhau trong hỗ trợ DNNVV. Với DN, điểm quan trọng là phải minh bạch. Nếu thiếu minh bạch thì ngân hàng không thể cho vay. Bên cạnh đó, DN phải tăng cường quản trị tốt hơn, có phương án kinh doanh tốt, “không thể tay không bắt giặc”. Tài sản thế chấp chỉ là điều kiện cần, và ở Việt Nam, điều này quan trọng cũng chính vì DN còn thiếu minh bạch nên ngân hàng không dám cho vay. Nếu DN minh bạch, có ý tưởng kinh doanh tốt, thậm chí họ còn có thể thu hút được vốn từ các quỹ đầu tư bên ngoài.

Tin cùng chuyên mục