- Lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp xã phường
Hôm qua, 15-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến vào dự án Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đỗ Quang Trung, qua 8 năm thực hiện Quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Nghị định 29/1998/NĐ-CP của Chính phủ, đời sống sinh hoạt chính trị, xã hội ở các địa phương trong cả nước đã đạt được những kết quả tích cực và toàn diện.
Tuy nhiên, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, và một bộ phận cán bộ công chức chưa đầy đủ, chưa thấy hết tầm quan trọng của quy chế dân chủ; vẫn còn tình trạng hạn chế hoặc cản trở việc thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân. “Vì vậy, các quy định về thực hiện dân chủ ở cấp xã, phường, thị trấn cần được nâng tầm hiệu lực pháp lý cao hơn” - Bộ trưởng Đỗ Quang Trung nói.
Theo quan điểm này, dự thảo Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở cấp xã, phường, thị trấn quy định những nội dung chính quyền xã, phường, thị trấn phải công khai cho nhân dân biết, những nội dung nhân dân bàn và quyết định; những nội dung nhân dân tham gia ý kiến trước khi chính quyền cấp xã quyết định; những nội dung nhân dân giám sát và kiểm tra.
Đặc biệt, nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền cấp xã, dự thảo Pháp lệnh quy định việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn.
Việc lấy phiếu tín nhiệm do Ban Thường trực MTTQ Việt Nam cấp xã tổ chức. Nếu số phiếu tín nhiệm dưới 50% thì đề nghị HĐND cùng cấp xem xét miễn nhiệm. Thành phần tham gia bỏ phiếu tín nhiệm gồm ủy viên Ủy ban MTTQ cấp xã; bí thư chi bộ thôn, tổ dân phố; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; trưởng ban công tác mặt trận thôn, tổ dân phố.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận, nếu quy định như vậy sẽ là thừa nhận mặc nhiên những người nêu trên là đại diện của nhân dân, và vô hình trung biến họ thành những người chuyên nghiệp trong việc bỏ phiếu.
Ông Thuận phân tích: “Trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhân dân có vai trò quan trọng. Do đó, nếu có cơ chế bỏ phiếu tín nhiệm thì phải có quy định cụ thể đối với người giữ chức vụ nào do nhân dân trực tiếp bỏ phiếu; người giữ chức vụ nào thì do những người đại diện nhân dân bỏ phiếu”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được lưu ý, hiện nay dân chủ trực tiếp ở các địa phương còn yếu, nên pháp lệnh cần nhấn mạnh vấn đề này. “Nếu theo dự thảo này thì vẫn là dân chủ đại diện” - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu bổ sung.
Trong khi đó, Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH Lê Quang Bình đề nghị lấy phiếu tín nhiệm cả với cán bộ địa chính cấp xã, phường, bởi đây là những người trực tiếp có quan hệ với dân trong lĩnh vực thường gây bức xúc. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế-Ngân sách Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, thành phần lấy phiếu tín nhiệm như vậy thì ít quá, nên mở rộng thêm đối tượng.
Tham dự phiên họp, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cho biết, kết quả thực hiện lấy phiếu tín nhiệm thí điểm cho thấy, về cơ bản, cán bộ chính quyền cơ sở đều tốt. Trong số hơn 59 tỉnh tham gia thí điểm việc lấy phiếu tín nhiệm năm ngoái, số phiếu dưới 50% đối với chủ tịch UBND, chủ tịch HĐND xã là 0,7%; đối với trưởng thôn là chưa đầy 2%.
Theo ông Phạm Thế Duyệt, có thể việc lấy phiếu tín nhiệm không làm được hết ở trên 10.000 xã trong cả nước, nhưng ở những nơi dân bức xúc nhất, hay đụng chạm đến quyền lợi của dân, thì nên làm và mở rộng diện lấy phiếu tín nhiệm.
Trên thực tế, tại Diễn Châu (Nghệ An) còn bỏ phiếu luôn cả chức danh phó chủ tịch UBND xã. Hay ở Hà Tĩnh mở rộng ra 4-8 chức danh lấy phiếu tín nhiệm, gồm kế toán, cán bộ địa chính...
Cùng ngày, trước khi kết thúc phiên họp thứ 45, UBTVQH đã cho ý kiến về phương án sử dụng nguồn kinh phí được trích năm 2006 cho Kiểm toán Nhà nước trên cơ sở 2% số tiền thực nộp vào Kho bạc Nhà nước do Kiểm toán Nhà nước phát hiện.
BẢO MINH
Ngoài quy định hiện hành về dân chủ ở cơ sở, dự thảo Pháp lệnh quy định mới những nội dung thực hiện dân chủ ở cấp xã, phường như sau: |
- Từ Quốc hội khóa XII
Sẽ thực hiện chất vấn tại các phiên họp UBTVQH