Mở rộng thị trường qua ứng dụng công nghệ số

Với nền kinh tế số, thế giới đang nhỏ lại và doanh nghiệp nhỏ thì lớn lên. Riêng thống kê tại Việt Nam trong năm 2017, đã có 53,86 triệu người sử dụng internet và nhiều báo cáo nghiên cứu khảo sát thị trường dự báo con số này sẽ đạt gần 60 triệu trong vòng 4 năm tới.
Doanh nghiệp ứng dụng dây chuyền sản xuất tự động
Doanh nghiệp ứng dụng dây chuyền sản xuất tự động

Công nghệ số tạo nên nền tảng cho sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tri thức, tiếp cận thị trường. Trong bối cảnh này, tất cả ngành nghề, lĩnh vực đều phải nhanh chóng bắt nhịp kết nối số, ứng dụng công nghệ thông tin để hòa nhập kịp thời với sự chuyển đổi và không rơi vào tình trạng tụt hậu, bị loại khỏi thị trường và mất dần năng lực cạnh tranh.

Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước sự tích hợp 2 làn sóng là làn sóng đổi mới, cải cách thể chế và làn sóng công nghệ số. Trong đó, với khoảng 95% - 98% doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ và vừa, internet sẽ mở ra cơ hội thị trường cực kỳ rộng lớn và vượt khỏi biên giới. Dẫn chứng cụ thể, cách đây khoảng 10 năm sẽ khó hình dung câu chuyện người tiêu dùng có thể đặt hàng từ nước ngoài về Việt Nam, nhưng những năm gần đây có thể mua hàng từ nước ngoài về dễ dàng thông qua Amazon, Alibaba, Lazada… và đó là thách thức của các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Ông Liêu Hưng Tiến, Giám đốc kinh doanh Công ty Haravan, cho rằng hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp Việt Nam chưa nhìn ra nguy cơ cho hàng Việt khi hàng hóa ngoại nhập vào theo con đường thương mại điện tử. Rất nhiều doanh nghiệp có lợi thế về phân phối, bán lẻ thông thường nhưng làm thương mại điện tử thì họ không biết bắt đầu từ đâu, trong khi Việt Nam có đến 60% dân số online 25 giờ/người/tuần. Chính vì thế, lợi thế cạnh tranh về mặt địa lý hay giá cả của doanh nghiệp Việt đều giảm mạnh vì khách hàng rất dễ dàng tìm được nhà cung cấp giá rẻ với chất lượng tốt hơn. Bán hàng xuyên biên giới và khách hàng không biên giới là sự thay đổi rất lớn và sẽ làm thay đổi môi trường kinh doanh, ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều doanh nghiệp Việt. Với tất cả ứng dụng công nghệ mà thời đại 4.0 đang phát triển, doanh nghiệp Việt Nam bắt buộc phải hướng tới công nghệ số. Đặc biệt, chuyển đổi số vừa tạo ra sân chơi vừa mang lại công cụ mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện. Trong đó, quy mô không phải là vấn đề quan trọng, mà thực tế doanh nghiệp phải nhận thức được khuynh hướng chuyển đổi, xây dựng được năng lực ứng dụng công nghệ hiệu quả thì sẽ thành công. Về mặt công nghệ, việc tiếp cận ngày càng khá dễ dàng; tuy nhiên, vấn đề là doanh nghiệp có khả năng nhận diện, lựa chọn công nghệ phù hợp để tiết kiệm chi phí và mang lại lợi ích kinh tế cao. Bên cạnh đó, để bắt nhịp và thay đổi nhận thức về chuyển đổi số trong doanh nghiệp, cần đánh giá mức độ cạnh tranh trong lĩnh vực, ngành nghề và học hỏi kinh nghiệm từ những doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh nhờ chuyển đổi số. 

Theo ông Huân Trần, cố vấn kỹ thuật số tại Microsoft  Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), trong chuyển đổi số có 2 yếu tố tiên quyết, đó là đổi mới công cụ sản xuất và kết nối dữ liệu nhằm hiểu rõ hệ thống hoạt động, nhu cầu khách hàng. Hay nói cách khác, doanh nghiệp cần có cái nhìn tổng quát và toàn cảnh từ khâu sản xuất cho đến khách hàng đầu cuối để trên cơ sở đó bắt đầu đưa ra những ý tưởng đổi mới sáng tạo, mà cụ thể là sáng kiến chuyển đổi số. Với những đòi hỏi này, quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp tại Việt Nam dự báo có thể vướng phải các rào cản về mô hình kinh doanh, thiết bị sản xuất và chưa sẵn sàng trả tiền cho tư vấn. Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phải giải bài toán kết nối từ sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Bởi trên thực tế, không ít doanh nghiệp không có thông tin, dữ liệu hoàn chỉnh và tốt nhất của người tiêu dùng đầu cuối nên khó tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chuyển đổi số được xem là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hoạt động và mục tiêu cuối cùng vẫn là hướng đến khách hàng. Do đó, các chuyên gia lưu ý cộng đồng doanh nghiệp khi nói đến vấn đề thay đổi mô hình hoạt động, đổi mới sáng tạo hay chuyển đổi công nghệ thì điều đầu tiên khiến doanh nghiệp quan ngại là sẽ gặp thách thức và rào cản về nội lực, tài chính, quy mô… Nhưng ngày nay, công nghệ số không chỉ mang đến cơ hội kinh doanh mà còn giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn kể trên dễ dàng hơn, trong đó có doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Điển hình, có những hệ thống, nền tảng công nghệ mà doanh nghiệp có thể áp dụng hay khai thác mà không tốn kém chi phí hoặc chi phí rất thấp. Mặc dù chuyển đổi công nghệ số thúc đẩy thay đổi cách thức tiếp cận, tương tác khách hàng, xây dựng văn hóa… mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp, nhưng muốn thực hiện được cũng đòi hỏi chuỗi dự án nhỏ triển khai liên tục chứ không không chỉ một dự án lớn.

Tin cùng chuyên mục