
Điều này được thể hiện khá rõ trên kết quả đạt được qua hơn hai tháng thực hiện thí điểm thông quan điện tử (4-10 đến 4-12-2005).
- Rộng cửa mời... doanh nghiệp

Chi cục Hải quan điện tử TPHCM sẵn sàng mở cửa đón chào doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Long, Phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan điện tử TPHCM cho biết, qua hai tháng (từ ngày 4-10 đến 4-12-2005) thực hiện thí điểm thông quan điện tử tại TPHCM, đã có 27 doanh nghiệp tham gia. Chi cục Hải quan điện tử TPHCM đã xử lý 1.109 tờ khai, gồm 907 tờ khai nhập khẩu và 202 tờ khai xuất khẩu.
Cụ thể: xuất khẩu có 197 tờ khai luồng xanh; nhập khẩu có 305 tờ khai luồng xanh, 554 tờ khai luồng vàng và 48 tờ khai luồng đỏ. Tờ khai luồng vàng gồm hàng thuộc diện kiểm định, hàng bắt buộc có giấy phép, hàng phải đăng ký kiểm tra chất lượng nhà nước, hàng đối với doanh nghiệp có nợ thuế, hàng nộp thuế ngay… và phân luồng đỏ gồm hàng thuộc diện phải dán tem, hàng có nghi ngờ về thuế suất.
Qua thông quan điện tử từ 27 doanh nghiệp này, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đã đạt 106 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 43,6 triệu USD, nhập khẩu đạt 62,4 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu gồm có gạo, máy móc ngành may. Mặt hàng nhập khẩu gồm có tân dược, nguyên vật liệu sản xuất thuốc lá, máy móc, nguyên liệu ngành may mặc, hóa chất, nguyên liệu sản xuất nước giải khát, sữa bột, giấy, màng nhựa dùng làm bao bì, nhựa nguyên sinh, hàng kim khí điện máy v.v… Từ đây cũng tính được tổng số thuế phải thu là 182 tỷ đồng, số thuế đã thu được 109 tỷ đồng.
Lợi ích của thông quan điện tử càng thể hiện qua thời gian làm thủ tục và thông quan hàng hóa của luồng xanh chỉ 3-10 phút, luồng vàng 20-30 phút, luồng đỏ 1-3 tiếng đồng hồ và việc nhận hàng, xuất hàng để hải quan xác nhận hàng đã thực nhập, thực xuất tùy thuộc vào việc chuẩn bị hồ sơ giao nhận hàng, phương tiện vận tải và các hoạt động nghiệp vụ khác của doanh nghiệp… Việc mở rộng cửa để nhiều doanh nghiệp, nhiều lĩnh vực xuất nhập khẩu tham gia thông quan điện tử là mục đích mới mà Hải quan TPHCM đề ra.
Theo như kế hoạch của Hải quan TP, từ đầu năm 2006 sẽ mở rộng thủ tục hải quan điện tử tại Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất, các khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung và mở rộng thêm một số loại hình xuất nhập khẩu như gia công, sản xuất xuất khẩu, đầu tư… Và như vậy sẽ có trên 500 doanh nghiệp tham gia, chiếm tỷ trọng 80% kim ngạch xuất, nhập khẩu… Về kế hoạch này, Cục Hải quan TP đã chuẩn bị xong, chỉ còn chờ ý kiến chính thức từ phía Tổng cục Hải quan.
Tuy nhiên, phía Hải quan TP cho rằng để việc mở rộng thông quan điện tử được thuận tiện cũng như hoàn thiện hệ thống thông quan điện tử, Cục Hải quan TP phải xin phép UBND TPHCM cho phép xây dựng hệ thống giả lập thông quan điện tử. Hệ thống này dùng để thí nghiệm các chương trình mở rộng thí điểm thông quan điện tử vì không thể thí nghiệm trên hệ thống thật. Bên cạnh đó, hệ thống giả lập thông quan điện tử còn dùng để đào tạo, đào tạo lại các doanh nghiệp tham gia thủ tục thông quan điện tử nhằm chuẩn hóa khâu khai báo cũng như đào tạo, đào tạo lại cán bộ hải quan, giúp nâng cao năng lực xử lý, quản lý, phát hiện những điểm chưa phù hợp, những nhu cầu mới phát sinh.
- Từng bước hoàn thiện quy trình
Về lỗi phần mềm (do Công ty FPT viết) áp dụng trong chương trình thí điểm thông quan điện tử tại Chi cục Hải quan điện tử TPHCM mà trước đây báo SGGP đã phản ánh (ngày 21-11), hiện Tổng Cục Hải quan và Công ty FPT đang gấp rút khắc phục… Tuy nhiên, đây chỉ là một khâu trong toàn bộ quy trình thông quan điện tử. Do đó, điều cần làm của Chi cục Hải quan điện tử TPHCM hiện nay là phải gấp rút hoàn thiện cả quy trình.
Ông Đỗ Đình Thực, Phó cục trưởng Cục Hải quan TPHCM cho biết, để hoàn thiện quy trình thông quan điện tử rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan liên quan như Cục Thuế TPHCM, Kho bạc Nhà nước (chi nhánh TPHCM), Công an, Sở Kế hoạch-Đầu tư…
Cụ thể, Cục Thuế là một trong những đơn vị quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, việc chấp hành chế độ báo cáo kế toán, khả năng tài chính của doanh nghiệp… có trách nhiệm cung cấp nguồn thông tin quan trọng để cơ quan hải quan xem xét việc chấp thuận cho doanh nghiệp thông quan điện tử và phối hợp trong công tác xử lý và thu hồi các nợ đọng đối với doanh nghiệp.
Đối với ngành Công an, việc phối hợp với Hải quan nằm ở khâu phát hiện có doanh nghiệp vi phạm pháp luật để thông báo cho Hải quan… Cho nên Cục Hải quan TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM có ý kiến chỉ đạo các ban ngành liên quan cùng phối hợp theo định kỳ cụ thể… đồng thời sớm thông qua quy chế phối hợp hoạt động của Chi cục Hải quan điện tử TP với các ban ngành liên quan.
Từ tháng 11-2005, Cục Hải quan TPHCM đã lựa chọn thêm 33 doanh nghiệp tham gia thông quan điện tử và đã tổ chức tập huấn về quy trình. Tuy nhiên, đến nay chỉ có 6 doanh nghiệp được xác nhận về tính minh bạch tài chính của doanh nghiệp, còn 15 doanh nghiệp phải chờ Cục Thuế thành phố xác nhận, và các doanh nghiệp còn lại chưa xác nhận vì nhiều lý do khác… Qua đây cho thấy cần hoàn thiện quy trình thông quan điện tử và cần sự ra đời của quy chế phối hợp hoạt động thông quan điện tử.
Phát biểu tại cuộc họp vào ngày 3-12, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín cho rằng, đây là chủ trương lớn, là khâu đột phá trong cải cách hành chính hải quan và là yêu cầu chung của xã hội, cho nên dựa trên những kết quả đạt được, việc mở rộng thông quan điện tử là điều cần phải làm từ đầu năm 2006. Còn về những kiến nghị của Cục Hải quan TPHCM nhằm hoàn thiện quy trình thông quan điện tử, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Tín cho rằng đây là những việc cần được giải quyết ngay.
BÁ TÂN