Chủ nhiệm UBĐN của Quốc hội Vũ Mão:

“Mổ xẻ” việc quản lý vốn ODA của Bộ GTVT tại kỳ họp QH tới

“Mổ xẻ” việc quản lý vốn ODA của Bộ GTVT tại kỳ họp QH tới

Cần có cơ chế nào để giám sát việc quản lý sử dụng nguồn vốn vay ODA? Sắp tới Quốc hội sẽ “mổ xẻ” vấn đề này tới đâu và tại sao sai phạm về quản lý nguồn vốn vay kéo dài tại Bộ GTVT chưa có “bàn tay” giám sát của Quốc hội? Đó là những vấn đề mà đồng chí Vũ Mão, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã trao đổi với PV Báo SGGP chiều 10-4.

- PV: Hiện nay QH vẫn chưa có được báo cáo về tiêu cực trong việc quản lý sử dụng vốn ODA hàng triệu USD kéo dài tại Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Phải chăng Quốc hội “quên” giám sát hay các cơ quan chức năng “quên” báo cáo?

“Mổ xẻ” việc quản lý vốn ODA của Bộ GTVT tại kỳ họp QH tới ảnh 1

Đồng chí Vũ Mão.

- Đồng chí VŨ MÃO: Không phải Quốc hội “quên” mà phải xem xét chức năng nhiệm vụ của các cơ quan Quốc hội ai có trách nhiệm theo dõi việc quản lý, sử dụng nguồn vốn ODA của Chính phủ. Theo tôi hiểu đây là lĩnh vực kinh tế, trước hết là của Ủy ban Kinh tế Ngân sách và các ủy ban có liên quan như Ủy ban Đối ngoại vì có yếu tố nước ngoài. Nhưng quả thật, đến nay chưa có một văn bản nào quy định rõ ràng cho các ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm giám sát việc quản lý sử dụng nguồn vốn này. Do vậy, thời gian qua công tác giám sát lĩnh vực này còn có hạn chế nhất định.

Cách đây 3 năm tôi đã phát biểu trước Quốc hội rằng: đây là vấn đề rất lớn và là “trận địa” không thể bỏ trống. Trong đó, tôi có đề cập đến việc mình nợ nước ngoài bao nhiêu và chắc chắn không ai khác ngoài con cháu chúng ta sẽ là người gánh lấy. Do đó, cần có cơ chế, luật pháp quy định vấn đề này. Thế nhưng, nó vẫn chỉ dừng ở mức độ được cảnh báo. Nói như vậy, không phải tôi muốn đổ lỗi cho ai mà là trách nhiệm của chúng ta. Qua vụ tiêu cực tại Bộ GTVT càng thôi thúc tất cả chúng ta phải tư duy cho kịp với những vấn đề thực tiễn đặt ra để hoàn thiện hệ thống luật pháp và có sự phân công cụ thể rõ ràng cả nhiệm vụ lẫn trách nhiệm. Từ đây, chúng ta sẽ hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, nhất là các nguồn vốn vay, vốn viện trợ từ nước ngoài.

- Để quản lý nguồn vốn ODA hiệu quả, Quốc hội cần có kế hoạch giám sát như thế nào?

- Tôi nghĩ phiên họp sắp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải đưa vấn đề này ra để bàn tính, “mổ xẻ” mọi góc cạnh và trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (khai mạc vào tháng 5-2006). Mọi vấn đề thuộc các lĩnh vực của đất nước, người điều hành là Chính phủ, nhưng giám sát quá trình thực hiện những vấn đề đó là chức năng của Quốc hội.

Theo tôi, trước hết cần phải hoàn thiện cơ chế, hành lang pháp lý. Đã đến lúc, cần có một luật hoặc một pháp lệnh về quản lý sử dụng nguồn vốn ODA. Luật này quy định cụ thể về nội dung và thủ tục trình tự vay, trả ra sao, quản lý sử dụng như thế nào, vào những hạng mục công trình gì, cơ quan nào sẽ chủ trì giám sát, hàng năm phải báo cáo Quốc hội ra sao và trách nhiệm của trung ương tới đâu, địa phương ở mức nào… Nếu chưa kịp ban hành luật thì phải có ngay một pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại kỳ họp tới Quốc hội nên ra Nghị quyết về vấn đề này.

- Quan điểm của đồng chí qua vụ tiêu cực ở Bộ GTVT?

- Tôi cho đây là một bài học mà chúng ta phải trả giá. Nhưng chúng ta không bi quan vì cuộc sống đã đặt ra thực tiễn như thế, chúng ta phải xử lý những vấn đề của cuộc sống. Tôi tin rằng, chân thành nhận khuyết điểm, quyết tâm khắc phục, trị tận gốc những tập thể, cá nhân liên quan đến sai phạm thì bạn bè quốc tế vẫn tin tưởng. Có sai thì phải sửa và quan trọng là phải nhận biết cái sai của mình để điều chỉnh. Đó là bài học kinh nghiệm của 20 năm đổi mới. Đất nước chúng ta không bao giờ chịu bó tay trước tiêu cực, sai phạm có hệ thống như thế. Cũng chính từ thực tiễn này sẽ giúp chúng ta sớm có giải pháp khắc phục. Đó chính là quy luật tất yếu của cuộc sống để vươn lên tầm cao mới.

- Xin cảm ơn đồng chí!  

TRẦN TOÀN thực hiện

Tin cùng chuyên mục