Mỗi nhà báo phải tự vượt mình để lớn lên

Mỗi nhà báo phải tự vượt mình để lớn lên

Tại buổi gặp mặt các cơ quan báo chí nhân 80 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2005), chiều 19-6 tại Hà Nội, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đức Lương nhiệt liệt biểu dương những đóng góp to lớn của báo chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, đặc biệt trong việc tuyên truyền, cổ động, tập hợp và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng, giáo dục và hướng dẫn hành động của các tầng lớp nhân dân.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, hệ thống báo chí và những người làm báo cả nước phải tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, đổi mới không ngừng về nội dung, hình thức và cách thức tuyên truyền, bám sát thực tiễn cuộc sống, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. Trong đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng của báo chí là phát hiện và biểu dương các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, các tấm gương người tốt- việc tốt, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước.

Mỗi nhà báo phải tự vượt mình để lớn lên ảnh 1

Các phóng viên nhận giải thưởng "Ngòi bút trẻ" lần 2-2005.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương cũng đề nghị các cơ quan báo chí và những người làm báo đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, cổ vũ nhân dân sống và làm theo pháp luật, chủ động chống lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí và những mặt xấu của xã hội đang bộc lộ ra.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương căn dặn đội ngũ báo chí cả nước thường xuyên trau dồi đạo đức nghề nghiệp, học tập và nâng cao trình độ chuyên môn, vững vàng về chính trị. Theo Chủ tịch nước, mỗi nhà báo hãy là một ngọn lửa của cái tâm luôn tự vượt qua mình để lớn lên từng ngày; hãy truyền cho từng người niềm say mê và hoài bão để biến những ước mơ của cả dân tộc thành hiện thực trong một tương lai gần.

Cùng ngày, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đến dự có các đồng chí Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; đồng chí Nguyễn Khoa Điềm, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, cùng nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành và đại diện tổ chức chính trị - xã hội và đại diện của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Phát biểu tại lễ mít tinh, đồng chí Phan Diễn đánh giá cao vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam trong 80 năm qua, “là công cụ sắc bén của Đảng và Nhà nước trong công tác tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, đưa sự nghiệp cách mạng nước ta tiếp tục tiến lên, giành được những thành tựu to lớn”.

Đồng chí Phan Diễn nhấn mạnh: Sau gần 20 năm đổi mới, báo chí Việt Nam đã có những bước phát triển mới, đa dạng hơn về nội dung, hình thức, nhanh nhạy trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, biểu dương các điển hình tiên tiến, xóa đói giảm nghèo...

Tuy nhiên đồng chí cũng chỉ rõ những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới hiện nay cùng những yếu kém chủ quan đã đặt ra cho nền báo chí Việt Nam những thách thức không nhỏ, đòi hỏi báo chí cách mạng phải phấn đấu hơn nữa để đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thay mặt những người làm báo trong cả nước, đồng chí Hồng Vinh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đã điểm lại sự ra đời và đóng góp sau 80 năm của báo chí cách mạng Việt Nam qua những mốc son chói lọi, gắn chặt với các giai đoạn hào hùng của dân tộc. Trên những bước đường đó, báo chí cách mạng Việt Nam đã có sự phát triển không ngừng cả về lượng và về chất; đến nay đã có trên 700 tờ báo và tạp chí, khoảng 1.000 bản tin, với trên 14.000 nhà báo chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, đồng chí Hồng Vinh cũng thẳng thắn nhìn nhận, báo chí cách mạng Việt Nam thời gian qua cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: chưa quy hoạch phát triển báo chí trong nhiều năm, khiến ở các thành phố lớn báo chí vượt nhu cầu của xã hội trong khi vùng sâu, vùng xa báo chí còn đơn điệu, hạn chế.

Bên cạnh đó, với sự phát triển mạnh mẽ của Internet cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với báo chí cách mạng trong vấn đề thông tin chính xác trung thực, khách quan, tăng cường đoàn kết dân tộc, chống các thế lực thù địch. Đó chính là những thách thức cho báo chí cách mạng Việt Nam trên bước đường đi tới, đòi hỏi các nhà báo Việt Nam phải tiếp tục vươn lên không ngừng. 

NHÓM PV 

Chiều 19-6, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” và bằng khen cho 56 cán bộ lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí tại TPHCM vì đã có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và định hướng giáo dục thế hệ trẻ.

Thành Đoàn TNCS TPHCM cũng đã trao giải thưởng “Ngòi bút trẻ” lần 2 cho 15 phóng viên, 2 tập thể thuộc các cơ quan báo chí ở TPHCM, trong đó báo SGGP có 2 phóng viên Trần Toàn và Phạm Hoài Nam.

Phát biểu tại buổi lễ tuyên dương “Ngòi bút trẻ”, đồng chí Phan Xuân Biên, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy nhấn mạnh: Là những “Ngòi bút trẻ”, các đồng chí phải tiên phong trong việc cổ vũ nhân tố mới, nêu gương người tốt việt tốt, nhất là những tấm gương tuổi trẻ dũng cảm sáng tạo.

Song song đó, phải thẳng thắn phê phán những vấn đề còn hạn chế chưa tốt của một bộ phận thanh niên để giúp họ sống tốt hơn, có ích hơn cho xã hội.

Tin cùng chuyên mục