
Giải pháp nào cho việc đền bù giải tỏa tái định cư? Nếu giám đốc sở, ngành trả lời chất vấn một cách quanh co né tránh thì có tiến hành lấy phiếu tín nhiệm? Đâu là những kỳ vọng ở tân Chủ tịch UBND TPHCM? Đó là những vấn đề Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo trao đổi với PV Báo SGGP trước giờ khai mạc kỳ họp HĐND TP lần thứ 7 vào ngày mai 11-7.
Dân “chê” nhà tái định cư - vì sao?
- Phóng viên: Thưa bà, hiện nay chuyện giải tỏa, đền bù ở nhiều địa phương đã từ “điểm nóng” trở thành “điểm sôi”. Qua thực tế giám sát, theo bà, đâu là nguyên nhân?
- Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo: Có nhiều lý do, nhưng trước hết là do chúng ta chưa làm tốt công tác tái định cư. Hiện nay, mỗi năm thành phố phải giải tỏa khoảng 20.000 hộ dân. Thống kê cho thấy, qua triển khai 777 dự án đầu tư, thu hồi trên 7.000 ha đất và bồi thường cho hơn 53.000 hộ dân, TPHCM mới giải quyết chỗ ở cho khoảng 10% hộ dân có nhu cầu tái định cư. Tính ra, còn 90% số hộ giải tỏa có nhu cầu tái định cư nhưng chưa được giải quyết. Nhiều dự án có tỷ lệ tái định cư còn thấp: Khu đô thị Thủ Thiêm mới giải quyết cho 1.029/11.000 hộ dân; quận 9: 742/5.462 hộ; quận 12: 177/1.839 hộ ; dự án cầu vượt Quang Trung: 46/149 hộ… Đáng chú ý, dự án nút giao thông Ngã tư An Sương dù đã hoàn thành từ lâu nhưng các hộ dân đến nay vẫn chưa có nơi tái định cư.

Từ thực tế giám sát, chúng tôi thấy có đến một nửa dự án do các doanh nghiệp nhà nước thực hiện, còn lại là các nhà đầu tư khác. Và tỷ lệ người dân khiếu kiện, khiếu nại chủ yếu rơi vào các công trình dự án lớn do những doanh nghiệp nhà nước thực hiện.
Nhìn tổng thể, trong công tác giải tỏa đền bù tái định cư chúng ta chưa thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết 18 của Thành ủy là lo cho người dân nơi ở mới bằng hoặc hơn nơi ở cũ. Sắp tới cần phải tổng kết việc này để rút kinh nghiệm trong chỉ đạo và thực hiện. Nhưng trước mắt các chủ đầu tư phải chủ động lo cuộc sống cho người dân, không thể kéo dài tình trạng bà con phải tạm cư năm này qua tháng nọ được. Không chỉ khổ cho đồng bào mà còn lãng phí tiền ngân sách.
Điển hình đó là dự án tái định cư 38 ha phường Tân Thới Nhất, quận 12, từ năm 2002 đến nay dự án đã chi gần 6 tỷ đồng thuê nhà tạm cư cho gần 400 hộ dân. Còn các dự án do khu vực ngoài quốc doanh thực hiện ít bị khiếu kiện đơn giản là do họ tự thỏa thuận với người dân, có sự bồi thường cho bà con thỏa đáng mặc dù việc lo nhà tái định cư cũng chưa nhiều.
- Theo bà, hướng giải quyết sắp tới phải như thế nào?
- Điều căn cơ nhất, trước khi triển khai dự án là phải chủ động về đất và có dự án về nhà tái định cư. Chỉnh trang đô thị, mở đường sá, nâng cấp hạ tầng…, mục đích cuối cùng là để phục vụ đời sống người dân. Nếu bà con mình còn ở tạm bợ, lòng bất an thì lãnh đạo TP còn có lỗi với dân. Gần đây, UBNDTP có Chỉ thị 24 về việc mua nhà của các dự án khác để tái định cư. Theo đó, nhà nước có thể mua với mức 95% giá dự toán đầu tư ban đầu; bù lãi suất 28% cho doanh nghiệp nếu phải vay vốn ngân hàng, 8% hỗ trợ nhà đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật… Với những quy định như thế, hy vọng sắp tới, TP có nguồn nhà cho tái định cư dồi dào hơn.
- Nhưng thực tế cũng có tình trạng, người dân “chê” nhà tái định cư ?
- Đúng! Có một số trường hợp nhận phiếu chờ tái định cư thì bán ngay, có trường hợp chờ nền tái định cư quá lâu như dự án Vĩnh Lộc A, quận Bình Tân thì người dân bán lại quyền nhận nền, rồi đi tìm nơi ở mới mà không biết tình trạng pháp lý về sử dụng đất đai nơi đó như thế nào, có khi lại nằm trong khu quy hoạch của một dự án khác… Có người nhận nhà rồi đem bán đi hưởng chênh lệch, tìm nơi khác tá túc tạm bợ.
Nếu xây dựng như chung cư Bình Trưng Đông, quận 2, nước thấm qua tường, nền lún, nước sinh hoạt chưa đảm bảo thì làm sao dân ở được? Nhưng cũng có không ít người dân chưa quen nếp sống đô thị ở chung cư, không gắn với ruộng vườn, lại không có nghề nghiệp, việc làm ổn định. Vấn đề đặt ra là khi giải tỏa đền bù TP phải quan tâm tới việc làm, thu nhập của người dân và cùng với việc xây dựng các chung cư thì phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội như điện, nước, chợ, siêu thị, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí…
Nhà ổ chuột: giải tỏa nơi này sẽ mọc ở nơi khác!?
- Nhiều ý kiến đề nghị tại kỳ họp này, các đại biểu cần “mổ xẻ” tới nơi tới chốn vấn đề trên. Nếu ai trả lời quanh co, né tránh trách nhiệm thì HĐND cần lấy phiếu tín nhiệm?
- HĐND TP sẽ xem xét cụ thể, UBND TP cũng cho biết sẽ xem xét xử lý thỏa đáng những dự án phân lô hộ lẻ. Kỳ họp này HĐND cũng lưu ý tới những dự án tái định cư chậm, người dân bức xúc về chỗ ở đã lâu mà chưa giải quyết thấu đáo. Một trong những bài toán khó là vừa qua TP có quá nhiều dự án nhỏ, quá nhỏ. Nếu cho tiếp tục triển khai thì sẽ trở thành những khu ổ chuột mới. Tại quận 12, có đến 200 dự án, có dự án chỉ có 3.600m2 mà xây dựng 60 căn, có khu đất chỉ vào khoảng 5.700m2 mà xây tới 147 căn, đường nội bộ chỉ rộng 2m, không có cơ sở hạ tầng. Có những khu chung cư tiện nghi rất yếu, nếu làm không khéo thì giải tỏa nhà ổ chuột dưới đất sẽ lại hình thành nhà ổ chuột trên cao. Vấn đề đặt ra là cần phải có quy hoạch và quản lý chặt chẽ quy hoạch. Quy hoạch phải có tầm nhìn xa và có sự liên kết giữa các nhà đầu tư lớn để tránh xuất hiện những khu dân cư nhỏ lẻ.
Mong Chủ tịch UBND TP dám quyết, dám làm
- Kỳ họp này HĐND TP sẽ bầu một số chức danh. Đó là những chức danh nào thưa bà?
- Tại kỳ họp này, các đại biểu HĐND TP sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND TP đối với đồng chí Lê Thanh Hải, chức danh Phó Chủ tịch UBND TP đối với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, chức danh Trưởng ban VHXH HĐND TP đối với đồng chí Nguyễn Thành Rum và sẽ bầu Chủ tịch UBND TP.
- Người được bầu làm Chủ tịch UBND TP có phải là một trong các đại biểu HĐND TP khóa 7 này không, thưa bà?
- Không nhất thiết. Vì Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 đã quy định rõ: Trong nhiệm kỳ nếu khuyết Chủ tịch UBND thì Chủ tịch HĐND cùng cấp giới thiệu người ứng cử Chủ tịch UBND để HĐND bầu. Người được bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND trong nhiệm kỳ không nhất thiết là đại biểu HĐND.
- Bà kỳ vọng gì ở vị tân Chủ tịch UBND TP?
- Ngồi vị trí Chủ tịch UBND TPHCM khó lắm, đòi hỏi phải có bản lĩnh, trình độ và tầm nhìn. Bởi vì TP này luôn phải vươn lên để sánh kịp với các TP lớn trong khu vực và thế giới. Do vậy, Chủ tịch UBND TP phải dám làm, dám chịu trách nhiệm. TPHCM có những vấn đề không giống những địa phương khác, phải vừa thuyết phục cấp trên vừa dũng cảm giải quyết những việc chưa có tiền lệ.
Vị trí và tiềm năng của TP quá tuyệt vời, thiên thời có, địa lợi có, Chủ tịch UBND TP phải có khả năng vừa khơi dậy sức dân, vừa huy động sức dân cho sự phát triển mạnh mẽ của TP. Ở đây sức người, sức của không chỉ ở tại chỗ, ở trong nước mà còn có ở hàng triệu người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài. TPHCM không chỉ có nguồn ngoại tệ với vài tỷ USD hàng năm từ nước ngoài gửi về mà còn một nguồn chất xám khổng lồ chưa khai thác hết. Nhiều người vẫn thường nói đây là đất lành – đất làm. Nhiều nhà đầu tư, trong và ngoài nước muốn đến đây để làm việc. Trong một môi trường đầy năng động sáng tạo, sự đòi hỏi của người dân đối với nhà lãnh đạo là cần phải tạo cơ chế chính sách thông thoáng và không buông lỏng vai trò quản lý nhà nước. Theo tôi, đó là sự đòi hỏi rất chính đáng.
Điều tôi mong nữa là Chủ tịch UBND TP dành thời gian lắng nghe. Nghe những ý kiến trái chiều từ chuyên gia, nhà tư vấn, từ cuộc sống, đặc biệt là nhân dân kể cả những người dân bình thường nhất. TP này không của riêng ai mà là của cả 8 triệu dân và của cả dân tộc. Người điều hành TP không chỉ cần tài năng đức độ mà còn phải có phương pháp làm việc phù hợp thì mới huy động được sức dân. Phải có gan giảm hội họp và tìm cách làm việc có hiệu quả hơn. Trong nhiều lời phê bình về bệnh hội họp nhiều tôi tâm đắc câu: Cái gì cũng họp thì làm sao chỉ ra trách nhiệm cá nhân người đứng đầu? Chúng ta có quyền hy vọng và cũng là người đồng hành cùng tân Chủ tịch.
- Xin cảm ơn bà.
TUẤN SƠN – TRẦN TOÀN