
Đúng 7 giờ sáng 30-4-2005, trong ánh nắng dịu nhẹ và không khí mát lành sau cơn mưa đầu mùa trước đó mấy giờ, giữa trung tâm TPHCM rợp cờ hoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài đã long trọng tuyên bố khai mạc buổi lễ mít tinh kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trước đó, từ 3 giờ sáng 30-4, thậm chí từ đêm hôm trước, hơn 50 ngàn đồng bào, cán bộ chiến sĩ TP cùng quan khách, phóng viên trong nước và quốc tế trong những bộ đồng phục, trang phục đẹp nhất của mình cùng băng rôn, khẩu hiệu, bong bóng, chim bồ câu giấy… từ khắp các hướng rạng rỡ tiến về đường Lê Duẩn - công viên 30-4 - Dinh Thống Nhất.

Trẻ em người nước ngoài cũng hòa trong dòng người trẩy hội. Ảnh: Đ.V.D.]
Trong số họ, nhiều người đã từng có mặt nơi này vào đúng thời khắc những chiếc xe tăng của Quân Giải phóng ủi sập cánh cổng dinh tổng thống chế độ cũ, kết thúc cuộc chiến xâm lược của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Nhưng nhiều hơn thế là những người đã sinh ra và lớn lên sau ngày đất nước hòa bình.
Cô dân quân Đào Hồng Ngọc quê xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn với bộ bà ba đen, khăn rằn quấn cổ, đứng chỉnh tề trong hàng quân hồi hộp chờ đợi giây phút được diễu hành qua khán đài.
Trả lời câu hỏi của các nhà báo, trong đó có những phóng viên nước ngoài, Ngọc cho biết, năm nay cô 18 tuổi, tham gia dân quân mới được hơn 2 tháng nhưng đã may mắn được chọn tham gia lễ hội.
“Ông nội và ba em đều tham gia trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Mặc dù nhiều lần nghe kể về ngày chiến thắng 30–4–1975, nhưng chỉ đến hôm nay, trực tiếp gặp nhiều thế hệ nhân chứng lịch sử như thế này, em mới cảm nhận hết niềm tự hào chiến thắng của dân tộc”, Ngọc bảo.
Cùng có mặt trong dòng người từ sớm trên đường Lê Duẩn, ông Nguyễn Công Cửu đi trong đội hình cựu chiến binh của Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn. 30 năm trước, ông là chiến sĩ đặc công của tiểu đoàn Gia Định 4, Bộ Tư lệnh Sài Gòn – Gia Định ém quân vùng chiến khu An Phú Đông và sáng ngày 29–4–1975, cả tiểu đoàn đã vượt sông Vàm Thuật vào đến Gò Vấp mở đường cho những cánh quân tiến vào giải phóng Sài Gòn.
“Đúng 30 năm sau ngày giải phóng, hôm nay tôi mới có dịp trở lại đây. Từ huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum – nơi gia đình sinh sống, tôi tự đi xuống đây 2 ngày nay tình cờ gặp lại đồng đội năm xưa đang công tác ở Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn, thế là tôi tháp tùng đi luôn. Mừng ngày đại thắng năm nay, Sài Gòn náo nức, vui tươi quá”, ông Cửu thổ lộ.
- Hơn 2.000 khách mời tham gia lễ mít tinh. |
Lực lượng của khối MTTQ TPHCM tham dự lễ mít tinh cũng khá hùng hậu với gần 200 vị là những chức sắc, chức việc, tín đồ đại diện cho các tổ chức tôn giáo. Linh mục Trần Văn Lưu, GS Đại chủng viện Giuse cho biết: Thể theo nguyện vọng của nhiều tu sĩ, ngày hôm nay cả khóa học đều nghỉ học để tham dự lễ mít tinh. Hiện chủng viện có 204 sinh viên tu sĩ (chủng sinh) và đây là khóa thứ 6 đào tạo linh mục của Giáo phận Sài Gòn từ sau giải phóng đến nay (mỗi khóa học 6 năm).
“Trong ngày vui hôm nay, hễ là người Việt Nam, ai cũng cảm thấy tự hào và vui mừng trước chiến thắng vĩ đại của dân tộc 30 năm trước" – linh mục Trần Văn Lưu, xúc động nói.
Khắp các ngả đường TPHCM, từ nhiều ngày trước đó, đã được khoác trên mình chiếc áo mới với đủ loại băng rôn, khẩu hiệu, cờ đỏ sao vàng.
Để phục vụ hàng triệu người dân và du khách trên cả nước không có điều kiện tham dự, buổi lễ đã được Đài Truyền hình Việt Nam và Truyền hình TPHCM phối hợp truyền hình trực tiếp thông qua 2 kênh VTV1 và HTV9. Trên các tuyến đường ngoài khu vực công viên 30-4 (Đồng Khởi, Lê Lợi, khu vực chợ Bến Thành…) cũng được bố trí nhiều màn hình cỡ lớn để mang đến cho du khách những hình ảnh trực tiếp từ buổi lễ.
Mọi người rất thích thú khi xem những màn diễu hành nghệ thuật, kéo dài 75 phút với sự tham dự của 7.000 cán bộ, chiến sĩ, các em thiếu niên nhi đồng, học sinh sinh viên, các nghệ nhân dân gian ở các địa phương và đồng bào dân tộc từ khắp mọi miền đất nước…
Người phiên dịch cho phóng viên Matsunaga của hãng truyền hình NHK (Nhật Bản) đứng gần chúng tôi, dịch ra những tiếng mừng vui và thốt lên: “Hùng tráng quá”. Anh cho biết: “Chúng tôi gồm 3 phóng viên được cử sang Việt Nam đưa tin về lễ hội này và ngay tối nay, một phóng sự khoảng 15 phút về đất nước của các bạn sẽ được phát trên đài truyền hình Tokyo”.
Khi buổi lễ bế mạc, nắng trưa bắt đầu gắt, nhưng hàng vạn người dân và du khách vẫn tiếp tục đổ ra khắp các tuyến đường trung tâm TP như trẩy hội. Tại bến Bạch Đằng, hàng ngàn người khác náo nức với hội đua thuyền trên sông Sài Gòn.
NHÓM PV CHÍNH TRỊ