Một người nổi tiếng

Một người nổi tiếng

Xin nói ngay, người nổi tiếng này chỉ ở trong một vùng. Cụ thể hơn là ở làng Chát, một làng cũng giống như những làng quê nước ta, thời nào cũng có người nổi tiếng tài giỏi. Tôi về làng Chát, người trong làng bảo, nên kể chuyện ông ấy. Chuyện cũ nhưng kỳ lạ, hấp dẫn lắm. Lại nói thêm: Còn có tính thời sự nữa. Tôi biết người làng Chát nổi tiếng về tính hài hước và thích luận bàn thế sự. Người lớn, trẻ con tối nào cũng theo dõi phần thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam. Thôi thì, như người ta thường nói, để biết cái mới cũng phải biết cái cũ. Đến với năm mới cũng nên dành ít thời gian nhìn lại năm xưa. Tôi kể chuyện này, để mọi người nghe, xem có đúng như lời người làng Chát nói hay không.

Một người nổi tiếng ảnh 1

Ông là người họ Trần ở xóm Trại, thuộc dạng cùng đinh, không có ruộng đất. Ông bỏ làng đi từ nhỏ, không biết đi đâu, làm gì. Cha mẹ chết, không về chịu tang. Nghe nói ông vô Nam làm phu đồn điền. Cả làng chẳng còn ai nhớ tới ông nữa.

Ông về làng vào cuối năm 1943, như một người lạ. Ông đi cà nhắc, cà thọt với chiếc ba-toong bịt đồng và bộ đồ lính bằng dạ màu vàng xỉn gọi là áo “Ba đờ xuy”. Ông nói, ông đi lính, sang tận Pháp đánh nhau với quân Đức. Thua trận, ông lại sang Bắc Phi đánh tiếp, được lên chức cai thì bị thương ở chân. Nhớ nhà quá, ông trốn xuống tàu hàng từ Bắc Phi về Hải Phòng và về làng. Ông còn xổ ra một lô, một lốc những câu Pháp bồi. Người biết tiếng Pháp nói lại thì ông bảo “người với người là chó sói” rồi chửi tuốt luốt...

Ông không có đất làm nhà, sống nhờ hiên miếu Bà, ngày đi làm thuê kiếm miếng ăn.

Người làng Chát gọi ông là Tòng hâm. Sau đó, gọi là cai Tòng. Có được sự kính trọng thân thiện ấy là do những công lao của ông đóng góp cho làng Chát.

Đầu tiên là công sức của ông đã giúp cho đội vật làng Chát giành giải nhất khu vực ở Hội làng. Không có những chỉ dẫn, miếng mẹo của ông, làng Chát không thể vượt qua các đối thủ nặng ký khác. Làng Chát đành phải trả công cho cai Tòng. Làng cho cai Tòng được toàn quyền sử dụng đất vườn của miếu Bà và công nhận chính thức là người trông coi miếu Bà. Miếu Bà có mảnh vườn, đất khá tốt nên cai Tòng không phải vác bụng đi ăn chực thiên hạ nữa.

Tiếp đó là công bắt được bọn cướp trâu nổi tiếng. Vụ giáp hạt tháng 8 năm 1944, một toán cướp không rõ có mấy tên từ bên kia sông Đáy tràn sang làm náo loạn cả vùng Đồng – Liên – Hoàng (3 xã Đồng Xá, Liên Xá, Hoàng Xá – làng Chát thuộc xã Liên Xá).

Chúng là bọn trộm trâu có hung khí. Nếu bị chặn bắt, chúng sẵn sàng giao chiến. Bọn chúng võ nghệ cao cường, sử dụng đoản côn có nghề, ai cũng hãi. Đêm ấy, trời mờ, trăng nhạt. Giờ Tý đã qua. Bọn cướp vào làng Chát dắt trâu lên đường thông cù (đường liên xã). Cai Tòng năm đó ngoài 40 tuổi, sức vẫn còn mạnh, đêm nào cũng đi đặt lờ bắt cá. Thấy ba tên dắt trâu trên đường, cai Tòng biết là cướp, xách ba-toong chạy lên, quát: “Bọn mày trộm trâu làng Chát hả?”. Ba tên cướp cười hi hí, kẻ múa mã tấu, người khua đoản côn, đồng thanh nói: “Phải, thì sao?”. Cai Tòng chống ba-toong, oai vệ nói: “Dắt trâu về chỗ cũ, tự tát vào mặt mình 99 cái. Tao tha cho!”.

Dĩ nhiên bọn cướp không thể nghe theo lệnh của cai Tòng. Chúng coi thường cai Tòng ra mặt. Rút cục, sau một hồi hỗn chiến, cả ba tên bị cai Tòng đánh cho nhừ tử, bò lết trên đường, khóc lạy xin cai Tòng tha mạng.

Danh tiếng cai Tòng lừng lẫy khắp vùng. Người ta còn thêu dệt trận kịch chiến giữa cai Tòng và bọn cướp giống như một tích truyện bên Tàu. Làng Chát buộc lòng phải nể trọng cai Tòng.

Nói buộc lòng là hợp đạo lý của người làng Chát. Xưa nay, họ vốn ưa thích những người khôn ngoan, khiêm tốn, nói năng vừa phải. Họ không thích những người ngang tàng xách mé, không coi trên dưới là gì, tự cao tự đại. Họ thở dài nói với nhau, có ý tiếc rẻ: “Phải chi hắn đừng có ngông nghênh ra vẻ ta đây”. Các cụ tiên chỉ thì thầm rỉ tai nhau: “Hắn có tài nhưng vô đức, rồi sẽ chuốc họa vào thân thôi”...

Nhưng rồi, người làng Chát bắt đầu nhận thấy cai Tòng có đức, mà lại là đức lớn. Cái đức của cai Tòng mang lại cơm áo, nhà cửa, ruộng đất và danh dự cho người ta, chứ không phải chỉ là sự nhã nhặn, nhu mì, trên kính, dưới nhường. Hồi ấy, lý trưởng làng Chát tên Bạc, họ Bùi, quyền thế rất lớn. Lão có con trai ở đội kèn Tây trên tỉnh lỵ biết nói tiếng Tây, chơi thân với các sếp Tây. Con gái lão tuy là lẽ mọn của quan huyện nhưng có đủ sức lèo lái quan huyện. Mặc dù vậy, lý trưởng Bạc vẫn luôn nói lời khiêm nhường, không quát nạt, hạch họe ai. Nhiều người khen lão là người tốt.

Vậy mà sau vụ bắt cướp, cai Tòng vung vẩy ba-toong đi khắp làng rêu rao sẽ hỏi tội tên “ngụy quân tử” Bùi Bạc chuột chù. Dân làng Chát ớn lạnh. Không biết cai Tòng to gan lớn mật cỡ nào mà dám động tới Lý Bạc. Cai Tòng nghênh ngang thọc ba-toong vào cánh cổng gỗ lim của nhà Lý Bạc, quát: “Con cáo già quỷ quyệt Bùi Bạc chuột chù kia, giờ đền tội của ông đã đến. Khôn hồn hãy ra giữa sân đình nhận tội với dân làng”. Lý Bạc cười lạt bảo: “Chuyện đâu còn đó, mày đi tới đâu tao đi tới đó”. Rồi đóng cổng lại.

Tối hôm rằm năm đó, người làng Chát bỏ hết mọi chuyện nhà kéo ra sân đình xem cai Tòng hỏi tội Lý Bạc. Xưa nay, ở sân đình chỉ diễn ra chuyện lý trưởng hỏi tội dân đen. Đây quả là chuyện cực lạ, tự cổ chí kim chưa từng có và hầu hết dân làng Chát kéo nhau đi xem với sự háo hức như xem một trận đấu vật “kỳ phùng địch thủ”.

Người ta quan tâm đến chuyện thắng thua nhiều hơn là chuyện gian ác của Lý Bạc. Ai cũng khẳng định phần thắng thuộc về Lý Bạc. Nhiều người khuyên cai Tòng: “Đấu lực chắc chắn là ông thắng, nhưng đây là chuyện đấu trí. Ông không thể thắng nổi Lý Bạc đâu. Đến như những người bị hại còn không biết mình bị hại thì anh làm sao đấu lại với cái “lý hại người” ấy. Bỏ cuộc đi”...

Cai Tòng không nghe, nhất quyết vào trận. Nói rằng: “Trên đời này không tồn tại cái “lý hại người”. Cái gian ác của lão nhất thiết phải vạch ra cho mọi người thấy”.
Cai Tòng cười ha há, nói trước:

- Ông tự cho mình là người quân tử luôn giữ sạch lòng, biết kính trên nhường dưới phải không?

- Dĩ nhiên! Cả làng đều biết điều đó...

- Vậy, khi thấy nhà người ta nghèo khó, cha chết không có tiền ma chay, chôn cất, người quân tử phải làm gì?

- Phải giúp tiền, giúp sức.

- Giúp hảo tâm hay vụ lợi?

- Đương nhiên là hảo tâm!

- Mười năm trước, ông Kê mất, ông giúp cho bác Cả Kình bao nhiêu?

- Người quân tử giúp người không mong trả ơn nên không cần nhớ.

- Thế vì sao ba sào ruộng nhà bác Kình lại thuộc về ông?

- Đi tìm ông Kình mà hỏi?

- Vì sao bác Kình gái phải treo cổ tự tử?

- Chui xuống mồ bà ấy mà hỏi?

- Vì sao bác Kình phải bỏ làng, phiêu bạt xứ người...

- Đi tìm ông ấy mà hỏi...

- Tôi đã hỏi rồi! Bác Cả Kình hiện đang làm phu ở bến Sáu kho Hải Phòng. Khi về nước, tôi đã gặp bác ấy và bác ấy nhờ tôi lột trần mặt nạ của ông để dân làng khỏi bị ông lừa gạt nữa...

Khán giả vây tròn vòng trong, vòng ngoài hai đấu thủ, nín lặng nghe từ đầu, đến giờ ồ lên một tiếng. Người ta lao xao hỏi nhau: “Bác Cả Kình còn sống à?”, “Sao nghe nói bác ấy bị lính Nhật bắn chết ở Lạng Sơn rồi...”. Lý Bạc rời khỏi chiếu, đi vòng quanh, huơ tay múa chân, làm bộ uất hận nói với mọi người: “Dân làng xem đấy, thằng này điên rồi. Nó nhục mạ, vu khống tôi. Tôi đã tận tâm, tận sức cứu giúp gia đình ông Cả Kình như thế nào, hẳn mọi người đều rõ. Xin dân làng hãy để tôi dùng phép quan trị tội vu khống của nó!”. Lý Bạc đứng giữa chiếu, oai vệ quát: “Tuần đinh đâu?”. Bốn người tuần đinh trấn giữ 4 góc chiếu dạ một tiếng, đứng bật dậy, hằm hằm sát khí...

Cai Tòng vẫn ngồi, thong thả nói: “Chuyện đâu còn có đó, hô hoán vội làm chi. Ông cứ ngồi xuống. Đây mới là phần mở đầu...”.

Có người ở vòng ngoài nói to: “Đúng rồi, cứ để anh ta nói hết đã”.

Lý Bạc hậm hực ngồi xuống. Đám tuần cũng lùi ra. Cai Tòng rít thuốc lào, nhả khói từ từ.

- Nghĩa là ông nhất quyết không nhận tội: Lừa gạt dồn ép cướp vợ, cướp đất nhà bác Cả Kình?

- Đồ điên!

Trong đám đông, có người nói: “Không có chuyện ấy đâu. Trong vụ này ông Lý có hảo tâm. Ông giúp bác Kình trai đi làm phu mỏ, giúp bác gái chữa trị bệnh tật. Không hề có chuyện cướp vợ, cướp đất của người”.

Cai Tòng đứng lên, oai nghiêm như vị tướng trước trận tiền, dõng dạc nói: “Dân làng hãy nghe đây. Dân làng chớ có lơ mơ chỉ thấy cái lối nói, lối diễn quân tử của lão mà không thấy cái dã tâm gian ác, quỷ quyệt của lão. Tôi nói ra chuyện này và những chuyện kế tiếp không hề bịa đặt, thêm bớt.

Tất cả đều có chứng cớ rõ ràng. Về chuyện nhà bác Cả Kình, sự thể như sau: Ông Kê chết. Bác Cả túng thiếu, đến nhà Lý Bạc mượn tiền lo hậu sự, ma chay. Lý Bạc máu dê, từ lâu đã để mắt tới bác Cả gái. Lão làm bộ hảo tâm, lo chu tất hậu sự ông Kê, lại rủ rê ông Cả giải sầu bằng thuốc phiện. Ông Cả bị thuốc phiện mê hoặc, không thể nào dứt được, phải vay tiền Lý Bạc. Bác Cả gái khuyên chồng không được, giận đời, hận đời, lại sa vào chuyện uống rượu giải sầu. Lý Bạc nuôi dưỡng hai con nghiện ấy một thời gian rồi giở mặt đòi nợ. Bác Cả Kình phải nhượng ba sào ruộng và cả vợ mình cho Lý Bạc.

Lý Bạc đưa bác Cả gái lên tỉnh lỵ, thuê nhà cho ở, tiếng là để chữa bệnh động kinh (do nghiền rượu nặng) nhưng thực chất là thứ gái bao, thứ đồ chơi cho Lý Bạc. Khi đã chán rồi, Lý Bạc đuổi bác Cả gái ra khỏi nhà. Bác Cả gái về làng, treo cổ tự tử. Bác Cả trai đau đớn vật vã, bỏ làng ra đi”.

Người làng Chát tối ấy sững sờ, ngớ ngẩn. Hết thảy mọi người im thin thít lắng nghe từng tiếng, từng lời của cai Tòng. Hết vụ Cả Kình đến vụ anh em nhà nọ tranh chấp tài sản, đánh nhau vỡ đầu thưa kiện kéo dài đến tàn mạt. Tất cả cũng vì Lý Bạc “xui nguyên giục bị” để ăn của đút lót hai đầu. Rồi đến vụ nhà kia có ba con trâu, mua không rõ xuất xứ, bị Lý Bạc dọa là tiêu thụ trâu gian cho bọn cướp, hãi quá bán rẻ một nửa cho lão... Lần lần, chân tướng Lý Bạc hiện ra, rõ ràng là thứ đại gian đại ác “ăn chó cả lông”.

Người làng Chát tỉnh ngộ, gào lên: “Đập chết hắn đi, đồ chuột chù hôi thối”... Đêm ấy, nếu không có cai Tòng bảo vệ, chắc chắn Lý Bạc phải bỏ mạng bởi gạch đá và những cú đấm đá hàng chợ... Lý Bạc bị đòn mang bệnh nặng, ho ra máu. Lão cũng không dám báo quan. Dân làng cũng chẳng cần báo quan huyện. Mọi “việc quan” trong làng đều do Cai Tòng xử lý. Lý Bạc chỉ còn là bình phong. Cai Tòng được dân làng nể trọng thực lòng vì lối xử lý công bằng, có tình, có lý. Ai cũng khen: “Quan chức nào cũng như cai Tòng, dân sướng bằng tiên”.

Một năm sau, khi cách mạng nổ ra, Lý Bạc ho một hồi dài rồi chết. Con cháu lão tứ tán bốn phương, không ai dám ở lại trong làng. Cai Tòng được cách mạng trọng dụng, cử làm Chủ tịch xã Liên Xá.

Tiếc thay, làm chủ tịch xã được chừng 5 tháng, cai Tòng ngã bệnh chết đột ngột. Buổi tối, ông còn uống rượu với đám tự vệ ở điếm canh, đêm về miếu Bà ngủ. Sáng ra, người ta thấy ông chết cứng từ lúc nào.

Sau này, nghe những người trong nghề y tế nói lại, chắc ông bị “nhồi máu cơ tim” chết bất đắc kỳ tử. Dân làng Chát thương ông lắm, cả đời khốn khổ, không vợ, không con, lúc chết không ai vuốt mắt...

Đám ma cai Tòng to  nhất huyện. Người trong vùng đổ về đưa đám rất đông.

Năm 1966, trong một trận bom Mỹ, nghĩa trang làng Chát bị trúng bom, mộ cai Tòng biến mất. Tuy không còn phần mộ, nhưng chuyện ông cai Tòng với cây ba-toong bịt đồng vẫn được lưu truyền.

TRẦN VĂN TUẤN

Tin cùng chuyên mục