Một sự thật đau thương của dân tộc

Một sự thật đau thương của dân tộc

60 mùa thu đi qua, nhiều thế hệ người Việt Nam vui mừng nhớ lại Thu Ất Dậu 1945 - Cách mạng Tháng Tám thành công rực rỡ. Tuy vậy, cũng không ai có thể quên được thảm họa “2 triệu người chết đói” vào những ngày tháng lịch sử bi tráng ấy. Giáo sư Văn Tạo (Viện Sử học Việt Nam), người trực tiếp mở cuộc điều tra lịch sử minh chứng cho việc 2 triệu người chết là sự thật đã có cuộc trao đổi với SGGP.

- Phóng viên: Hơn 2 triệu người chết đói năm 1945 là một sự thật đau thương của dân tộc ta. Và con số này đã được GS làm sáng tỏ từ 10 năm nay qua một cuộc điều tra xã hội học lịch sử. Vào thời điểm sắp diễn ra lễ kỷ niệm 60 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam, GS có thể kể lại với độc giả về công việc ông đã làm để cho ra đời cuốn sách “Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – Những chứng tích lịch sử”?

Một sự thật đau thương của dân tộc ảnh 1

Bia tưởng niệm đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1945 (ở ngõ 559, Đông Kim Ngưu, Hà Nội).

- Giáo sư VĂN TẠO: Thực tế, những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ 20, những kẻ gây ra thảm họa trên vẫn nửa tin, nửa ngờ cho rằng nạn đói năm 1945 nhiều lắm cũng chỉ tới 30 vạn người chết. Từ sự thôi thúc nội tâm, chúng tôi thấy cần phải làm rõ sự thực lịch sử này. Một cuộc điều tra theo phương pháp xã hội học lịch sử được tiến hành trong suốt nửa đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước đã được chúng tôi thực hiện khá kỹ lưỡng.

Kết quả thu được đã củng cố lòng tin của nhiều người có thiện chí, kể cả một số nhà sử học Nhật Bản, Pháp. Chúng tôi phải mở cuộc điều tra quy mô tại 23 điểm, từ Quảng Trị trở ra, qua đó cho thấy, nạn đói đã diễn ra một cách phổ biến trên toàn miền Bắc. Những con số về tỷ lệ người chết đói so với cư dân ở các điểm cũng cho phép chúng ta khái quát tương đối chính xác tỷ số người chết đói ở cả miền Bắc.

Và tính thảm khốc của hiểm họa này không chỉ dừng ở những con số, mà sâu sắc hơn, chân thực hơn, rùng rợn hơn là ở lời kể của các nhân chứng còn sống sót mà đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước họ đã ở tuổi 60, 70, 80. Kết quả điều tra nghiên cứu kể trên của chúng tôi được công bố trong cuốn sách trên. Sau đó, đài BBC có phỏng vấn tôi và công bố, tiếp đến các đài phát thanh của Nhật, Mỹ, Pháp, Hàn Quốc đưa tin. Và con số hơn 2 triệu người chết đói mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra năm 1945 đã được chứng minh một cách thuyết phục!

- Giáo sư có ấn tượng và bị ám ảnh bởi lời lẽ của nhân chứng nào nhất trong quá trình làm điều tra?

Một sự thật đau thương của dân tộc ảnh 2

Phật tử cầu siêu trước những bức ảnh về nạn đói 1945. Ảnh: VIỆT DŨNG

- Tôi luôn nhớ lời kể của một nhân chứng ở Thái Bình như sau: Cực chẳng đã, người đói phải đi ăn xin, ăn xin không được phải đi ăn cắp, đi cướp giật đến phải chịu roi đòn, rồi cuối cùng cũng chết. Có người cướp giật một mẩu bánh mì bị sen đầm đánh đến chết, thậm chí có người phải ăn cả cái người ta nôn ọe ra, ăn cả những hạt ngô đãi từ cứt ngựa của Nhật.

Cuối cùng là ăn cả thịt người như có nhà văn đã mô tả... thật là rùng rợn! Người Việt Nam vốn sống có đạo lý, vậy mà nạn đói ập tới đã khiến cha bỏ con, vợ bỏ chồng, anh em bỏ nhau. Cá biệt có người còn hủy hoại cả người thân để dành lấy phần cơm mong thoát chết, nhưng rồi cũng chết...

- Một đài tưởng niệm hoành tráng dành cho 2 triệu người chết đói năm 1945 đang được các nhà lãnh đạo Hà Nội “xét duyệt”, ông có thể nói gì về điều này?

- Trên thế giới, nhiều nước như ở Áo người ta đã xây đài tưởng niệm các nạn nhân do bệnh dịch hạch gây ra. Ở Tiệp Khắc (cũ), Ba Lan…... đều còn giữ nguyên các trại tập trung của phát xít và các làng mạc bị lính Hitler tàn sát, hủy diệt như những bằng chứng về tội ác diệt chủng. Ở Nhật Bản đã có khu tưởng niệm thảm họa do bom nguyên tử gây nên. Ở Việt Nam có các đài tưởng niệm tại Sơn Mỹ, Khâm Thiên... Cũng ở Hà Nội đã có đài tưởng niệm đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói năm 1945 ở ngõ 559, Đông Kim Ngưu. Tuy nhiên, đó là tượng đài có quy mô nhỏ.

Hà Nội cần phải có một đài tưởng niệm hoành tráng về sự kiện này. Chúng tôi cho rằng, nên xây tượng đài ở khu Giáp Bát, nơi đã từng là chỗ thu nhận những người đói khát “gần đất xa trời”, trước khi đưa họ ra nghĩa địa tập thể cùng hàng ngàn, hàng vạn nạn nhân cùng cảnh ngộ. Tôi nghĩ, lãnh đạo TP Hà Nội nên sớm xem xét vấn đề này để hơn 2 triệu linh hồn có nơi an nghỉ xứng với tầm vóc của một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc Việt Nam. Trong ấm no, hạnh phúc chúng ta hãy dành chút thời gian tưởng nhớ về thảm họa hơn 2 triệu người chết đói năm 1945 như một lời cảm tạ quá khứ!

- Xin cảm ơn giáo sư.

LIÊN KHÊ thực hiện

Tin cùng chuyên mục