Một tượng đài trong lòng dân Vũng Liêm

ảnh
Một tượng đài trong lòng dân Vũng Liêm

Chúng tôi tìm đến xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long, nơi “chôn nhau cắt rốn” của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ảnh) dưới cơn mưa tầm tã. Dân trong xã Trung Hiệp, người cao tuổi trìu mến gọi ông bằng cái tên rất Nam bộ là: thằng Chín, anh Chín, ông Chín.

Chị Đỗ Thị Rượu ở đối diện nhà ông Chín, nghẹn ngào: “Lần nào về, ông cũng nhắc tôi ráng làm ăn, cho các cháu ăn học tới nơi tới chốn. Vợ chồng tôi chịu khó làm ăn, cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn trái, đến nay thoát nghèo, con cái được ăn học đàng hoàng. Chúng tôi vẫn mong bữa nào ông về, sẽ dẫn đi thăm vườn cam của mình. Vậy mà ông đã đi rồi”.

Một tượng đài trong lòng dân Vũng Liêm ảnh 1

Ảnh: NG.ĐỨC

Hay tin, người anh ra đi mãi mãi, bà Hồ Thị Chiên (em bạn dì nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) ở ấp Mướp Sát, xã Trung Hiệp, nằm liệt giường mấy ngày qua. Chúng tôi đến thăm, bà gắng gượng dậy, lau dòng nước mắt, nói: Vậy là từ nay anh Chín không về nữa rồi…”.

Bà Chiên còn nhớ rất rõ: “Hôm 14-1 (âm lịch), anh Chín còn ghé nhà tôi ăn bữa cơm với gia đình. Nhìn hàm răng trắng đều, tôi tưởng răng giả mới hỏi, anh ấy bảo đây là răng cha răng mẹ cho hết đó cô. Sau đó, anh Chín hỏi thăm chuyện làm ăn và động viên mấy đứa cháu học hành...”.

Cụ Phan Thị Ngói, ấp Mướp Sát, nay đã 102 tuổi nhưng còn rất minh mẫn, sụt sùi: “Vậy là thằng Chín không về nữa rồi. Mới hôm tháng Giêng, nó còn về quê thăm chòm xóm. Lúc đó trông nó còn khỏe lắm mà…”. Khi chia tay chúng tôi, bà Ngói nghẹn ngào: “Phải chi còn khỏe, tao cũng lên thành phố đưa tiễn nó. Giờ chỉ còn nước coi ti vi mà tưởng nhớ nó thôi”.

Là một xã vùng sâu của huyện Vũng Liêm nên đời sống người dân ở xã Trung Hiệp còn khó khăn. Mỗi khi về quê, ông Chín đều dành thời gian đến xã tìm hiểu tình hình làm ăn của bà con; hướng dẫn cán bộ cách thức chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện cuộc sống người dân… Cách đây không lâu, ông Chín cùng cán bộ huyện Vũng Liêm đi khảo sát 12/19 xã trong huyện và trực tiếp góp ý với địa phương.

Với những gợi ý của ông, các xã dồn sức, tạo điều kiện để người dân thoát nghèo như phát triển đàn bò, trồng lúa chất lượng cao… Hệ thống trường học, trạm y tế, giao thông ở Vũng Liêm đến nay được kiện toàn, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, học tập và khám chữa bệnh của nhân dân.

Ông Võ Văn Tuẩn, Phó Bí thư Huyện ủy Vũng Liêm, cho biết: Cán bộ Vũng Liêm rất may mắn khi thường xuyên được ông Chín chỉ bảo, đóng góp. Ông qua đời, anh em chúng tôi không cầm nổi nước mắt…”.

Trái tim ông Chín đã ngừng đập nhưng hình ảnh ông Chín sẽ mãi là niềm tự hào, là một tượng đài trong tâm trí của người dân.

B.Đại - Đ.Tuyển

Tin cùng chuyên mục