
Đại tướng Chu Huy Mân nguyên là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị quân đội ta, điều đó nhiều người biết, nhưng có lẽ ít ai biết ông đã từng sáng tác khá nhiều thơ. “Mình làm thơ là để bày tỏ cảm xúc của mình, thơ nghiệp dư ấy mà”, ông cười tự giễu. Được tiếp xúc với ông, mọi người đều nhận thấy ông là người có một tư duy lý luận chặt chẽ, giọng nói hài hước. Đó phải chăng là nét tính cách của người sinh ra, lớn lên ở xứ Nghệ, và là một tâm hồn giàu chất nghệ sĩ.

Là người hiểu tác dụng to lớn của văn học nghệ thuật, Đại tướng Chu Huy Mân luôn quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ trong lực lượng vũ trang. Ông thích dự sinh hoạt của chiến sĩ cấp đại đội, trước khi vào buổi sinh hoạt, ông thường yêu cầu những chiến sĩ “cây văn nghệ đại đội” hát những bài ca quen thuộc, hò những điệu hò các vùng quê. Sinh hoạt bộ đội ở chiến hào cũng không thể thiếu lời ca tiếng hát.
Ở Quân khu 5 thời đánh Mỹ, khi đang đảm nhiệm chức vụ Chính ủy Quân khu, ông đã chỉ đạo xây dựng đội ngũ sáng tác văn học đông đảo. Đội ngũ ấy bao gồm các nhà văn từ miền Bắc vào như Nguyên Ngọc, Nguyễn Chí Trung, Phan Tứ, Thu Bồn... và các cây bút trưởng thành từ các đơn vị cơ sở như Thái Bá Lợi, Thanh Quế, Ngân Vịnh... đến những năm 70, bổ sung lớp chiến sĩ vừa tốt nghiệp Đại học Tổng hợp văn và khóa bồi dưỡng của Hội Nhà văn như Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Bảo, Trần Vũ Mai, Nguyễn Khắc Phục. Trại sáng tác được hình thành ngay giữa mặt trận. Từ trại viết ấy, nhiều người trở thành nhà văn có những đóng góp cho nền văn học nước nhà.
Sau khi đất nước thống nhất, được bổ nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trong phương hướng công tác Đảng, công tác chính trị toàn quân, Đại tướng Chu Huy Mân đã chỉ đạo phải có đề án xây dựng lực lượng sáng tác văn học nghệ thuật, biểu diễn văn nghệ.
Các nhà văn vừa viết về hai cuộc kháng chiến vừa đi thực tế để có vốn sống mới. Các cây bút trẻ được đi học văn hóa, đào tạo nghiệp vụ. Hòa bình chưa được bao lâu, bè lũ Pôn Pốt gây chiến tranh ở biên giới Tây Nam nước ta. Các đơn vị bộ đội nhận nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ biên cương Tổ quốc, Đại tướng Chu Huy Mân đến tận chiến hào quan sát mặt trận, động viên bộ đội chiến đấu bảo vệ đất, bảo vệ dân. Ông yêu cầu các nhà văn phản ánh ngay cuộc chiến đấu mới của quân và dân ta ở biên giới Tây-Nam.
Khi quân đội ta cử một bộ phận sang giúp bạn ở Campuchia, ông đã chỉ thị phải cắm một số nhà văn để viết về nhiệm vụ đặc biệt này: “Cứ ghi chép những việc làm của bộ đội tình nguyện, chúng ta cũng có thể có những cuốn sách rất quý cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau rồi”. Thực hiện chỉ thị của ông, các binh đoàn, quân khu đều có đội ngũ cán bộ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức được nhiều trại sáng tác, xuất bản được nhiều tác phẩm có giá trị văn học.
Đại tướng Chu Huy Mân đã vĩnh biệt chúng ta, nhưng con người ấy, sự nghiệp ấy đã và đang sống mãi trong lòng nhân dân và cán bộ, chiến sĩ quân đội ta. Riêng với đội ngũ văn nghệ sĩ quân đội, Đại tướng Chu Huy Mân đã để lại tình cảm thật cao đẹp.
Nguyễn Quốc Trung