
Do ảnh hưởng của bão số 3, trong những ngày qua, mưa lớn đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến các tỉnh miền núi phía Bắc.
Cao Bằng: Gần 600 ngôi nhà chìm trong nước
Do mưa lớn kéo dài trong suốt 2 ngày 5 và 6-8, mực nước sông Bằng ở tỉnh Cao Bằng dâng rất nhanh. Chiều tối và đêm 6-8, mực nước sông Bằng đã vượt trên báo động 3 hơn 1m và bắt đầu tràn vào thị xã Cao Bằng, làm hàng trăm hộ dân ở các phố: Thầu, Nước Giáp, chợ Xanh và một số khu dân cư thuộc phường Sông Hiến, Hiến Giang... phải sơ tán ngay trong đêm. Sáng 7-8, nước sông vẫn tiếp tục dâng cao do lượng mưa phía đầu nguồn ở các huyện: Hà Quảng, Hòa An, Thông Nông, Bảo Lạc chưa có dấu hiệu giảm.

Theo Văn phòng Ban chỉ huy PCLB tỉnh Cao Bằng: tuy chưa có thiệt hại về người nhưng mưa lũ đã làm gần 600 ngôi nhà bị ngập, trong đó ở huyện Hòa An ngập gần 200 hộ, thị xã Cao Bằng ngập trên 360 hộ. Nước lũ cũng khiến cho hơn 1.600 ha lúa mùa và hoa màu bị ngập úng. Đặc biệt nghiêm trọng là giao thông trên Quốc lộ 3 (Cao Bằng - Hà Nội) bị sạt lở nặng ở đoạn đèo Tài Hồ Sìn khiến cho tuyến giao thông này đã bị tê liệt. Tỉnh lộ 204 đi từ thị xã Cao Bằng xuống huyện Thông Nông cũng bị sạt lở gây gián đoạn giao thông.
Một số tuyến giao thông từ huyện lỵ Hà Quảng ra cửa khẩu Sóc Giang (xã Sóc Hà) và xã Quý Quân nước ngập sâu khiến cho các xã này gần như bị cô lập hoàn toàn. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, chính quyền các cấp trong tỉnh đang khẩn trương tổ chức lực lượng hỗ trợ người dân trong vùng ngập lụt sơ tán đến nơi an toàn, huy động mọi lực lượng, phương tiện để khai thông các tuyến đường huyết mạch, tổ chức hỗ trợ ban đầu về nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt cho các hộ phải di dời. Theo nhiều người dân địa phương, diễn biến của đợt mưa lũ này tương đối giống với đợt lũ lịch sử cách đây 20 năm trong dịp rằm tháng Bảy năm 1986.
Lào Cai, Yên Bái: hàng loạt tuyến đường bị sạt lở
Mưa lớn kéo dài suốt đêm 6-8 khiến nhiều đoạn đường ở Lào Cai bị sạt lở và gây ách tắc giao thông. Lúc 12 giờ trưa 7-8, tại Km 121 trên tuyến quốc lộ 4D (tuyến đường du lịch Lào Cai đi Sa Pa) thuộc địa bàn xã Tòng Sành, huyện Bát Xát, một lượng đất đá khoảng hơn 1.000m3 đổ từ trên núi cao xuống, làm ách tắc giao thông gần hai giờ đồng hồ. Hiện nay, đơn vị bảo dưỡng đường bộ I đã tập trung san gạt đất đá; nhờ đó đã tạm thông xe con, xe máy và người đi bộ. Trước đó, lúc 7 giờ sáng cùng ngày, tại km 18 +100 và km 31 trên đường 153 (đoạn Bắc Hà - Si Ma Cai) cũng đã xảy ra sạt lở hơn 1.100m3 đất đá, gây ách tắc giao thông toàn tuyến hơn 1 giờ đồng hồ.
Theo báo cáo của ngành giao thông-vận tải Lào Cai, trên tuyến đường du lịch Lào Cai - Sa Pa còn ít nhất khoảng 4 đến 5 điểm nữa có nguy cơ sạt lở rất cao. Ngành đã bố trí phương tiện, lực lượng thường trực 24/24 giờ để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, giảm thời gian ùn tắc giao thông trên tuyến. Trước đó, trong các ngày từ 3 đến 4-8, ở Lào Cai đã xảy ra 3 điểm sạt lở đất đá ở tuyến quốc lộ 4D và tuyến đường từ Ô Quý Hồ đi Bát Xát.
Tại thành phố Yên Bái, mưa lớn kéo dài suốt đêm 6 và sáng 7-8, đã gây ngập lụt làm thiệt hại nặng về nhà và tài sản của dân. Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Yên Bái: đến sáng 7-8 đã có 157 ngôi nhà bị hư hại do bị ngập nước, sạt lở đất vào nhà và một số nhà đã bị nước lũ cuốn trôi. Toàn thành phố có 4 điểm ngập lụt nặng là: khu vực chợ thuộc phường Yên Thịnh; khu vực xóm Hào Gia thuộc phường Đồng Tâm; Đường khe Sến và khu tập thể Sở Y tế Yên Bái thuộc phường Minh Tân bị ngập từ 0,6 đến 1m gây ách tắc giao thông. Tại đây có 150 ngôi nhà bị ngập (có 135 nhà bị nước ngập sâu 0,6 - 2m), 6 ngôi nhà bị đất sạt lở tràn vào. Mưa lớn cũng làm ngập 15 ha lúa, cuối trôi một số vật nuôi của nhân dân và gây sạt lở 15 điểm đường giao thông. Tại huyện Yên Bình mưa lớn đã cuốn trôi một nhà sàn và một bếp của hộ gia đình ở xã Phúc An. Riêng huyện Văn Chấn bị ngập ngầm tràn xã Cát Thịnh.
Đến 12 giờ trưa 7-8, tại các điểm ngập lụt nước đã rút được chừng 20-30cm nhưng mưa vẫn chưa ngớt. Lãnh đạo tỉnh Yên Bái, các huyện, thị và thành phố Yên Bái đã trực tiếp đi thị sát tình tình, thăm hỏi nhân dân và chỉ đạo các địa phương huy động lực lượng, triển khai các phương án phòng chống bão lũ nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.
ĐBSCL: Lũ tiếp tục lên nhanh

Hiện nay, lũ đầu nguồn trên sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh. Nhiều cánh đồng ở An Phú, Tân Châu (An Giang); Hồng Ngự, Tân Hồng, Tam Nông (Đồng Tháp)… tràn ngập nước lũ. Tính đến ngày 7-8, mực nước lũ trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,67m; trên sông Hậu tại Châu Đốc là 2,01m. Bình quân lũ lên từ 5-8cm/ngày. Dự báo những ngày tới, nước lũ tiếp tục lên và chảy mạnh vào vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên… Trước tình hình lũ lên nhanh, các tỉnh đầu nguồn ĐBSCL vận động người dân khẩn trương thu hoạch lúa hè thu chạy lũ. Đến nay, Đồng Tháp cơ bản thu hoạch xong 194.000 ha lúa hè thu, không bị thiệt hại. Tại An Giang, hơn 221.000 ha lúa hè thu đã thu hoạch hơn 90% diện tích. Song song đó, gia cố đê bao bảo vệ 25.000 ha lúa vụ 3. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP vào chiều 7-8, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết: Đến ngày 10-8, tỉnh yêu cầu người dân chấm dứt không xuống giống lúa vụ 3. Theo đó, khuyến khích bà con áp dụng nhiều mô hình làm ăn mùa lũ hiệu quả như: trồng nấm rơm, nuôi lươn, nuôi cá trong vèo, trồng ấu, sen, rau màu, đan lục bình… Đặc biệt, nuôi tôm càng xanh mùa lũ cho thu nhập rất cao. Những hộ nuôi trúng đạt từ 100 – 120 triệu đồng/ha.
Diễn biến thời tiết còn nhiều bất thường |
NHÓM PV - TTXVN