
Ngày 14-12, mưa tiếp tục diễn ra trên diện rộng tại hầu hết các tỉnh miền Trung, đặc biệt là tại các vùng miền núi. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung bộ, đêm 14 và ngày 15-12, nước các sông ở miền Trung sẽ đạt mức báo động 2 và có thể vượt báo động 3.
- Quảng Nam: Phố cổ bị ngập

Mưa lũ lại xuất hiện trên các sông miền Trung, gây thiệt hại về người và tài sản
Chiều 14-12, mực nước sông Thu Bồn tại Giao Thủy đạt mức báo động 2, tại Câu Lâu vượt báo động 1. Tại Hội An, do nước từ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường nên nước lũ đã làm ngập nhiều đường phố trong khu phố cổ 0,3-0,7m.
Chiều 14-12, anh Huỳnh Ngọc Dũng, chiến sĩ công an của huyện Nam Trà My, bị nước lũ cuốn trong ngày 13-12 (Báo SGGP đã thông tin) vẫn chưa tìm được xác. Hiện các ngành chức năng huy động thêm lực lượng và phương tiện để tìm kiếm xác anh Dũng.
- Quảng Ngãi: Sạt kè biển, đe dọa 400 hộ dân
Do mưa lớn kéo dài ở thượng nguồn nên mực nước các sông Trà Bồng, Trà Khúc đã xấp xỉ mức báo động 3; riêng sông Vệ đã vượt mức báo động 3 là 56cm. Nước lũ dâng cao kết hợp với triều cường nơi cửa lở thôn Án Chuẩn xã Đức Lợi đã tạo thành vùng xoáy làm sạt lở tuyến kè ven biển dài hơn 1.000m, ăn sâu vào đất liền 100m, đe dọa trực tiếp đến hơn 400 hộ dân; trong đó có 56 hộ dân trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm cần phải di dời gấp. Trong đêm 13-12, có 2 ngôi nhà kiên cố của hộ ông Nguyễn Nuôi và bà Đinh Thị Kiệm ở xã Đức Lợi bị nước lũ đã đánh sập và cuốn ra biển, rất may người và của đã được di dời từ trước.
- Bình Định: 10.000 ha lúa đông xuân bị ngập nước
Đến chiều 14-12, toàn tỉnh Bình Định đã có 8.000 ha lúa đông xuân mới gieo sạ bị ngập nước, nhiều đoạn đê sông, hệ thống kênh mương nội đồng bị sạt lở… Nước lũ cũng làm ngập nhiều tuyến đường, chia cắt các vùng dân cư ở phía đông các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Hoài Nhơn… Riêng ở huyện Tuy Phước, nước lũ đã ngập và làm hỏng 1.200 ha lúa vừa gieo sạ, đồng thời ngập tỉnh lộ ĐT 640, chia cắt các xã Đông Bắc huyện.
- Phú Yên: 4 người bị lũ cuốn trôi
Từ ngày 4 đến 14-12, trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã có mưa vừa, mưa to. Cùng với nước xả lũ của hồ thủy điện Sông Hinh, hồ Phú Xuân, nước lũ từ thượng nguồn tràn về đã gây ngập lụt nhiều vùng. Đến hết ngày 14-12 tỉnh Phú Yên đã có 4 người chết do lũ. Chiều 11-12, tại lưu vực sông Hinh thuộc khu vực buôn Krông, xã EaBia (huyện Sông Hinh), ông Mai Dung, 60 tuổi, đi xuồng đã bị nước lũ chảy xiết cuốn mất tích. Nạn nhân thứ hai là anh Lê Văn Tài, 38 tuổi, trú ở xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) bị nước lũ cuốn trôi.
Chiều cùng ngày, em Lý Hồng Nhi, 16 tuổi, học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ (huyện Đông Hòa), trên đường đi học về nhà, khi qua sông Đà Nông bị nước cuốn chết. Nạn nhân thứ 4 là anh Cao Văn Tiến, 44 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Tuy An, khi đi qua đập tràn, do sơ sẩy đã bị nước lũ cuốn trôi. Nước lũ cũng đã gây ngập lụt tuyến đường ĐT 641 từ Chí Thạnh đi thị trấn La Hay và xã An Ninh (huyện Tuy An) và làm hư hại hơn 4.000 ha lúa đông xuân mới gieo sạ thuộc huyện Tuy An, Sông Cầu…
- Khánh Hòa: 1 người chết, giao thông bị chia cắt hoàn toàn
Mưa lớn đã làm cho mực nước trên các sông ở Khánh Hòa vượt báo động 3; cụ thể: trên sông Cái lúc 16 giờ ngày 14-12 là 11,88m (vượt báo động 3 1,88m); trên sông Dinh tại Ninh Hòa là 5,12m (vượt báo động 3 0,12m). Mưa lũ đã làm chết một người, đó là anh Đoàn Chiến Thắng (SN 1981), trú tại xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang bị lật ghe chết lúc 10 giờ sáng 14-12. Lũ lớn cũng làm ngập hầu hết các tuyến đường tỉnh lộ từ 0,5 đến 1,5m, giao thông bị cắt đứt hoàn toàn. Theo tin từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Khánh Hòa, trong đêm 14 và sáng 15-12, mực nước trên các sông tiếp tục dâng cao.
- Nam bộ: Nhiệt độ sẽ xuống dưới 20oC
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, các tỉnh trong khu vực đang bước vào giai đoạn mát nhất trong năm, khoảng cách chênh lệch giữa nhiệt độ cao nhất (buổi trưa) và thấp nhất (buổi sáng) chỉ còn khoảng 7-8oC thay vì trên 10oC như thời gian trước. Nhiệt độ thấp nhất đo được sáng qua (14-12) ở TPHCM chỉ còn 22oC.
Dự báo, vài ngày tới nhiệt độ thấp nhất vào buổi sáng sẽ tiếp tục giảm. Nhiệt độ thấp nhất trong năm ở khu vực Nam bộ sẽ rơi vào thời điểm từ Noel đến sau Tết Dương lịch. TPHCM sẽ có nhiệt độ vào khoảng 18oC-19oC, một vài nơi khu vực miền núi Đông Nam bộ có thể xuống còn 16oC. Những ngày qua, mưa trái mùa đã diễn ra trên diện rộng ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Phước, các tỉnh ven biển Tây Nam bộ; tình trạng còn tiếp tục thêm vài ngày nữa.
Cũng theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đang xuất hiện tiếp một đợt triều cường mới, kéo dài khoảng 3-4 ngày, do xuất hiện trùng với gió mùa Đông Bắc nên mực triều sẽ khá cao, gây ngập nhiều khu vực vào buổi sáng và chiều tối.
NHÓM PV