Trình Quốc hội dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân

Mức khởi điểm chịu thuế: 4 hay 5 triệu đồng/tháng?

Khởi điểm chịu thuế bao nhiêu?

Ngày 4-11, Chính phủ đã trình Quốc hội (QH) dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân. Cùng ngày, QH cũng đã nghe tờ trình và thẩm tra các dự án: Luật Các vùng biển Việt Nam; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Tương trợ tư pháp.

Khởi điểm chịu thuế bao nhiêu?

Theo tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân, khởi điểm chịu thuế là 4 hoặc 5 triệu đồng/tháng (sau khi đã giảm trừ gia cảnh), tương ứng với mức thu nhập 48 hoặc 60 triệu đồng/năm.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, phương án khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng là dựa trên cơ sở nghiên cứu chính sách tiền lương hiện hành của Nhà nước. Đối với phương án khởi điểm chịu thuế 5 triệu đồng/tháng là kế thừa khởi điểm chịu thuế của Pháp lệnh thuế thu nhập cao.

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH, các mức khởi điểm này vẫn còn có những luồng ý kiến khác nhau: luồng ý kiến thứ nhất thì nhất trí với phương án mức khởi điểm chịu thuế sau khi giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là bằng 40% mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế; song cũng có ý kiến mức khởi điểm chịu thuế sau khi giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế là 5 triệu đồng/tháng và mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 40% mức giảm trừ cho cá nhân người nộp thuế do mức này dễ được sự đồng thuận trong xã hội.

Liên quan đến việc giảm trừ gia cảnh, nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế và Ngân sách đề nghị, cần xác định rõ người phụ thuộc phải nuôi dưỡng trong gia đình (như bố, mẹ, con dưới 18 tuổi...) và để không mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Lao động; và cần xem xét để có thể chiết trừ chi phí trong các trường hợp như: ốm đau nặng phải chữa trị kéo dài; gặp rủi ro lớn do tai nạn, hỏa hoạn…

Tính toán kỹ khi đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, dự án luật dự kiến chỉ thu thuế đối với trường hợp có lãi tiền gửi tiết kiệm vượt trên 5 triệu đồng/tháng (trên 60 triệu đồng/năm) và thu với mức thuế suất thấp là 5%. “Với mức này, cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến việc gửi tiền tiết kiệm và không ảnh hưởng đến lãi suất huy động do số thuế phải nộp không lớn” – Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói.

Nhiều ý kiến trong Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của QH đồng tình với tờ trình của Chính phủ, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, quy định thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm phải chịu thuế thu nhập cá nhân sẽ dẫn đến tình trạng người có tiền không gửi tiết kiệm hoặc gửi ít sẽ đẩy mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng lên cao.

Mặt khác, dễ xuất hiện tình trạng người có tiền gửi tiết kiệm chia nhỏ số tiền, gửi ở nhiều ngân hàng khác nhau để tránh phải nộp khoản thuế này, hoặc nhiều người có tiền nhưng không gửi tiết kiệm mà cất trữ vàng và các loại tài sản khác.

HÀ MY – BẢO MINH

Tin cùng chuyên mục