
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM năm 2004 cao hơn năm trước, dự báo mức tiền thưởng Tết bình quân năm nay sẽ cao hơn. Ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có mức thưởng bình quân cao nhất (12,8 triệu đồng/người). Ngành may mặc, giày da có mức thưởng thấp nhất (600.000-800.000 đồng/người)
- Mức thưởng bình quân khả quan hơn
Còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết cổ truyền của dân tộc, cùng với việc chạy đua để hoàn thành kế hoạch năm 2004, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã khởi động kế hoạch chăm lo Tết cho người lao động một cách chu đáo. Những đơn vị hoàn thành kế hoạch cả năm sớm 1 tháng đều có mức thưởng khá.
Công ty Xuất nhập khẩu Nông Lâm Hải sản (Agrimexco) thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty VISSAN, Công ty cổ phần Dược phẩm 2/9, Công ty Cao su Thống Nhất, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn,… đều có kế hoạch thưởng Tết 1-2 tháng lương. Ông Đức Mười, Chủ tịch Công đoàn Công ty VISSAN phấn khởi cho biết: Năm nay, công ty hoàn thành kế hoạch vượt mức 5,3%, đạt lợi nhuận 21% (vượt kế hoạch 16%) và giá trị tổng sản lượng đạt 550 tỷ đồng (vượt 20%), nộp ngân sách 37 tỷ đồng. Vì thế, ngoài khoản tiền thưởng Tết Dương lịch, công ty còn thưởng Tết Âm lịch cho người lao động với mức thưởng cao hơn năm ngoái (năm 2004, bình quân mỗi lao động được thưởng 5 triệu đồng/người).
Tuy việc công bố mức tiền thưởng của nhiều đơn vị, doanh nghiệp đến giờ này vẫn chưa được “bật mí”, nhưng nhìn chung ở khu vực kinh tế quốc doanh, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Sòn, Tổng Công ty Nông

Công ty Vissan có mức thưởng Tết bình quân 5 triệu đồng/ người.Ảnh: HOÀNG ANH THƯ
nghiệp Sài Gòn, ngành bưu chính viễn thông, ngành điện, giao thông công chánh, các ngành dịch vụ tài chính ngân hàng… đều có mức thưởng bằng hoặc cao hơn năm trước.
Với tốc độ tăng trưởng của TPHCM năm nay cao hơn năm trước, dự báo ở các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp sẽ có mức thưởng bình quân cao hơn năm ngoái (năm 2004 là 1,5 triệu đồng/người) - Đó là nhận định ban đầu của ông Nguyễn Hoàng Kháng, Trưởng phòng Tiền Lao động – Tiền lương-Tiền công (Sở LĐTB-XH).
Ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), việc trả lương trả thưởng ngày càng được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn. Là một trong những đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài thu hút số lượng công nhân lao động đông nhất cả nước, từ đầu tháng 12, Công ty Pou Yuen đã dành 56 tỷ đồng chăm lo Tết cổ truyền cho trên 50 ngàn lao động VN. Ngoài đảm bảo việc trả lương, trả thưởng cho người lao động đầy đủ, Công đoàn của công ty còn liên hệ mua vé xe cho người lao động ở các tỉnh xa về quê ăn Tết.
Theo Phòng Lao động nước ngoài (Sở LĐTB-XH TPHCM), đến cuối tháng 12-2004, đã có trên 200 công ty, doanh nghiệp công bố kế hoạch trả lương, trả thưởng Tết Ất Dậu 2005. Theo đó, các doanh nghiệp, công ty đều cam kết trả lương đầy đủ và trả thưởng ít nhất bằng 1 tháng lương. Cũng giống như năm ngoái lĩnh vực ngân hàng, dịch vụ tài chính ở khu vực FDI vẫn đứng topten với mức thưởng bình quân cao nhất (12,8 triệu đồng/người và người nhận thưởng cao nhất- chức danh tổng giám đốc là 94 triệu đồng). Tiếp theo là ngành điện, điện tử và giao nhận, vận chuyển hàng hóa có mức thưởng bình quân (2-2,5 triệu đồng/người), lĩnh vực nhà hàng, khách sạn (1,5 triệu đồng/người), trong đó các chức danh quản lý có mức thưởng bình quân vài chục triệu đồng/người…
- Tiền thưởng: hạn chế tranh chấp, đình công cuối năm
Tương tự, ở Các khu chế xuất- khu công nghiệp TPHCM (HEPZA), tình hình trả lương trả thưởng cũng đi vào nề nếp hơn. Hiểu rõ phong tục tập quán của người Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã coi việc trả lương, trả thưởng đầy đủ là trách nhiệm và đạo lý của doanh nghiệp.
Bà Đoàn Thị Thu Hà, Trưởng Phòng Lao động của Hepza cho biết: “Trừ một số ít doanh nghiệp mới đi vào hoạt động hoặc gặp khó khăn về sản xuất, đơn hàng- công nhân phải nghỉ việc không hưởng lương, còn lại hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều cam kết đảm bảo trả lương đầy đủ và trả thưởng bằng 1 tháng lương”. Thấy rõ việc chăm lo quyền lợi cho người lao động thỏa đáng và hợp lý sẽ mang lại “hiệu quả kép”, nhiều chủ đầu tư ở Hepza như Công ty Pretrend có trên 20 ngàn lao động, Công ty Cao su Nhựa Lúa Vàng, Công ty Trường Lợi, Công ty NISSEI, Công ty Theodere Alexander HCM, Công ty IGM,… đã lên kế hoạch trả lương, trả thưởng rất sớm.
Ngoài kế hoạch trả lương, trả thưởng đầy đủ cho người lao động, các công ty này còn lo vé tàu, xe và cho người lao động ở

Ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng có mức thưởng khá. Ảnh:HTN
các tỉnh xa nghỉ Tết sớm, vào làm việc muộn. Nhờ sự chăm lo chu đáo này cộng với việc công khai kế hoạch trả lương, trả thưởng cuối năm, quan hệ lao động ở HEPZA đã không ngừng được cải thiện và tình trạng tranh chấp về lao động đã giảm nhiệt hơn. Tuy nhiên, so với mặt bằng trả lương, trả thưởng ở các khu vực kinh tế khác thì mức thưởng ở khu vực này không cao, bình quân mỗi lao động trực tiếp sản xuất chỉ được thưởng 1 tháng lương tương đương 800 ngàn đến 1 triệu đồng.
Năm nay ngành dệt may ở TPHCM gặp nhiều khó khăn. Trừ những đơn vị may có uy tín và thương hiệu lớn như các công ty May Việt Tiến, May Nhà Bè, May Sài Gòn 1, 2, 3, May An Phước… vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng, thu nhập bình quân của người lao động cao hơn năm trước nên mức thưởng cũng khá cao, còn lại những doanh nghiệp vừa và nhỏ đều bị chao đảo bởi “cơn sóng gió” quota, thiếu đơn hàng sản xuất. Thay vì phải tăng ca liên tục như mọi năm, năm nay nhiều doanh nghiệp may mặc vừa và nhỏ chỉ sản xuất cầm chừng, thậm chí phải cho lao động nghỉ việc hưởng lương 70% hoặc nợ lương vì thiếu hợp đồng, đơn hàng sản xuất. Vì thế , khả năng trả thưởng ở những đơn vị này chỉ vào khoảng 600.000-800.000 đồng/người.
Ông Nguyễn Đức Hoan, Chủ tịch Hội May Thêu Đan TPHCM trần tình: “Không trả lương trả thưởng cho người lao động đầy đủ thì sau Tết vào làm việc chỉ thấy nhà xưởng trống không. Doanh nghiệp chịu thiệt thòi trước tiên. Vì thế, dù khó khăn đến mấy, các doanh nghiệp ngành may cũng cố gắng trả thưởng cho người lao động 1 tháng lương để họ vui Tết cổ truyền, đón năm mới sau 1 năm làm việc cực nhọc”.
Đồng tình với nhận định này, bà Nguyễn Thị Điền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May An Phước đúc kết bài học nhân quả: “Chăm lo đời sống, trả lương, trả thưởng đầy đủ cho người lao động thì sau Tết công ty không phải chạy đôn chạy đáo đi tuyển mộ lao động mới”
KHÁNH BÌNH