Mục tiêu duy nhất là bảo đảm đủ điện

Tăng giá điện sau Tết Nguyên đán
Mục tiêu duy nhất là bảo đảm đủ điện

Người dân miền Bắc chưa thôi ám ảnh về tình trạng thiếu điện vào tháng 5-2005. Trong khi đó, việc mực nước sông Hồng đang xuống mức thấp nhất trong 100 năm qua càng làm cho nhiệm vụ năm 2006 của ngành điện thêm nặng nề. Có thể vì thế, khi giao nhiệm vụ cho ngành điện, hôm qua, 10-1, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã nói ngắn gọn: “Mục tiêu duy nhất là phải bảo đảm đủ điện”.

  • Thiếu điện: Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm!
Mục tiêu duy nhất là bảo đảm đủ điện ảnh 1

Thủy điện Srok Phu Miêng sẽ tăng lượng điện cho các tỉnh phía Nam. Ảnh: Lắp đặt thiết bị tổ máy 1. Ảnh: ĐỨC THÀNH

“Năm nay, có thể chậm triển khai, dừng công trình, lĩnh vực nào đó chứ quyết không chậm đầu tư cho ngành điện”. Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng đã nói với lãnh đạo chủ chốt tham dự hội nghị tổng kết năm 2005, triển khai nhiệm vụ năm 2006 của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra hôm 10-1 như vậy. Mặc dù vốn đầu tư chiếm 10% tổng vốn đầu tư xã hội của cả nước, nhưng năm nay, số vốn đầu tư của ngành điện cũng tăng kỷ lục với 34.360 tỷ đồng, gần bằng tổng doanh thu bán điện của EVN trong năm 2005.

Để có khoản vốn này, Tổng giám đốc EVN Đào Văn Hưng cho biết, năm nay EVN sẽ huy động 20.000 tỷ đồng, trong đó phát hành trái phiếu trong nước khoảng 3.000 tỷ đồng và phát hành 250 triệu USD trái phiếu trên thị trường tài chính quốc tế. “Chính phủ sẽ đứng ra bảo lãnh để ngành điện có đủ vốn đầu tư”. Nếu lại để xảy ra thiếu điện sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế và gây bức xúc trong nhân dân.

Trong quí 4 năm 2005, GDP nước ta tăng trưởng tới 9,2%, tốc độ này vẫn đang được duy trì, đòi hỏi lượng điện rất lớn cho nhu cầu phát triển. Chính vì vậy, nếu để xảy ra thiếu điện, không chỉ ngành điện mà Chính phủ cũng phải chịu trách nhiệm”, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói.

  • “Sợ” nhất lãng phí và chậm tiến độ

Được giải tỏa nỗi lo về vốn, ông Đào Văn Hưng vẫn băn khoăn ở hai lẽ: thứ nhất là lãng phí trong sử dụng điện, nước; thứ hai là tình trạng chậm tiến độ trong các công trình điện. Năm ngoái, vì phải xả nước cứu hạn cho miền Bắc, thủy điện Hòa Bình đã xuống dưới mực nước chết, chạy cầm chừng dù miền Bắc thiếu điện nghiêm trọng. Nay, Hòa Bình lại không thể không xả nước cứu hạn. “Đáng lo ngại là ngành nông nghiệp sử dụng nước chúng tôi xả ra còn rất lãng phí, không quyết liệt nạo vét kênh mương nên chỉ bơm được một lượng nhỏ vào kênh, mương, phần lớn nước còn lại để chảy lãng phí ra biển”, ông Hưng nói.

Mục tiêu duy nhất là bảo đảm đủ điện ảnh 2

Công trình Thủy điện A Vương (Quảng Nam), khi hoàn thành sẽ góp phần giảm bớt tình trạng thiếu điện.

Trong khi đó, hiện nay, tình trạng sử dụng điện lãng phí trong các cơ quan, công sở vẫn diễn ra phổ biến. Thậm chí, năng suất, hiệu quả của bản thân ngành điện thấp cũng gây nên lãng phí. Bình quân 6 lao động ngành điện tạo ra một MW điện, trong khi Thái Lan chỉ cần 4 người và các nước tiên tiến khác chỉ cần 1 người.

Đó là chưa kể đến nỗi lo muôn thuở là tình trạng chậm tiến độ trong các công trình điện. Hiện một số công trình phải đưa vào vận hành trong năm 2006 để khắc phục nguy cơ thiếu điện như Uông Bí mở rộng số 1, nâng công suất các nhà máy điện Bà Rịa - Phú Mỹ, tích nước cho Thủy điện Tuyên Quang, Pleikrong... đang vận hành đúng tiến độ.

Tuy nhiên, nhiều công trình khác đang gặp phải những phát sinh ảnh hưởng đến tiến độ phát điện. Điển hình là công tác tư vấn, thiết kế. “Báo cáo thì nói tiến độ đang được bảo đảm, nhưng nhiều dự án vẫn chưa có thiết kế thì thi công sao được?”, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lo ngại. Bằng chứng có 11% trong số 18 đơn vị, hạng mục nguồn điện đang bị chậm tiến độ thiết kế từ 3 đến 9 tháng; cũng có 15% trong số công trình lưới điện bị chậm thiết kế. Nói như Phó Thủ tướng thì hiện Chính phủ mới chỉ yên tâm ở các đơn vị thi công, còn những đơn vị, khâu khác như đấu thầu, mua sắm thiết bị, máy móc... đều chậm.

Theo thừa nhận của một số giám đốc điện lực, thách thức của toàn ngành hiện nay là khối lượng công trình tăng đột biến trong khi nguồn nhân lực mỏng – chưa kể một số kỹ sư giỏi đang chuyển sang làm cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đó là chưa kể đến ngoài 23 công trình nguồn điện đang triển khai, EVN vừa phải tiếp nhận triển khai 14 cụm nguồn điện, có vốn đầu tư hàng chục tỷ USD, thuộc diện đầu tư cấp tốc chống thiếu điện giai đoạn 2006-2010. Đó đều là những cụm sản xuất điện có công suất rất lớn, từ 1.500 đến 3.000MW như cụm Thanh Hóa, Cà Mau...

Trong bối cảnh ấy, dù Chính phủ đã cho EVN thực hiện hàng loạt cơ chế đặc thù nhưng “chỉ cần một nơi có công trình, dự án sản xuất lớn đưa vào sử dụng, làm tăng sản lượng điện của địa phương lên 30% thì chúng tôi khó có thể bảo đảm đủ điện”, ông Hưng nói.

NAM QUỐC  

Liên quan đến vụ điện kế điện tử, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng cho rằng để xảy ra sai phạm này, lãnh đạo EVN phải có trách nhiệm. Qua đây, EVN phải rút ra 2 bài học: khi triển khai dự án có tác động lớn đến đời sống như thay điện kế điện tử, phải báo cáo, xin ý kiến Bộ Công nghiệp, Thành ủy, HĐND, UBND TPHCM để tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ. Thứ hai, phải giao trách nhiệm rõ hơn cho các phòng, ban để kiểm tra, giám sát. Trong khi đó, trên cơ sở kết quả kiểm tra sai số của điện kế điện tử ở TPHCM có sai số không đáng kể, EVN dự định sẽ “trả lại nhãn hiệu, xuất xứ” của công-tơ này theo đúng thực tế là sản xuất tại Việt Nam và sẽ xin ý kiến để đưa các công-tơ vào sử dụng.

Tăng giá điện sau Tết Nguyên đán

Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Nguyễn Xuân Thúy cho biết, sau Tết Nguyên đán mới có thể tăng giá điện. Như vậy, việc tăng giá điện chậm ít nhất 1 tháng so với kế hoạch. Sở dĩ có việc này là do hiện nhiều bộ, ngành chưa thống nhất với 5 phương án tăng giá điện do Bộ Công nghiệp đưa ra.

Như tin đã đưa, nội dung tổng quát của đề án tăng giá điện là sẽ tăng 14% giá điện sinh hoạt, tương ứng với mức giá điện mới kể từ 2006 là 898 đồng/kWh. Đến 2008, giá điện sẽ tăng lên khoảng 1.100 đồng/kWh.

Tin cùng chuyên mục