Mục tiêu nhân văn

Tháng cuối cùng của năm 2020 đánh dấu cột mốc vô cùng quan trọng: tròn 30 năm Việt Nam đương đầu đại dịch HIV/AIDS với những thành tựu vô cùng to lớn.

Tới thời điểm này, sau 3 thập niên, người đầu tiên được phát hiện nhiễm HIV ở nước ta (là một phụ nữ ở TPHCM) vẫn sống khỏe mạnh và lạc quan. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho những tiến bộ của Việt Nam trong công tác điều trị HIV/AIDS. Đến nay, Việt Nam đã mở rộng điều trị HIV/AIDS và chuyển đổi thành công mô hình điều trị HIV/AIDS chủ yếu dựa vào viện trợ sang điều trị do Quỹ khám chữa bệnh BHYT chi trả. Việc điều trị HIV/AIDS được triển khai tại 63 tỉnh/thành phố với hàng trăm phòng khám, trạm y tế cấp phát thuốc kháng virus, giúp hơn 153.000 bệnh nhân được điều trị thuốc ARV. Những loại thuốc ARV mới nhất, hiệu quả cao cũng đã được cấp phép để sử dụng cho người bệnh. Qua đó nâng cao chất lượng điều trị, đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước có chất lượng điều trị HIV/AIDS tốt nhất thế giới (Anh, Đức, Thụy Sĩ và Việt Nam) với tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 96%.

Cùng với đó, các hoạt động dự phòng lây nhiễm HIV cũng được mở rộng về địa bàn và nâng cao chất lượng. Trong đó nổi lên là các biện pháp can thiệp giảm hại như: cung cấp bơm, kim tiêm sạch cho người nghiện ma túy; cấp phát bao cao su cho phụ nữ bán dâm từ chỗ bị cấm đến nay đã triển khai rộng rãi toàn quốc. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và Buprenorphine đang được triển khai cho 54.000 người. Ứng dụng mạng xã hội và truyền thông xã hội đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin phòng chống HIV/AIDS. Việt Nam cũng mở rộng nhanh dịch vụ tư vấn, xét nghiệm phát hiện HIV với các mô hình xét nghiệm HIV tại cộng đồng được triển khai rộng rãi, hiệu quả cao. Hiện nay, toàn quốc có trên 1.300 cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm sàng lọc HIV và 144 phòng xét nghiệm khẳng định HIV. Mỗi năm có khoảng 3 triệu lượt người được xét nghiệm sàng lọc HIV. Đặc biệt, cơ chế tài chính cho phòng chống HIV/AIDS ngày càng thay đổi theo hướng tăng dần ngân sách trong nước, thay dần các nguồn viện trợ nước ngoài.

Với những nỗ lực trên, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng của thế giới trong phòng, chống HIV/AIDS khi đã giảm hơn 2/3 số người nhiễm mới và số người tử vong so với mức 10 năm trước đây. Đặc biệt giữ vững mục tiêu khống chế tỷ lệ người nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở mức dưới 0,3%, giảm tác động của HIV/AIDS đối với sức khỏe và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Việt Nam đã cam kết với thế giới thực hiện Mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV; 90% người điều trị bằng thuốc kháng virus đạt được tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế), hướng đến chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Mới đây, vào ngày 16-11, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống HIV/AIDS đã nhanh chóng được Quốc hội thông qua với 100% đại biểu biểu quyết tán thành. Đây thực sự là động lực và hàng lang pháp lý quan trọng trong hệ thống văn bản pháp quy về phòng chống HIV/AIDS, góp phần giúp Việt Nam kết thúc đại dịch AIDS sau 10 năm nữa. Cùng với đó sẽ tạo điều kiện tốt hơn để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dự phòng, can thiệp giảm tác hại, nâng cao chất lượng điều trị, giáo dục truyền thông thay đổi hành vi, chống kỳ thị, phân biệt đối xử và tăng nhanh nguồn kinh phí cho phòng chống HIV/AIDS.

Chắc chắn những thành tựu, kinh nghiệm qua 30 năm phòng chống HIV/AIDS cùng với sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ và cộng động xã hội, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở đạt được các mục tiêu 90-90-90, tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030 - một mục tiêu mang đầy tính nhân văn tốt đẹp.

Tin cùng chuyên mục