Mục tiêu rõ ràng, giải pháp cụ thể

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của nhà nghiên cứu, khoa học, các cơ quan Trung ương và ý kiến của nhân dân. Nội dung báo cáo vừa mang tính tổng thể, vừa khái quát lại vừa chi tiết, đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và thể hiện rõ định hướng phát triển để xứng đáng với TP mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

Nỗ lực đi đầu về kinh tế số, xã hội số 

Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ TPHCM tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí vươn lên, quyết tâm khắc phục những tồn tại, yếu kém, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. 11/14 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ X hoàn thành, trong đó, 4 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Một dấu ấn khác, đó là Quốc hội đã thông qua cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho TPHCM (Nghị quyết 54).

Tuy nhiên, trong Báo cáo chính trị, TPHCM thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, yếu kém, rút ra 6 bài học kinh nghiệm để khắc phục và tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. Đặc biệt, chủ đề đại hội lần này có những điểm rất đáng quan tâm. Cụ thể là yêu cầu “nâng cao trách nhiệm nêu gương” và nhấn mạnh đến “năng lực lãnh đạo của Đảng bộ” để “xứng đáng với niềm tin của nhân dân”.

Đặc biệt là “phát triển nhanh, bền vững” “vì hạnh phúc của nhân dân”. Trong chủ đề, 2 chữ “nhân dân” được thể hiện 2 lần, với phần kết là “vì hạnh phúc của nhân dân”. Như vậy, chủ đề đại hội đã nhấn mạnh đích đến cuối cùng là phải xứng đáng với niềm tin của nhân dân và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. 

Trong chủ đề của đại hội lần này cũng xác định nhiệm vụ phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình, đồng thời huy động hiệu quả mọi nguồn lực phát triển. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là đặt nặng yêu cầu ứng dụng khoa học - công nghệ để tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Mục tiêu rõ ràng, giải pháp cụ thể ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, phát biểu thông tin về công tác tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI với các cơ quan báo chí, ngày 2-10-2020. Ảnh: VIỆT DŨNG

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa X trình Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI đã xác định cụ thể mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ tới. Đặc biệt lần này, TPHCM xác định tầm nhìn dài hạn hơn, bằng việc xây dựng mục tiêu cho 3 giai đoạn.

Cụ thể, đến năm 2025, TPHCM sẽ là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại và đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Đến năm 2030, TPHCM sẽ là thành phố văn hóa và đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, với một điểm nhấn nữa là “trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á”. TPHCM còn xác định tầm nhìn đến năm 2045 sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 40.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

6 nhóm giải pháp lớn 

Trong báo cáo chính trị lần này, TPHCM nêu ra 8 quan điểm phát triển và xác định 6 nhóm giải pháp lớn thực hiện các mục tiêu cụ thể, định lượng rõ ràng. Về những giải pháp để đạt được các mục tiêu đó, báo cáo nhấn mạnh đến 4 chương trình phát triển TPHCM, gồm 3 chương trình đột phá và 1 chương trình trọng điểm.

Đầu tiên, chương trình đột phá quản lý TPHCM là nhóm chương trình rất quan trọng, đặt nặng hiệu quả quản lý, điều hành và bám theo chủ đề “nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo”. Ở chương trình đột phá này có 14 chương trình, đề án, như đề án chính quyền đô thị, thành lập thành phố Thủ Đức (thuộc TPHCM); hình thành và phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông; chuyển một số huyện thành quận; xây dựng thành phố thông minh; chương trình chuyển đổi số...

Những đề án này rất cần thiết, giúp giải phóng nguồn lực của TPHCM, thông qua việc chuyển đổi đất nông nghiệp để phục vụ hoạt động đất công nghiệp, đô thị, dịch vụ, giao thông. Điều này giúp khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai và tạo nguồn thu cho ngân sách, đồng thời triển khai các dự án, thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai là chương trình đột phá phát triển hạ tầng để tạo điều kiện tốt nhất cho phát triển TPHCM. Chương trình này nhằm mở rộng không gian phát triển, kết nối các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây không chỉ đơn thuần phát triển hạ tầng giao thông mà còn phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng số và tận dụng lợi thế cảnh quan (sông nước) của TPHCM để phát triển đô thị, thu hút du lịch.

Cần phải nói thêm, công tác đầu tư hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông kéo dài nhiều năm. Hàng loạt dự án giao thông được đưa vào khai thác, sử dụng trong nhiệm kỳ qua là kết quả của việc tập trung đầu tư nhiều năm trước. Lần này, TPHCM cũng xác định các chương trình, đề án phát triển hạ tầng không chỉ trong giai đoạn 2020-2025 mà còn lên kế hoạch cho nhiều năm sau đó, đến 2040, 2045, thậm chí đến 2050. TPHCM có 13 đề án chi tiết về chương trình này.

Ngoài ra, TPHCM xây dựng chương trình đột phá phát triển nguồn nhân lực và văn hóa để tiến đến mục tiêu đến năm 2030 phát triển thành “thành phố văn hóa”. Cụ thể hóa là 11 đề án, chương trình. Đặc biệt, dịch Covid-19 hiện nay vẫn là thách thức lớn nên TPHCM có các chương trình, đề án vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn, vừa phù hợp với xu thế phát triển. Có thể kể như đề án giáo dục thông minh, y tế thông minh, chương trình phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo…

Cuối cùng là chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của TPHCM. Trong đó, TPHCM xác định sẽ đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 xây dựng thành phố thông minh làm nền tảng phát triển kinh tế hiện đại. Chương trình có 13 chương trình, đề án tập trung hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghệ thông tin, sản phẩm cơ khí tự động hóa. Đặc biệt là đề án phát triển TPHCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; hỗ trợ kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn.

Theo thống kê, đóng góp vào sự tăng trưởng của TPHCM gồm 3 yếu tố. Đó là  năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) chiếm khoảng 42% và lao động chiếm khoảng 17%. Ngoài ra, vốn đóng góp 40% vào tăng trưởng GRDP của TPHCM. Tuy nhiên, trong vốn đầu tư xã hội thì khu vực nhà nước chiếm khoảng 12%, khu vực FDI khoảng 14% và khu vực ngoài nhà nước chiếm gần 74%. Do đó, nếu TPHCM làm tốt việc chuyển đổi số, thực hiện tốt công tác cải cách hành chính (CCHC) và nâng cao chỉ số PCI, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ thúc đẩy được đầu tư tư nhân. Ở khu vực này, tồn tại trong công tác CCHC cũng như thủ tục hành chính còn nhiêu khê, chưa minh bạch gây ngán ngại cho doanh nghiệp.

Do đó, báo cáo chính trị xác định CCHC, nâng cao chỉ số CCHC (PAR Index), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư của TPHCM là nhiệm vụ cần tập trung giải quyết tốt nhiệm kỳ tới. Cùng với việc tận dụng tối đa nguồn lực từ đất đai, việc tăng tỷ lệ ngân sách để lại cho TPHCM thì TPHCM vừa giải quyết được tình trạng thiếu hụt vốn mồi, vừa góp phần đầu tư các công trình trọng điểm, an sinh xã hội, còn làm đầu tàu thu hút vốn đầu tư khu vực tư nhân. Khi đó, TPHCM có điều kiện tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy vùng kinh tế TPHCM phát triển và đóng góp nhiều hơn cho cả nước.

Tin cùng chuyên mục