Mừng, lo sau những con số tỷ đô

Một báo cáo vừa được nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn Mua bán và Sáp nhập doanh nghiệp (M&A) Việt Nam công bố cho biết, thị trường M&A tại Việt Nam năm 2015 đã trở lại mốc kỷ lục 5,2 tỷ USD (được thiết lập từ năm 2012) và chỉ sau nửa đầu năm nay, giá trị các thương vụ M&A đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015. Dự báo, cả năm 2016, tổng giá trị của các giao dịch loại này có thể đạt 6 tỷ USD.

Trong đó, đáng lưu ý là sự xuất hiện các thương vụ M&A có giá trị lên tới hàng tỷ USD, tác động lớn đến nhiều ngành, nhiều thị trường và nền kinh tế nói chung. Có thể kể đến thương vụ Central Group mua lại BigC Việt Nam với giá 1,14 tỷ USD; Singha Asia Holdings Pte Ltd trở thành đối tác chiến lược của Masan sau khi bỏ ra tới 1,1 tỷ USD để mua 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33% cổ phần Masan Brewery; TCC hoàn tất mua Metro… Chủ tịch Tập đoàn Carlsberg, ông Cee’t Hart, mới đây không chỉ nêu rõ ý định nâng tỷ lệ sở hữu tại Habeco lên 30% mà còn toan tính mua cổ phần tại Sabeco. Bên cạnh lĩnh vực bán lẻ và bất động sản, một ngành được dự báo tạo ra đột phá cho M&A tại Việt Nam thời gian tới là viễn thông. Viettel tiếp tục đóng vai trò người đi mua và phát triển thị trường viễn thông tại các quốc gia trên thế giới. Chủ trương tái cấu trúc VNPT và đặc biệt là việc cổ phần hóa MobiFone cũng sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư.

Ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM, Trưởng nhóm nghiên cứu M&A, nhận định: “Cuối năm 2015 và đầu năm 2016 là khởi đầu của một nhiệm kỳ mới cùng với những động thái mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam về quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy kinh tế tư nhân, cải cách một số luật liên quan đến doanh nghiệp và đầu tư. Đó sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp trong và ngoài nước mạnh dạn hơn trong hoạt động M&A”. Nhìn từ một khía cạnh, việc thị trường phát triển sôi động chứng tỏ dòng chảy hội nhập của nền kinh tế đang rất nhanh và mạnh. Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, từ một khía cạnh khác, không phải không có cơ sở khi cũng có ý kiến lo ngại về nguy cơ các doanh nghiệp Việt bị thâu tóm, đặc biệt là trong lĩnh vực bán lẻ.

Hiện các nhà đầu tư nước ngoài đang chiếm đại đa số trong danh sách các thương vụ M&A có giá trị lớn. Trong tốp 10 thương vụ lớn nhất, có đến 9 thương vụ có mặt nhà đầu tư nước ngoài với vai trò là bên mua. Các thương vụ có nhà đầu tư nước ngoài tham gia phần lớn có quy mô từ 30 triệu USD đến trên 100 triệu USD, thậm chí là hàng tỷ USD. Trong khi đó, tuy chiếm tỷ lệ trên 60% số thương vụ, nhưng giá trị M&A của các doanh nghiệp nội lại nhỏ, chỉ quanh mức 5 triệu USD. Một trong những nguyên nhân, theo ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, là do trong khi các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng công cụ M&A khá dễ dàng thì các doanh nghiệp trong nước lại bị vướng nhiều bề.

Ngậm ngùi kể về thương vụ bất thành của Saigon Co.op nhằm mua lại BigC, ông Dũng cho biết, Saigon Co.op đã đi đến vòng cuối cùng, nhưng gặp khó khăn về thủ tục vì BigC cho rằng thương vụ có yếu tố nước ngoài nên đòi hỏi phía Saigon Co.op phải có giấy phép đầu tư nước ngoài; mà thủ tục này hiện khá phức tạp và không thể thực hiện trong một thời gian gấp rút như vậy. Quy trình cấp giấy phép đầu tư nước ngoài cần được cải thiện để các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Saigon Co.op nói riêng không phải chịu những bất lợi không đáng có - doanh nhân này đề nghị. Ông Dũng đặc biệt lưu ý, “ai nắm hệ thống, thị phần bán lẻ sẽ điều chỉnh được cấu trúc của nền kinh tế. Nhận thức này không chỉ được thừa nhận trong nước mà còn ở quốc tế”.

Dù một số chủ doanh nghiệp Việt Nam “bị” thâu tóm cho biết, họ đều được hưởng lợi từ các thương vụ này và cũng có đường đi nước bước riêng của mình, song khi một thương hiệu Việt đã quen thuộc, đã trở thành một phần niềm tự hào dân tộc nay về trong tay người ngoài, có trường hợp còn mất luôn cả tên gọi, người tiêu dùng Việt không khỏi bùi ngùi.

Gác qua một bên câu chuyện hơi có màu sắc tình cảm này, cơ quan quản lý nhà nước còn có một nỗi lo khác: thất thu thuế từ các thương vụ chuyển nhượng - nhiều khi được thực hiện cực kỳ dích dắc. Gần đây, cơ quan chức năng đã yêu cầu TCC Holdings báo cáo lại quá trình mua lại Metro Cash & Carry. Tương tự với khoản thu thuế chuyển nhượng BigC; được ước lượng lên tới 3.600 tỷ đồng… Khó khăn cho công tác quản lý, thu thuế nằm ở chỗ doanh nghiệp tuy kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam nhưng hoạt động chuyển nhượng lại diễn ra trên lãnh thổ nước khác; chưa kể việc các bên liên quan sử dụng các chiêu thức lách luật để nộp thuế thấp nhất. Chính vì thế, dù lạc quan trước sự phát triển của thị trường M&A, nhưng cũng cần bình tĩnh, thận trọng để ngân sách không bị thất thu, thương hiệu doanh nghiệp Việt - và xa hơn là thương hiệu quốc gia không bị thiệt hại.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục