Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng:

Muốn Quốc hội mạnh, từng ủy ban phải mạnh

Muốn Quốc hội mạnh, từng ủy ban phải mạnh

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác của Ủy ban Pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội (QH) khóa XI, ngày 26-11 tại Hà Nội, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã nhiệt liệt biểu dương những đóng góp quan trọng của Ủy ban Pháp luật vào thành tựu chung của QH trong nhiệm kỳ qua, đã không ngừng đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn cả về xây dựng luật pháp và giám sát, đồng thời vẫn bảo đảm được chất lượng, hiệu quả các mặt công tác.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, trong nhiệm kỳ tới QH phải tiếp tục đổi mới cả về tổ chức và hoạt động. Muốn QH mạnh thì từng ủy ban của QH phải mạnh. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động, các ủy ban của QH cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhau, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan của Chính phủ.

Muốn Quốc hội mạnh, từng ủy ban phải mạnh ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (thứ ba từ trái sang) với các đại biểu dự hội nghị.

Trong nhiệm kỳ QH khóa XI, dự thảo nghị quyết mà Ủy ban Pháp luật đã chủ trì thẩm tra tăng lên rất nhiều. Trong đó có Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Thi hành án, Bộ luật Hàng hải Việt Nam, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Luật Phòng chống tham nhũng...

Các báo cáo thẩm tra của ủy ban luôn thể hiện đúng đắn các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và nội dung các báo cáo đều có chất lượng tốt, có cơ sở thực tiễn, căn cứ pháp luật và khoa học, tạo điều kiện để QH, Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định.

Ủy ban Pháp luật cũng đã có nhiều cố gắng, triển khai công tác giám sát một cách toàn diện trên tất cả các mặt, tổ chức các đoàn giám sát việc thi hành pháp luật của các cơ quan tư pháp ở trung ương và địa phương; giám sát văn bản quy phạm pháp luật; giám sát việc giải quyết một số vụ án cụ thể; tham mưu cho các đồng chí lãnh đạo QH xử lý một số vụ việc phức tạp; nghiên cứu, xử lý, giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc lĩnh vực tư pháp; giám sát một số chuyên đề thuộc ủy ban phụ trách...

Ủy ban Pháp luật đã có nhiều kiến nghị với các cơ quan tư pháp trung ương, góp phần làm rõ, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong các cơ quan tư pháp khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình để hạn chế vi phạm pháp luật gây ra oan, sai; bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật. Nhiều kiến nghị của ủy ban đã được các cơ quan tư pháp tiếp thu, thực hiện, góp phần tích cực vào quá trình cải cách tư pháp, xây dựng nền tư pháp dân chủ, công khai, minh bạch.

Các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của QH, Luật Tổ chức QH trong đó có việc tách Ủy ban Pháp luật thành Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp của QH nhiệm kỳ sắp tới.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục