Năm 2023, Việt Nam có thể tăng trưởng 6,46%, lạm phát 4,39%

3 kịch bản tăng trưởng cho cả năm 2023 được nêu trong  Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023”, ở kịch bản cao nhất tăng trưởng đạt 6,46%.
Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Tại hội thảo công bố Báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cuối năm 2023”, do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức sáng 10-7, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM nêu ra 3 kịch bản tăng trưởng cho cả năm 2023.

Kịch bản 1 giả thiết các yếu tố kinh tế thế giới tiếp tục duy trì phù hợp với đánh giá của các tổ chức quốc tế, và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như nửa cuối các năm 2021-2022. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo đạt 5,34% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 5,64%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2023 tăng 3,43%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 9,1 tỷ USD.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết trong kịch bản 1 liên quan đến yếu tố kinh tế thế giới, song có một số điều chỉnh về nới lỏng tiền tệ và tài khóa tích cực hơn ở Việt Nam. Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 5,72% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 3,66%. CPI bình quân cả năm 2023 tăng 3,87%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 10,3 tỷ USD.

Kịch bản 3 giả thiết bối cảnh kinh tế thế giới có một số chuyển biến tích cực hơn (tăng trưởng phục hồi, gián đoạn chuỗi cung ứng đã giảm đáng kể, lạm phát ở Mỹ giảm, thời tiết thuận lợi hơn...) và sự quyết liệt trong cải cách và điều hành ở Việt Nam, qua đó giúp đạt kết quả tối đa về giải ngân/hấp thụ đầu tư công và tín dụng, cải thiện môi trường kinh doanh và năng suất lao động, thúc đẩy và thực hiện hoạt động đầu tư theo hướng hiệu quả hơn.

Theo đó, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,46% trong năm 2023. Xuất khẩu cả năm 2023 giảm 2,17%. CPI bình quân cả năm 2023 tăng 4,39%. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 6,8 tỷ USD.

“Tuy nhiên, Việt Nam cần phải có chút may mắn thì kịch bản 3 mới trở thành hiện thực. Mặt khác, ở kịch bản này, lạm phát lên tới 4,39% - vẫn thấp hơn mức “trần” mà Quốc hội cho phép là 4,5%”, ông Dương nói.

Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, kiến nghị định hướng, giải pháp chính sách liên quan. “Công thức” điều hành cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, gắn với cải cách nền tảng kinh tế vi mô (môi trường kinh doanh, cạnh tranh) trong nhiều năm qua. Những giải pháp cũ sẽ không còn đủ để giúp nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng trong trung và dài hạn, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra ngày 4-7, Bộ KH-ĐT đã dự báo bối cảnh, tình hình các tháng cuối năm, cập nhật kịch bản tăng trưởng quý 3 và cả năm 2023 với 2 kịch bản.


Kịch bản 1:
Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6%; tăng trưởng quý 3 đạt 6,8%, quý 4 đạt 9% (cao hơn lần lượt 0,3 điểm % và 1,9 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,0%.

Kịch bản 2: Tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%; tăng trưởng quý 3 đạt 7,4%, quý 4 đạt 10,3% (cao hơn lần lượt 0,9 điểm % và 3,2 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết 01/NQ-CP), tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.

Tin cùng chuyên mục