Nâng cao bản lĩnh chính trị người làm báo

85 năm qua, kể từ khi Báo Thanh niên - tờ báo cách mạng đầu tiên do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập - ra đời đến nay, báo chí cách mạng Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc về mọi phương diện. Đội ngũ những người làm báo nước ta không ngừng lớn mạnh và trưởng thành về nhiều mặt. Tính đến thời điểm này, cả nước đã có 706 cơ quan báo in, 528 tạp chí, 67 đài phát thanh và truyền hình, 33 báo điện tử và gần 200 trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp phép hoạt động. Hiện có trên 17.000 người được cấp thẻ nhà báo.

Những thành tựu đạt được và hạn chế yếu kém của báo chí nước ta đã được xác định rõ trong các nghị quyết, văn bản của Đảng và Nhà nước, gần đây nhất là trong bài phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan báo chí toàn quốc năm 2010. Theo đó, lực lượng hùng hậu của báo chí nước ta thời gian qua tiếp tục thể hiện rõ vai trò là bộ phận tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới; tuyên truyền, chuyển tải thông tin đầy đủ, phong phú, kịp thời tình hình trong nước cũng như đưa hình ảnh, thông tin tích cực về đất nước và con người Việt Nam ra nước ngoài, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Không ngừng nỗ lực sáng tạo, đổi mới, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, báo chí nước ta tiếp tục thể hiện rõ phẩm chất tốt đẹp của nền báo chí cách mạng và chuyên nghiệp. Hoạt động tuyên truyền báo chí, về cơ bản, đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, định hướng chính trị tư tưởng và dư luận, góp phần làm cho nhân dân nhận thức đúng tình hình, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và xu thế đi lên của đất nước ta.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, báo chí nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần nhận rõ và có giải pháp khắc phục kịp thời. Trong đó có những hạn chế, yếu kém kéo dài, đã được các cơ quan chỉ đạo, quản lý cũng như công chúng lưu ý, nhắc nhở nhiều lần nhưng chưa có sự chuyển biến tích cực, như: xu hướng thương mại hóa hoạt động báo chí vì lợi ích cục bộ của một số cơ quan báo chí; thiếu nhạy cảm và trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội; thông tin thiếu tầm nhìn bao quát và chiều sâu tư tưởng; ít tuyên truyền giới thiệu những yếu tố tích cực, những cách làm hay, kết quả tốt, những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực mà lại thiên về tô đậm những yếu kém, tiêu cực, mặt trái của xã hội, không phản ánh đúng thực tế cuộc sống, ảnh hưởng xấu đến tư tưởng và dư luận xã hội…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Nhưng nguyên nhân đầu tiên và cốt lõi nhất là do một số người làm báo vẫn còn yếu kém về nhận thức tư tưởng và bản lĩnh chính trị, chưa nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; không sâu sát, gần gũi thực tiễn cuộc sống của các tầng lớp nhân dân; bị lợi ích kinh tế đơn thuần chi phối… Nói gọn lại, có thể thấy rõ nguyên nhân của cả thành tựu và yếu kém của báo chí đều có liên quan trực tiếp đến nhận thức tư tưởng và bản lĩnh chính trị của người làm báo.

Chúng ta đã có khá nhiều bài học sâu sắc về vấn đề này. Không có nhận thức tư tưởng đúng đắn và bản lĩnh chính trị vững vàng, người làm báo rất dễ xa rời tôn chỉ mục đích của báo, rất dễ ngộ nhận, sai lầm trong thông tin với những tin bài hình ảnh, tưởng là mới lạ độc đáo, nhưng kỳ thực đã gây bất lợi cho công tác đối nội đối ngoại, gây khó khăn thậm chí làm thiệt hại cho doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng. Có được bản lĩnh chính trị vững vàng, người làm báo có thể xử lý hài hòa, chuẩn mực các mối quan hệ giữa tính định hướng và tính cạnh tranh trong thông tin, giữa cái báo có và cái bạn đọc cần, giữa tính phát hiện và sự chuẩn xác trong thông tin… Làm được như vậy, báo chí không chỉ là một bộ phận quan trọng, đi tiên phong trong công tác tư tưởng của Đảng mà còn có vai trò góp phần tích cực vào việc giải quyết có hiệu quả các vấn đề bức xúc của đất nước.

Trong thời đại bùng nổ thông tin, báo chí cạnh tranh gay gắt như hiện nay, ngoài trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp, hơn lúc nào hết, càng đòi hỏi mỗi người làm báo phải không ngừng nâng cao nhận thức tư tưởng và bản lĩnh chính trị mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ cao cả của mình. Trong đó, việc tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận, báo chí trong tình hình mới, các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với công tác báo chí là một yêu cầu cấp thiết. Bản lĩnh chính trị của người làm báo sẽ được trui rèn trong quá trình tác nghiệp, nhưng quan trọng hơn là nó phải có gốc rễ từ lòng yêu nước nhiệt thành và tinh thần công dân gương mẫu. Có được nền tảng đó, người làm báo sẽ không băn khoăn do dự khi đặt lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng lên trên hết trong mọi hoàn cảnh.

Nguyên Tân

Tin cùng chuyên mục