
3 cấp độ năng lực cạnh tranh xuất khẩu là năng lực cạnh tranh ở cấp quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Không cần phải bàn luận gì nhiều, trước những áp lực mới trong hội nhập khu vực và quốc tế, việc tăng cường năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế là cần thiết. Và như vậy, ở mỗi vị trí phải làm tốt nhiệm vụ của mình mới có thể phát huy tổng lực, bổ trợ cho nhau phát triển bền vững.

Ở cấp độ quốc gia, các chính sách nhằm khuyến khích và huy động hiệu quả mọi nguồn lực trong nhân dân cho mục tiêu phát triển xuất khẩu là cần thiết. Do vậy, việc cải tiến thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, phát huy vai trò và trách nhiệm của các cơ quan ngoại giao và đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là Thương vụ Việt Nam trong việc cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường.
Việc xúc tiến thương mại hiện nay còn quá dàn trải, thiếu sự xuyên suốt và lâu dài nên chưa mang lại hiệu quả. Đồng thời, cấp quốc gia cũng phải tập trung phát triển thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch thương mại; thiết lập mạng thông tin thương mại đến các trung tâm kinh tế vùng, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, kho gửi hàng, sàn giao dịch… để cung cấp thông tin thị trường, giá cả cho người mua bán.
Ở cấp quốc gia còn là việc thực hiện tốt quy hoạch phát triển tổng thể thương mại Việt Nam, nhanh chóng hoàn thiện phát triển kết cấu hạ tầng thương mại như hệ thống kho tàng, bến bãi, chợ, trung tâm thương mại, siêu thị… Đồng thời, chuẩn bị nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển mới, tạo cơ chế thu hút đầu tư phát triển thị trường.
Về phía doanh nghiệp, cần chủ động tận dụng các cơ hội và sự giúp đỡ của Chính phủ tìm kiếm và phát triển thị trường mới; tập trung đầu tư và quản lý sản xuất để hàng hóa có sức cạnh tranh, đảm bảo chất lượng, giá cả thời gian giao hàng. Doanh nghiệp không ngừng đổi mới công nghệ và thiết bị để mở rộng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và không ngừng đổi mới các sản phẩm qua thiết kế mẫu mã, thay đổi bao bì, quảng bá sản phẩm.
Từ nỗ lực của doanh nghiệp tạo nên uy tín cho thương hiệu của mình, cũng là hỗ trợ phát triển cấp độ sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, thực hiện chuyển dịch cơ cấu mặt hàng phù hợp với yêu cầu thị trường. Không chỉ là hàng hóa bán được, sản phẩm xuất khẩu còn cần được nâng cao giá trị gia tăng, do vậy sản phẩm phải có thương hiệu, có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Công việc xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp và sản phẩm đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao, phải có các chuyên gia về marketing, các chuyên gia về bán hàng…
Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, giày dép, đồ gỗ… hiện nay chủ yếu là làm gia công, giá trị gia tăng trong sản phẩm thấp. Nếu doanh nghiệp là tốt công tác thị trường, xây dựng được thương hiệu sản phẩm có thể chuyển qua sản xuất mua đứt bán đoạn, thậm chí từng bước xuất khẩu sản phẩm dưới thương hiệu của chính doanh nghiệp sẽ mang lại giá trị gia tăng hơn, mang lại kim ngạch xuất khẩu tốt hơn, cân bằng lại cán cân xuất nhập khẩu, tạo nên tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, chất lượng tăng trưởng tốt.
HOA LÊ