Dư luận chưa hết bàng hoàng về vụ cháy ở chung cư 18 tầng tại Hà Nội thì ngày 11-3 một vụ cháy lại xảy ra tại một cơ sở sản xuất ở Bình Dương làm 7 người chết thảm. Nhiều năm trước, dư luận đã bàng hoàng trước những hậu quả khủng khiếp từ các vụ cháy lớn, trong đó không thể không nhắc đến vụ các vụ cháy ở ITC (TPHCM), chợ Nghệ (Sơn Tây), ga Giáp Bát (Hà Nội)...
Cứ sau mỗi vụ cháy xảy ra, cùng với việc khắc phục hậu quả, bao giờ cũng có sự mổ xẻ, điều tra làm rõ nguyên nhân gây cháy và truy cứu trách nhiệm những người có liên quan. Một trong những nguyên nhân chủ yếu luôn được nhắc tới trong hàng loạt vụ cháy là sự bất cẩn, ý thức chấp hành quy định PCCC của người dân chưa nghiêm túc. Đáng trách hơn, một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp còn chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm đến công tác PCCC.
Sau những vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều bị cáo đã phải đứng trước vành móng ngựa. Thế nhưng sau các phiên tòa, những nỗi đau và hậu quả gây ra từ thảm họa này vẫn tái diễn. Điều đáng lưu ý là những thảm họa như thế luôn được cảnh báo trước nhưng dường như nó vẫn là những cảnh báo suông, không được xem xét một cách nghiêm túc.
Phải chăng các hành vi vi phạm quy định phòng chống cháy nổ chưa bị xử phạt một cách thỏa đáng nên không đủ sức răn đe? Một con số khiến nhiều người giật mình: Số liệu của Sở Cảnh sát PCCC TPHCM cho thấy, từ ngày 1-1-2010 đến nay, trên địa bàn TPHCM xảy ra trên 36 vụ cháy, làm 2 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính gần 40 tỷ đồng. Nghĩa là cứ 2 ngày lại xảy ra cháy.
Theo nhận định của Sở Cảnh sát PCCC, hiện nay tình hình cháy trên cả nước và TPHCM diễn biến phức tạp. Đáng lưu ý, nơi thường xảy ra cháy nhiều nhất là khu dân cư, các hộ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cá thể nằm xen kẽ trong khu dân cư. Những “thùng thuốc nổ” này đang chực chờ phát hỏa, đe dọa tính mạng của nhiều người dân. Thời tiết chuyển sang mùa hanh khô càng tạo ra yếu tố tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Để hạn chế tối đa các vụ cháy trong thời gian tới, nhiều giải pháp được đề ra, trong đó giải pháp chủ yếu vẫn là tăng cường các biện pháp phòng cháy. Và quan trọng nhất, hàng đầu vẫn là ý thức và trách nhiệm của người dân, các doanh nghiệp về công tác PCCC, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và chủ hộ gia đình.
Để hạn chế nguy cơ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng cho gia đình và xã hội, cần có sự vào cuộc tích cực và trách nhiệm của cả cộng đồng. Mỗi người phải luôn ý thức: chỉ một phút lơ là, một chút bất cẩn, hậu quả sẽ khó lường. Ngành chức năng và các cơ quan, đơn vị cần tăng cường tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy; xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy tại chỗ với đầy đủ vật tư, phương tiện và lực lượng.
Đối với các hộ gia đình, cần trang bị kiến thức và phương tiện phòng cháy chữa cháy; thường xuyên kiểm tra hệ thống thiết bị điện, bếp đun, khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy. Cuối cùng vẫn là sức mạnh và sự nghiêm minh của pháp luật. Cần xử lý mạnh để ngăn chặn hiệu quả những hành vi vi phạm các quy định về PCCC, gây cháy nổ làm tổn thất nặng nề cho tính mạng và tài sản người dân!
THẢO NGUYÊN