Trong thời gian qua, công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đã có nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, cũng có không ít văn bản quy phạm pháp luật đã có hiệu lực, nhưng lại không áp dụng chế tài được các hành vi vi phạm; một số văn bản luật có nội dung rất tiến bộ, nhân văn nhưng lại xa vời thực tế hoặc không khả thi.
Thí dụ, hút thuốc lá nơi công cộng là hành vi vi phạm Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và Nghị định 176 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, thế nhưng qua 2 năm thực thi vẫn không xử phạt được người vi phạm. Đó là do số người vi phạm đông, diễn ra trên địa bàn rộng, để xử phạt được phải bắt tận tay. Theo quy định, có nhiều lực lượng để xử phạt, nhưng không có lực lượng nào chuyên trách để giám sát, xử phạt hành vi hút thuốc nơi công cộng.
Một số quy định pháp luật về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật và phụ nữ, thể hiện rất rõ tính nhân văn, nhưng cũng bị vô hiệu vì không có lực lượng nào chuyên trách để giám sát, xử phạt hành vi vi phạm. Một số quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... cũng gặp tình trạng như vậy.
Thực tế nêu trên có nguyên nhân trước hết là do việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật có khi nặng về lý thuyết và thiếu tính thực tiễn; lấy ý kiến đóng góp của người dân nhưng làm sơ sài, thiếu toàn diện. Thông thường các dự thảo văn bản luật do chính các cơ quan quản lý nhà nước ở các lĩnh vực liên quan xây dựng, nên khó tránh được khuynh hướng phiến diện, chú trọng tạo thuận lợi cục bộ cho việc quản lý, hơn là dựa trên các cơ sở thực tiễn vững chắc và xây dựng cơ chế thoáng để mang lại lợi ích tốt nhất cho xã hội. Đa số đại biểu Quốc hội không chuyên trách nên chất lượng làm luật cũng có những hạn chế nhất định. Do thiếu tính ổn định, thiếu chặt chẽ và thiếu tiên liệu nên có nhiều luật vừa mới ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc phó thác việc hướng dẫn thực thi các điều luật cho các văn bản dưới luật của các bộ, ngành quản lý nhà nước.
Nguyên nhân thứ hai, là do sự bất cập của công tác thực thi pháp luật. Mặc dù luật đã có quy định cụ thể, thiết thực, nhưng công tác thực thi pháp luật lại không thể áp dụng được trên thực tế, vì thiếu sự đồng bộ, hợp lý và khoa học trong cách phân công, phân nhiệm và cách tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Trở lại chuyện xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, luật giao trách nhiệm cho chính quyền, thanh tra, công an địa phương, nhưng lẽ nào mỗi địa phương lại phải tổ chức ra một lực lượng chuyên trách việc này để hàng ngày đi tuần tra ở các công viên, bệnh viện, nhà ga để phạt người hút thuốc lá. Nhưng không thể vì vậy mà không quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Vấn đề là làm cách nào?
Lâu nay bộ máy công an được tổ chức đến địa bàn phường - xã chủ yếu quản lý hành chính về trật tự xã hội, đến nay mô hình này còn phù hợp với xã nông thôn, nhưng đã bất cập với các đô thị lớn. Thể hiện rõ là khó quản lý, xử lý vi phạm ở các địa bàn giáp ranh giữa các phường, các quận; có nhiều lực lượng khác chồng chéo nên trách nhiệm không rõ ràng. Cách quản lý hộ khẩu, kiểm tra tạm trú - tạm vắng đã không còn phù hợp. Có ý kiến đề cập mô hình cảnh sát tuần tra trên tất cả các tuyến đường, để giám sát, phát hiện vi phạm và tiếp nhận ngay chỉ đạo từ ban chỉ huy về mọi trường hợp người dân thông tin phát hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc cần ứng cứu.
Như vậy cảnh sát tuần tra sẽ là lực lượng chủ lực để bảo đảm hữu hiệu cho việc thực thi pháp luật về trật tự giao thông, trật tự xã hội và bảo vệ người dân ở đô thị. Thấy một em bé bị bạo hành, một người già bị té trên phố, hay thấy kẻ trộm cướp, một người hút thuốc, phóng uế, xả rác nơi công cộng, người dân đều gọi ngay cho lực lượng này để bảo vệ pháp luật và bảo vệ người dân.
Rõ ràng thực tiễn đang đòi hỏi nâng tính khả thi, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả của các văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở xác định rõ quan điểm khả thi cho dân và khả thi vì dân, để xây dựng văn bản quy phạm pháp luật sát hợp thực tiễn, mang lại lợi ích tốt nhất cho xã hội. Các cơ quan thực thi pháp luật phải tổ chức thi hành các quy định pháp luật với ý thức trách nhiệm và biện pháp hữu hiệu hơn.
HUỲNH THANH LUÂN