Náo nức trước ngày hội

Chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Chúng tôi đã gặp gỡ những gương mặt khá đặc biệt. Họ thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo khác nhau nhưng đều chung tâm trạng náo nức trước ngày hội non sông.
Náo nức trước ngày hội

Chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Chúng tôi đã gặp gỡ những gương mặt khá đặc biệt. Họ thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo khác nhau nhưng đều chung tâm trạng náo nức trước ngày hội non sông.

Cử tri người Chăm ở phường 15, quận Phú Nhuận theo dõi danh sách các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND TP. Ảnh: HOÀI NAM

Cử tri người Chăm ở phường 15, quận Phú Nhuận theo dõi danh sách các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND TP. Ảnh: HOÀI NAM

Nguyễn An Lành (19 tuổi, sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM) báo tin vui: “Em vừa nhận thẻ cử tri, lần đầu tiên được đi bầu cử, em thật sự xúc động. Mấy ngày nay ở trường em, sinh viên cứ hỏi nhau: Đã nhận thẻ cử tri chưa? Bạn định bỏ phiếu cho ai?...”.

Không khí chuẩn bị cho ngày bầu cử đã lan tỏa đến mọi người, mọi nhà. Nguyễn Thị Việt Thắng (ngụ số 115/26 đường Lê Văn Sỹ, phường 1, quận Tân Bình) không giấu được tâm trạng bồi hồi: “Lần đầu tiên được thực hiện quyền công dân, em không khỏi hồi hộp và bỡ ngỡ. Rất may là mấy ngày qua, em được Quận đoàn Tân Bình phổ biến Luật Bầu cử và được tiếp xúc với các ứng cử viên (ƯCV) nên em đã tự tin hơn. Em thấy các ƯCV đều xứng đáng nhưng em sẽ ủng hộ các ƯCV trẻ…”.

Cùng chung tâm sự với Việt Thắng, Đoàn Nguyễn Thị Hoàng Anh (21 tuổi ngụ tại 45/7/5 đường Trần Thái Tông, quận Tân Bình) cảm nhận sâu sắc: “Vai trò của mỗi cử tri sẽ rất quan trọng, phải cân nhắc kỹ để chọn ra những người có đức, có tài”. Với Phan Thị Hồng Gấm (21 tuổi, ngụ tại 108 đường Trần Văn Quang, quận Tân Bình) thì công tác bầu cử không xa lạ lắm, vì nhiệm kỳ trước cô đã từng tham gia tổ bầu cử tại khu phố. Tuy nhiên, nay đến lượt mình là cử tri “chính hiệu”, cô bộc bạch: “Lần trước, lúc đó em mới 17 tuổi nên chưa được trực tiếp đi bầu. Đây là lần đầu tiên nên vinh dự và hồi hộp lắm”.

“… Ngày 22-5 tới đây là ngày bầu cử Quốc hội và HĐND TP khóa VIII, mong anh chị em trong giáo xứ đi bầu đông đủ. Là người con của Chúa, mỗi người hãy chu toàn bổn phận công dân của mình”, giọng linh mục Đinh Ngọc Lễ, Chánh xứ nhà thờ Giáo xứ Hà Nội (phường 13, quận Gò Vấp) cất lên… Gặp chúng tôi ngay sau thánh lễ, linh mục Đinh Ngọc Lễ vui vẻ nói: “Những ngày qua, không khí của ngày bầu cử đã tràn ngập trong các xóm đạo. Ai nấy đều mong muốn được làm tròn bổn phận công dân của mình đối với đất nước”.

Tại Giáo xứ Vinh Sơn (phường 6, quận Tân Bình), từ ngày 15-5, tại các thánh lễ diễn ra trong ngày, giáo dân đều được nghe các linh mục phổ biến ngày, giờ và địa điểm diễn ra cuộc bầu cử. Có linh mục còn giới thiệu các ƯCV trong đơn vị bầu cử để giáo dân hiểu và quyết định bầu chọn người đại biểu xứng đáng đại diện cho giới của mình.

Nhằm tạo điều kiện để bà con giáo dân đi bầu đông đủ và sớm nhất, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ Vinh Sơn đã kiến nghị và được Ủy ban Bầu cử TP chấp thuận cho đặt một điểm bỏ phiếu ngay tại sân chính nhà thờ (Tổ bầu cử số 52). Giờ cử hành thánh lễ buổi sáng trong ngày bầu cử cũng được dời lại 1 tiếng đồng hồ để bà con giáo dân đi làm nghĩa vụ công dân của mình trước.

Trong khi đó, không khí của những ngày trước bầu cử năm nay lại trùng với các hoạt động mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2555. Trong số 28 xe hoa diễu hành toàn TP trong ngày lễ Phật đản, nhiều xe hoa của các quận huyện được trang hoàng bích chương, biểu ngữ cổ động cho ngày bầu cử.

Tại các khu xóm có đông đồng bào Chăm theo đạo Hồi của phường 15, 17 (quận Phú Nhuận), không khí trước ngày bầu cử cũng không kém phần náo nhiệt. Cử tri đều rất phấn khởi vì cuộc bầu cử Quốc hội lần này, lần đầu tiên có đại diện người Chăm và cộng đồng Hồi giáo ra ứng cử.

Ông Mach Dares Samael, Trưởng Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo TPHCM cho biết: “Tín đồ Hồi giáo luôn gắn trách nhiệm và bổn phận công dân của mình với việc tham gia vào các hoạt động có lợi cho cộng đồng và đất nước. Cuộc bầu cử là dịp tốt nhất để mỗi tín đồ thể hiện tinh thần này”.

Tại quận 10, do đặc thù là địa phương đang tiến hành đền bù, giải tỏa chung cư xuống cấp và xây dựng các chung cư mới, tình hình biến động nhân khẩu đã ảnh hưởng trực tiếp đến số cử tri của quận. Điều đáng mừng là phần đông bà con đều muốn trở về địa phương nhận thẻ cử tri và bầu tại địa phương vào ngày 22-5-2011. Quận 10 cũng đang xác định lại danh sách phạm nhân tại nhà tạm giữ Công an TPHCM để đề nghị cấp thẻ cử tri cho những người đủ tư cách tham gia bầu cử.

H.Nam - M.Ngọc - Đ.Hiệp

Tin cùng chuyên mục