Đã có nhiều đánh giá về nền kinh tế Việt Nam sau 20 năm đổi mới. Nào là cường quốc kinh tế khu vực, nào là con hổ mới nổi. Nhưng có lẽ đánh giá của Tạp chí The Economist (Anh) số mới ra gần đây gây được sự chú ý nhiều nhất. Theo The Economist, nền kinh tế VN phát triển nhanh chóng gây ấn tượng mạnh đối với thế giới nhưng đầy tính nhân bản.
Mặc dù vẫn còn là một nước nghèo ở châu Á nhưng sự phát triển của VN mang tính nhân bản cao hơn hẳn, với số người thoát khỏi đói nghèo hơn gấp đôi so với con số trung bình trong khu vực. Về mặt này VN đã vượt qua Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines. Việt Nam cũng được đánh giá cao hơn Thái Lan trong vấn đề tăng tuổi thọ và giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.
The Economist cũng khẳng định triển vọng của VN rất sáng sủa, mặc dù trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn.
Về thành tựu xóa đói giảm nghèo của ta tưởng cũng nên nhắc lại đánh giá của Liên hợp quốc: VN đã làm khá tốt việc xóa đói giảm nghèo, một mục tiêu của Chương trình thiên niên kỷ mà VN đã cam kết thực hiện và có thể hoàn thành mục tiêu này trước thời hạn quy định – năm 2015. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan còn khẳng định: VN đã nêu một điển hình tốt cho các nước đang phát triển về công cuộc chống đói nghèo.
Đạt được kết quả này là do chúng ta đã cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế và các vấn đề xã hội, cố gắng thu hẹp khoảng cách giảm nghèo giữa các tầng lớp dân cư, khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa đô thị với nông thôn, miền núi bằng hàng loạt chương trình quốc gia, như chương trình giải quyết việc làm, chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng như đường sá, kênh mương thủy lợi, trường học, bệnh xá…
Thế giới đánh giá cao thành tựu xóa đói giảm nghèo của ta. Tuy nhiên, đừng vì thế mà chúng ta lại mắc vào căn bệnh chủ quan. Bởi vì tỷ lệ số hộ nghèo ở nước ta hiện nay vẫn còn cao, nhất là ở vùng núi, vùng nông thôn xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây. Món nợ này đối với dân chúng ta còn phải trả
MINH THÔNG