

Chính phủ có Nghị quyết về phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người(H5N1), nhưng ở các địa phương, công tác chỉ đạo về vấn đề này vẫn còn chậm, chưa quyết liệt và thiếu hiệu quả
Sáng 19-11-2005, tại Hà Nội, Thủ tướng Phan Văn Khải và các Phó Thủ tướng: Nguyễn Tấn Dũng, Vũ Khoan, Phạm Gia Khiêm đã họp với lãnh đạo các bộ, ngành để bàn thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch cúm gia cầm và bệnh cúm A (H5N1) ở người.
Theo những thông tin mới nhất cho thấy, tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến rất phức tạp, có chiều hướng lan rộng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam theo thống báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(Bộ NN & PTNT), từ 01-10-2005 đến 16-11-2005, dịch cúm gia cầm đã xảy ra ở 96 xã, phường thuộc 57 huyện, thị xã của 14 tỉnh và thành phố trong cả nước.
Tổng số gia cầm mắc bệnh và chết là 31.120 con, số gia cầm tiêu huỷ là 577.499 con. Về tình hình mắc bệnh cúm A (H5N1) trên người, theo Bộ tế: Từ đầu năm đến nay đã ghi nhận 65 trường hợp mắc tại tại 25 tỉnh, thành phố, trong đó có 22 trường hợp tử vong. Tính từ trường hợp mắc cúm A (H5N1) đầu tiên tại Việt Nam (tháng 12-2003) đến nay đã ghi nhận 92 trường hợp mắc tại 32 tỉnh, thành phố, trong đó có 42 trường hợp tử vong. Kể từ ngày 24-10-2005 đến nay không ghi nhận trường hợp mắc mới. Cũng theo Bộ Y tế: Trong những tháng mùa Đông - Xuân tới, nguy cơ gia tăng số trường hợp mắc cúm A (H5N1) là rất cao.
Sau khi các thành viên Chính phủ báo các kết quả kiểm tra việc phòng chống dịch cúm gia cầm tại các địa phương, Thủ tướng Phan Văn Khải phát biểu kết luận cuộc họp. Thủ tướng nhận xét: Mặc dù Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị, Chính phủ có Nghị quyết về phòng chống dịch cúm gia cầm và đại dịch cúm ở người(H5N1), nhưng ở các địa phương, công tác chỉ đạo về vấn đề này vẫn còn chậm, chưa quyết liệt và thiếu hiệu quả.
Dịch cúm gia cầm vẫn bùng phát và ngày càng nghiêm trọng. Nếu dịch cúm gia cầm không được ngăn chặn kịp thời, thì nguy cơ xảy ra đại dịch ở người đối với nước ta là rất lớn. Thủ tướng nhấn mạnh: Nếu để xảy ra đại dịch thì sẽ là đại họa của đất nước. Sau cuộc họp này, các bộ, ngành và các địa phương phải triển khai nghiêm túc các biện pháp phòng chống, trên cơ sở thực hiện đồng bộ, có kiểm tra, đôn đốc và phê bình nghiêm khắc những nơi không làm tốt.
Thủ tướng đề nghị một số giải pháp như: Triển khai tiêm Vắcxin cho toàn bộ đàn gia cầm, phải làm triệt để và đúng quy trình. Tổ chức mạng lưới giám sát về thú y đến tận cơ sở, thôn, làng, bản để phát hiện dịch kịp thời. Trên nguyên tắc bảo vệ tính mạng con người là quan trọng nhất, nên nơi nào xảy ra dịch cúm gia cầm, phải tiến hành bao vây, dập tắt ngay, không để lây lan; đi cùng đó là tiêu diệt toàn bộ đàn gia cầm trong địa bàn làng, thôn, bản đó. Cơ quan thú y hướng dẫn nhân dân về quy trình tiêu độc, khử trùng, không được để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường. Từng bước hình thành hệ thống giết mổ tập trung và hiện đại ở nước ta.
Thời gian tới, Bộ NN & PTNT, các địa phương khuyến khích mô hình chăn nuôi gia cầm tập trung, kết hợp với giám sát về thú y. Trước mắt, Bộ NN & PTNT cần hướng dẫn nhân dân chuyển hướng chăn nuôi để ổn định sản xuất. Tạm thời, trên phạm vi cả nước phải nghiêm cấm việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm từ địa phương này sang địa phương khác; tại các cửa khẩu biên giới không được cho nhập khẩu gia cầm.
Tại cuộc họp, Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế: Chủ động chuẩn bị đầy đủ về thuốc, cũng như các thiết bị y tế cần thiết để phòng khi xảy ra đại dịch. Việc cứu người là quan trọng hàng đầu, nên lượng thuốc dự trữ cần được bố trí sẵn ở những cơ sở của Bộ Y tế, tại các bệnh viện và các địa phương. Theo Thủ tướng: Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm hàng tuần cần giao ban để nắm tình hình dịch bệnh và triển khai hỗ trợ kịp thời cho các địa phương.
V.Q (Theo TTXVN)