Theo Phó Tổng KTNN Đoàn Xuân Tiên, bên cạnh những mặt tích cực mà khu vực FDI mang lại vẫn tồn tại những tiêu cực đã và đang ảnh hưởng đáng kể đến nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước. Có nhiều nguyên nhân nhưng phải kể đến hành vi “chuyển giá”.
Đơn cử như tại TPHCM, có tới gần 60% trong số hơn 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. “Điều bất hợp lý là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng nhiều doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Hơn nữa, trong khi doanh nghiệp FDI báo lỗ thì hầu hết các doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi, nhất là trong lĩnh vực may mặc, giày da”, ông Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh. Cũng theo đại diện KTNN, thực trạng trên đã và đang khiến FDI ở Việt Nam thành “đầu voi đuôi chuột” khi số vốn, số doanh nghiệp đăng ký hoạt động rất nhiều song đóng góp thực chất của dòng vốn FDI này cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế lại không nhiều.
Trong khi đó, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đánh giá, FDI vẫn là mảng sáng, là động lực phát triển quan trọng và ổn định trong hơn 3 thập niên qua ở Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong việc thu hút và sử dụng FDI đến nay Việt Nam vẫn chưa khắc phục được như: hiện tượng chuyển giá; doanh nghiệp FDI sử dụng máy móc, thiết bị cũ, công nghệ lạc hậu gây nên tình trạng tiêu hao nhiều năng lượng; một số doanh nghiệp FDI lợi dụng sơ hở của cơ quan quản lý gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường…
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, các chuyên gia đề nghị cần bổ sung các quy định để KTNN thông qua hoạt động kiểm toán đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả của nguồn vốn đầu tư FDI, cung cấp thông tin cho Chính phủ và Quốc hội, đưa ra các kiến nghị sửa đổi văn bản pháp luật, giúp cải thiện hệ thống pháp lý, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút nguồn vốn đầu tư FDI để phù hợp với giai đoạn hiện nay.