Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong lĩnh vực bán lẻ những năm gần đây do quy mô dân số lớn với hơn 96 triệu người (theo số liệu mới nhất năm 2019), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18 - 50).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được World Bank đưa ra dự báo là chi tiêu hộ gia đình sẽ tăng trung bình 10,5%/năm, đi kèm tốc độ gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các kênh bán lẻ kỹ thuật số và thương mại điện tử cũng rất đáng lưu tâm trong thời gian tới.
Khảo sát người tiêu dùng và chuyên gia cho thấy, hiện các nhà bán lẻ nội địa đang được người tiêu dùng đánh giá cao bởi sự đa dạng về hàng hóa, chất lượng của sản phẩm và khâu hậu mãi, chăm sóc khách hàng. Những tên tuổi bán lẻ nội địa có thể kể tới như Saigon Co.op, Vinmart, Thế giới di động…
Các nhà bán lẻ này đã rất nỗ lực khi liên tục đưa vào hoạt động các điểm bán mới trên khắp cả nước, đồng thời luôn tìm tòi, nghiên cứu để đưa ra các hình thức kinh doanh mang đến sự trải nghiệm mới mẻ cho khách hàng.
Đánh giá về triển vọng trong giai đoạn sắp tới, nhiều ý kiến cho rằng ngành bán lẻ sẽ tiếp tục phát triển. Lý do, theo quy hoạch của Bộ Công thương, đến năm 2020, cả nước sẽ phát triển lên 1.200 - 1.300 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Đây sẽ là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ.