Ngành chế biến lương thực tăng tốc

Theo Sở Công thương TPHCM, tăng trưởng ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống 7 tháng ước giảm 4,5% (cùng kỳ tăng 1,2%). Nguyên nhân là do phân ngành sản xuất đồ uống chịu tác động mạnh của dịch Covid-19 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ trong 2 quý đầu năm 2020, chỉ số sản xuất ngành đồ uống 7 tháng còn giảm 12,8% so cùng kỳ năm 2019.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm lên phương án tăng cường sản xuất
Nhiều doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm lên phương án tăng cường sản xuất

Ngành sản xuất chế biến thực phẩm chỉ số sản xuất 7 tháng ước tăng 0,3% so cùng kỳ. Các DN cho biết, sức tăng của ngành chế biến thực phẩm thấp là do lượng hàng tồn kho trong DN còn khá lớn, khoảng 30% - 60%. Trong đợt chống dịch trước đây, để thị trường tiêu dùng không rơi vào tình trạng khan hiếm hàng hóa, đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu dùng tăng đột biến từ người dân, nhiều DN đã phải tăng công suất sản xuất lên gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần bình thường.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo doanh nghiệp tăng lượng hàng tồn kho ít nhất lên 40%. Do vậy, ngay khi dịch bệnh được kiểm soát, sức mua thị trường cũng giảm, dẫn đến giải lượng hàng tồn kho cũng tồn đọng nhiều. Thực tế này đã buộc DN giảm công suất sản xuất, đồng thời tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu (sau một thời gian tập trung cung ứng cho thị trường nội địa).

Theo ý kiến nhiều DN, do đã có kinh nghiệm sản xuất cũng như trong đợt chống dịch lần trước nên các DN cũng đang phối hợp chặt chẽ với các hệ thống phân phối, bán lẻ để bám sát nhu cầu tiêu dùng trên thị trường. Trường hợp nhu cầu tăng đột biến thì sẽ đẩy mạnh sản xuất, đồng thời cung ứng kịp thời hàng hóa, tránh để kệ hàng bị trống, gây tâm lý lo thiếu hụt hàng hóa thiết yếu cho người dân. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, hiện người dân không còn tâm lý hoang mang và mua hàng trữ nhiều như trước đây, nên sức mua trên thị trường có tăng nhưng không đáng kể.

Tin cùng chuyên mục