Ngành du lịch kêu cứu vì... thiếu "nhạc trưởng" - Khó giảm giá vé máy bay

Loạt bài Ngành du lịch kêu cứu vì… thiếu “nhạc trưởng” đăng trên Báo SGGP từ ngày 9 đến 13-11, phản ánh một trong những nguyên nhân khiến ngành du lịch bị sụt giảm mạnh thời gian gần đây là do giá vé máy bay quá cao. Ông Đinh Việt Thắng (ảnh), Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), đã trao đổi với PV Báo SGGP xoay quanh nội dung này.
Hành khách đáp chuyến bay xuống sân bay Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: THANH HẢI
Hành khách đáp chuyến bay xuống sân bay Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Ảnh: THANH HẢI

PHÓNG VIÊN: Theo Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, hiện mỗi ngày có 20-25 chuyến bay tới đảo, trong đó có 3-4 chuyến bay quốc tế, chỉ bằng 50% cùng kỳ năm trước. Vì sao số chuyến bay đến đảo Phú Quốc lại giảm mạnh như vậy, thưa ông?

* Ông ĐINH VIỆT THẮNG: Lý do khách du lịch nội địa đến Phú Quốc năm 2023 giảm là do du lịch ra nước ngoài phục hồi và tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế trong nước chưa đạt tăng trưởng như mục tiêu và kỳ vọng, người dân phải cân nhắc việc cắt giảm chi tiêu cho hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng. Nhu cầu đến Phú Quốc của hành khách giảm nên các hãng hàng không buộc phải điều chỉnh kế hoạch khai thác để phù hợp, đảm bảo hiệu quả khai thác đội bay. Tính đến hết tháng 9, tổng lượng khách thông qua Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đạt xấp xỉ 3,4 triệu khách, giảm 25% so cùng kỳ 2022.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam

Số chuyến bay giảm trong khi giá vé tới Phú Quốc lại tăng rất cao. Trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, giá vé chặng Hà Nội - Phú Quốc đang được bán ở mức 6-9 triệu đồng/vé khứ hồi...

* Hiện tại, giá dịch vụ hành khách trên các đường bay nội địa được điều chỉnh theo Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT của Bộ GTVT. Đường bay Hà Nội - Phú Quốc có độ dài lớn nhất trong hệ thống các đường bay nội địa Việt Nam, có chi phí cao nhất, nên khung giá trên đường bay này cũng cao nhất so với các đường bay khác.

Không chỉ đi Phú Quốc, giá vé máy bay nội địa trong thời gian qua cũng “neo” ở mức cao. Dịp tết, nhiều chặng giá đang rất cao, ông có thể lý giải về điều này?

* Giá vé máy bay được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với nhiều dải giá tùy tình hình thị trường, điều kiện vé, thời điểm xuất vé… Đối với thị trường nội địa, các hãng HKVN đang tuân thủ khung giá vận chuyển, không bán vé quá giá trần quy định. Tuy nhiên, giá vé máy bay đi lại phụ thuộc vào quy luật cung/cầu. Vào dịp cao điểm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao và dồn vào những ngày và khung giờ đẹp, dẫn đến giá cao. Bên cạnh đó, do tính chất đặc thù khai thác lệch đầu vào dịp cao điểm, các hãng phải tăng giá vé chiều đông khách bù đắp cho chặng bay cả hai chiều. Dự kiến, mặt bằng giá vé Tết 2024 vẫn tương đương năm 2023.

Nếu so sánh giá vé máy bay nội địa với các hãng trong khu vực thì mức giá vé tính theo kilômet tại Việt Nam vẫn khá thấp. Ví dụ như chặng Hà Nội - TPHCM, mức cao nhất quy định chỉ khoảng 0,11 USD/km; trong khi chặng bay Bangkok đi Chiangmai (Thái Lan) mức giá cao nhất của Thai Airways là 0,22 USD/km; chặng bay Bắc Kinh - Thượng Hải (Trung Quốc) của Air China là 0,27 USD/km…

Theo Cơ quan thống kê về giá tiêu dùng Hoa Kỳ, giá vé máy bay trên phạm vi toàn cầu hiện đang cao hơn 15%-17% so năm 2022 do các chi phí đầu vào tăng cao. Hiện các hãng hàng không đang phải đối mặt với việc nhiên liệu bay Jet A1 tháng 10 có giá trên 122 USD/thùng, tăng hơn 60% so với năm 2019. Đặc biệt, do tỷ giá hối đoái biến động (70% chi phí bay thanh toán bằng ngoại tệ), nên các hãng HKVN vẫn chưa thể có lãi. Giá vé máy bay chưa đủ chi phí nên hãng hàng không khó có thể giảm giá vé.

Nhưng giá vé bay nội địa đang vượt quá khả năng chi trả của phần lớn người dân. Cục HKVN có giải pháp gì để khắc phục vấn đề này?

* Để giá vé máy bay ở mức hợp lý, phù hợp với nhu cầu của nhân dân, đặc biệt trong dịp Tết Giáp Thìn năm 2024, Cục HKVN đã chỉ đạo các hãng hàng không tăng nguồn cung. Trong dịp cao điểm Tết Giáp Thìn, các hãng dự kiến cung ứng 5,5 triệu ghế trên các đường bay nội địa, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước và xấp xỉ 2,1 triệu ghế trên các đường bay quốc tế, tăng 36,8% so với cùng kỳ năm trước.

Cục HKVN cũng hỗ trợ và khuyến khích các hãng tăng năng lực bằng cách tìm kiếm máy bay thuê ngắn hạn, kéo dài thời gian khai thác hàng ngày của đội bay, tăng cường khai thác các chuyến bay ban đêm; yêu cầu các cảng hàng không chuẩn bị nguồn lực phục vụ nhu cầu bay đêm. Cục HKVN cũng báo cáo Bộ GTVT để chỉ đạo các doanh nghiệp đường sắt, đường bộ phối hợp, tăng cường năng lực vận chuyển đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.

Ông PHẠM S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Tăng cường xúc tiến du lịch để thu hút du khách

Về lâu dài, địa phương sẽ tiến hành các hoạt động quảng bá tiềm năng du lịch địa phương, những thế mạnh về phong cảnh, văn hóa của Đà Lạt - Lâm Đồng. Bên cạnh việc hỗ trợ, tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư vào du lịch, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục xúc tiến các chương trình, dự án lớn về du lịch đang triển khai sớm hoàn thành để phục vụ du khách.

Chúng tôi sẽ đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực du lịch, nhất là với các địa phương của Hàn Quốc, đây là thị trường rất tiềm năng. 10 tháng đầu năm có 328.000 lượt khách quốc tế đến với Lâm Đồng, trong đó trên 50% khách quốc tế đến từ Hàn Quốc. Hiện trung bình mỗi tuần, Cảng hàng không Liên Khương đón 27 chuyến bay đến từ các vùng của Hàn Quốc.

ĐOÀN KIÊN

Ông NGUYỄN LƯU TRUNG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang: Đòi hỏi có cách nhìn, cách làm khác về du lịch

Đại dịch Covid-19 cho thấy, du lịch ở Kiên Giang là một trong những ngành dễ bị tổn thương, đòi hỏi người làm du lịch cần có cái nhìn khác về cách làm du lịch. Kiên Giang đang đứng trước những thách thức như: tỷ lệ du khách đi tour trọn gói, lưu trú dài ngày, chi tiêu của du khách có chiều hướng giảm; tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn còn hiện hữu rõ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới chưa phục hồi…

Rõ nhất, dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, lượng khách du lịch đến Phú Quốc giảm 26,5% so với cùng kỳ, không đạt như kỳ vọng. Đây cũng là một “nốt trầm” cần thiết để Kiên Giang nhìn nhận lại điểm hạn chế để khắc phục, điều chỉnh…

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp nhằm vực dậy du lịch. Tỉnh chỉ đạo phát triển du lịch theo chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở tận dụng, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, vẻ đẹp đất nước, con người.

UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp hình thành các sản phẩm du lịch mới, khác biệt để xây dựng, giữ gìn thương hiệu du lịch Kiên Giang. Đồng thời tăng cường các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch, mở rộng thị trường, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; nghiên cứu triển khai đề án cơ cấu lại ngành du lịch và đề án xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững, theo quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế…

LÊ QUỐC

Tin cùng chuyên mục