Làm việc nhà
Cuối tuần, nhiều gia đình thường “xử lý” các việc nhà tồn đọng bởi những ngày khác bận rộn công việc, như dọn dẹp nhà cửa, giặt mùng mền, hút bụi cửa sổ, sắp xếp lại nhà kho… Để làm việc nhà mà không nhàm chán, nặng nề, các thành viên gia đình nên phối hợp tích cực với nhau và xem đó như là một hình thức rèn luyện, thư giãn. Ở đây, óc hài hước nên được phát huy, chứ không đơn thuần chỉ là hiệu quả công việc - tức là khác với cách làm việc bình thường một chút. Chẳng hạn, việc giặt mùng mền, tưởng như nặng nhọc, vất vả, nhưng vẫn có thể thực hiện một cách vui vẻ giữa các thành viên lớn và nhỏ.
Ở nhà, tôi thường bỏ mùng mền vào thau xà bông rồi “nhờ” con gái leo vào giẫm. Có thể sức trẻ nhỏ không tác động nhiều đến việc giặt sạch, nhưng đó là cách tạo sự phối hợp giữa cha con, giúp cho con tôi có trải nghiệm và ý thức về việc giặt giũ. Hay việc giặt quần áo, tôi hay yêu cầu các con bỏ đồ vào máy giặt, sau đó cùng phơi, chị phơi quần áo người lớn, em phơi quần áo trẻ nhỏ, đồ nào nặng thì ba làm. Hay có bữa tôi đem các quạt cũ, bóng đèn, ổ cắm cũ… ra sửa. Các con ngồi quanh xem, tôi vừa làm vừa “giới thiệu” đâu là cái tua vít, đinh vít, bù loong, cái kềm… Lâu lâu tôi lại “nhờ” con việc này việc nọ, để các con thấy mình có ích với ba. Thành ra cả nhà vui vẻ, thoải mái.
Thăm người thân
Có được ngày nghỉ gia đình (cả cha mẹ và con cái) nên nhín chút thì giờ để thăm người thân. Đó có thể là họ hàng (ở gần, nhất là ông bà, cô chú ruột thịt…), bạn bè, thầy cô giáo cũ… Thăm viếng người thân để tạo sự gần gũi, gắn bó, giúp đỡ qua lại lẫn nhau, đồng thời tạo ra những tình cảm tốt đẹp cho trẻ.
Đến thăm người thân, có mặt con trẻ, người lớn nên tránh có những lời lẽ, thái độ, cử chỉ không đúng mực hoặc thô lỗ, cũng tránh có những nhận xét thiếu cân nhắc. Một người bạn của tôi đi thăm người bà con, trên đường về, vợ chồng nói chuyện với nhau, tỏ ý chê bai người bà con đó; không ngờ lần sau gặp lại, đứa trẻ bô bô những điều đã nghe mà không sao ngăn lại kịp. Trong tình huống này, sự hồn nhiên của trẻ không chỉ làm bẽ mặt người lớn mà còn có thể bị hoen ố bởi sự vô ý của cha mẹ.
Trong tập sách Tâm hồn cao thượng của Edmond De Amicis, có chuyện ông nhà báo dắt con trai là Enrico đến thăm ông giáo già của mình từ gần 40 năm trước. Câu chuyện cảm động trong buổi gặp gỡ đó đã đọng lại tình cảm thầy trò rất tốt đẹp cho Enrico, có ý nghĩa hơn trăm lời nói suông. Cũng tương tự, việc đi thăm những người thân khác không chỉ giúp trẻ trải nghiệm, mở mang hiểu biết mà còn dạy trẻ biết cách ứng xử với người thân.
Nghỉ ngơi, thư giãn
Tùy theo từng gia đình mà việc nghỉ ngơi, thư giãn có thể không giống nhau. Nhà có điều kiện thì đi nghỉ ngắn ngày ở đâu đó, hoặc đi ở các điểm du lịch gần nhà... Ít thời gian hơn, có thể đi xem kịch thiếu nhi, múa rối… ở các tụ điểm văn hóa, hoặc đơn giản chỉ là ra công viên cho các con tận hưởng không khí trong lành và chơi những trò chơi vận động. Cha mẹ có nhiều dịp để ghi hình ảnh các con mà làm tư liệu gia đình thật sinh động, quý báu.
Thậm chí, chỉ ở nhà, nếu khéo tổ chức cũng có thể có được sự thư giãn thoải mái. Như cả gia đình cùng xem một bộ phim phù hợp, vừa xem cha mẹ vừa giải thích các hình ảnh trên phim, gợi mở cho con những tình huống trong phim với thực tế cuộc sống, hỏi lại những chi tiết để giúp con hiểu rõ hơn… Hay cả nhà có thể “diễn” một câu chuyện nào đó có ý nghĩa giáo dục, giúp con trẻ nhớ sâu hơn câu chuyện đó. Chẳng hạn, chị kể chuyện Cô bé quàng khăn đỏ, ba diễn vai chó sói, mẹ diễn vai bà, em làm khán giả… Tôi nghĩ rằng, nếu cả nhà đóng tròn vai thì câu chuyện sinh động hẳn lên, cả nhà cũng vui hẳn lên.