
Trước nay sự cố của máy rút tiền tự động (ATM) đã gây ra không ít phiền toái cho khách hàng sử dụng. Nhiều sự cố được tìm ra nguyên nhân, giải quyết ổn thỏa. Nhưng trong trường hợp mất tiền của một khách hàng dưới đây, những số liệu giải thích của ngân hàng đưa ra tưởng như chuyện đùa.

Những bản in rà soát giao dịch không trùng khớp nhau của VCB gửi cho chị T.
Chị L.T.T.T nhà ở đường Nguyễn Kiệm (Q.Phú Nhuận, TPHCM) đã rất bức xúc khi 2 tháng nay chị không thể nhận lương qua tài khoản (công ty chị trả lương qua hệ thống ngân hàng) vì để giải quyết khiếu nại về việc chị bị mất 12 triệu đồng trong tài khoản của mình ở Ngân hàng Chohung Vina Bank (CVB).
Đây là một ngân hàng của Hàn Quốc, có trụ sở tại đường Hồ Tùng Mậu, TPHCM, nay đã được đổi thành Ngân hàng Shinhan Vina Bank.
Được biết, giữa CVB và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) có thỏa thuận trong kinh doanh, nên dù tài khoản do CVB quản lý trực tiếp nhưng khách hàng vẫn có thể rút tiền bằng ATM ở hệ thống của VCB.
Loại dịch vụ của chị T. trên máy ATM của VCB chỉ được phép thực hiện 5 lần giao dịch trong một ngày, với số tiền 2 triệu đồng/giao dịch. Do vậy, nhiều nhất khách hàng cũng chỉ rút được 10 triệu đồng/ngày.
Chị T. cho biết, trước khi đến điểm ATM nơi chị thường xuyên rút tiền, trong tài khoản chị có 32 triệu đồng. Phiền toái xảy ra khi chị chỉ rút 18 triệu đồng trong 2 ngày 14 và 15-3-2006, nhưng kiểm tra số dư chỉ còn lại 2 triệu đồng, chị đã bị mất 12 triệu đồng mà không rõ nguyên nhân.
Vì quyền lợi, chị đã đến CVB và được nhận một bản in rà soát các giao dịch đã thực hiện với các số liệu đưa ra bất hợp lý ngoài sức tưởng tượng. Thay vì ngày 14, 15-3 như biên lai của ATM, bản rà soát của CVB lại đưa ra ngày 15,16-3 với 8 lần giao dịch trong ngày 15-3 và 7 lần trong ngày 16-3. Chi tiết đưa ra bất hợp lý tưởng như chuyện đùa, liệu khách hàng có thể rút tiền được 8 lần trong một ngày khi quy định chỉ được phép 5 lần? Số ngày cũng không khớp nhau, nhân viên VCB đã giải thích “những cuộc giao dịch diễn ra sau 17 giờ sẽ được chuyển thành ngày hôm sau”. Chi tiết này không phù hợp vì cả thế giới đều có 24 giờ trong ngày, phải chăng đây là một ngoại lệ của CVB?
Phải mất nhiều thời gian đi lại kiểm chứng, nhưng cả CVB và VCB vẫn không đưa ra lời giải thích thuyết phục. Lần thứ hai chị T. nhận được bản rà soát, giao dịch đã được chuyển thành 3 ngày 14,15 và 17-3, mỗi ngày 5 lần giao dịch đúng như quy định. Và chi tiết “ngoại lệ” về ngày giờ của CVB cũng đã được thay đổi cho khít với biên nhận của ATM.
Với những bằng chứng đưa ra không trùng khớp, không thể kiên nhẫn hơn, chị T. đã gửi nhiều thư bằng tiếng Anh cho tổng giám đốc của CVB, nhưng rất lâu sau đó mới nhận được thư trả lời kèm nội dung “…Sai sót trên ATM của VCB không liên quan đến CVB- Rất tiếc chưa tìm ra giải pháp nào và hứa sẽ tiếp tục tìm”. Tiếp sau đó, đến ngày 23-5 chị T. được nhận bản rà soát thứ 3 của VCB và lần này số ngày được đổi thành 14,15 và 16-3.
Qua đây cho thấy những chi tiết bất hợp lý trong số liệu, ngày giờ không chỉ có một lần mà nó luôn thay đổi, bất chấp tính logic và quy định chỉ để khẳng định: khách hàng đã thực hiện 15 giao dịch trong 3 ngày, đã rút 30 triệu đồng, CVB và VCB không sai sót.
Trong trường hợp này, đúng sai chưa rõ về ai, cả Ngân hàng CVB và khách hàng T. đều có lý lẽ riêng. Khách hàng mất tiền không rõ nguyên nhân nhưng lại không có nhiều bằng chứng thuận lợi để chứng minh mình đúng. Ngân hàng luôn chứng minh mình đúng nhưng có quá nhiều sai sót đưa ra - liệu họ có sai? Trong trường hợp này, không biết câu trả lời chính xác sẽ nghiêng về ai, nhưng với cách làm “bất nhất trong số ngày - nhất quán trong số tiền” mà Ngân hàng Chohung Vina Bank giải đáp với chị T. đã cho thấy “máy móc” của họ có vấn đề.
MỸ HẠNH