Nghề biên kịch: Đãi cát tìm vàng


Với số lượng 35 - 40 phim ra rạp mỗi năm, không quá ngạc nhiên khi các nhà sản xuất phim Việt luôn đau đầu để tìm ra những kịch bản chất lượng. Một hệ quả tất yếu là lực lượng biên kịch bắt đầu tăng về số lượng, nhưng chất lượng thì không dễ thay đổi trong một sớm một chiều.  
Ngày càng có nhiều gương mặt biên kịch trẻ tiềm năng của điện ảnh Việt
Ngày càng có nhiều gương mặt biên kịch trẻ tiềm năng của điện ảnh Việt

Trẻ hóa đội ngũ biên kịch

Tại lễ trao giải cuộc thi Nhà biên kịch tài năng 2018, những cái tên được vinh danh ở các giải thưởng cao nhất đều là những gương mặt rất trẻ: Phạm Duy Thuận (nghệ danh Jun Phạm), Vũ Nguyễn Nam Khuê, Dương Quỳnh Anh và nhiều cái tên trong tốp 10. “Về mặt lợi thế, chúng em có nhiều ý tưởng, thích xem phim, được xem nhiều phim và mong muốn được làm phim”, Dương Quỳnh Anh - giải đồng Nhà biên kịch tài năng 2018 chia sẻ về những thuận lợi của người trẻ khi đến với nghề. Còn theo biên kịch Trần Khánh Hoàng, một ưu thế của người trẻ chính là nhiệt huyết. 

Trong bức tranh chung của điện ảnh Việt hiện nay, đã có những nhà biên kịch trẻ thành công cả về chất lượng tác phẩm lẫn doanh thu phòng vé. Trần Khánh Hoàng với Em chưa 18, Huỳnh Châu Ngọc thuộc êkíp biên kịch Siêu sao siêu ngố, Hoàng Anh đồng biên kịch Tấm Cám: Chuyện chưa kể..., là những điển hình thành tác phẩm công về doanh thu. Trong khi đó, Nguyễn Hữu Hoàng với Ống kính sát nhân và thuộc êkíp biên kịch Nhắm mắt thấy mùa hè... lại khẳng định mình bằng thể nghiệm mới mẻ. Họ đã góp phần tạo nên diện mạo, sự tươi mới cho điện ảnh Việt và ngày càng khẳng định thương hiệu cá nhân. 

Nói về xu hướng nhiều bạn trẻ theo nghề biên kịch, Trần Khánh Hoàng chia sẻ: “Sự thành công của phim Việt trong 2 năm qua tạo ra nhu cầu lớn về đội ngũ biên kịch. Quy luật tất yếu là có cầu phải có cung. Phim ảnh là bộ môn nghệ thuật gần với các bạn trẻ. Tôi cho rằng, cuộc sống luôn có sự dấn thân và những trào lưu nghề nghiệp. Nghề biên kịch cũng nằm trong số đó”. Một tín hiệu đáng mừng là hiện nay các biên kịch trẻ dường như có sự bắt nhịp khá nhanh và tốt với thị trường, đồng thời cho thấy sự am hiểu, chịu khó tìm tòi. 

Từng đảm nhận vị trí biên kịch qua các dự án Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Ngày nảy ngày nay, Về quê ăn Tết... trước khi giành giải vàng Nhà biên kịch tài năng 2018 với Gia vị nhân gian, Jun Phạm cho biết: “Quan trọng nhất là bạn nhạy bén, biết lắng nghe, có câu chuyện thú vị và quan sát tốt để hiểu người mình muốn bán kịch bản. Đừng bao giờ nói kịch bản mình hay lắm và luôn cố gồng mình lên để bảo vệ đứa con tinh thần”. Trong khi đó, theo Dương Quỳnh Anh: “Kịch bản là văn bản mang tính kỹ thuật, dành cho mọi người. Từ ý tưởng triển khai thành kịch bản trăm trang rất cần có tư duy hình ảnh. Để thể hiện đúng câu chuyện, truyền tải cảm xúc, cần có sự ăn ý của nhiều bộ phận: đạo diễn, diễn viên, âm thanh...”.  

Đào thải khắc nghiệt

Nhà sản xuất (NSX) Thanh Thúy chia sẻ một câu chuyện thú vị. Để có kịch bản làm phim, chị đã chủ động đi tìm các bạn trẻ có đam mê biên kịch và hướng dẫn hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, qua hai khóa đào tạo, mỗi khóa không dưới 10 người, kết quả chị chưa tìm được một kịch bản nào để sản xuất. “Để trụ lại với nghề rất khó, vì từ ý tưởng, ra đề cương một trang giấy A4 là cả quá trình dài, thường phải sửa tới sửa lui đến 10 lần. Rất nhiều bạn trẻ không chịu nổi áp lực, nản chí và đành bỏ cuộc, dù ban đầu ai cũng có đam mê”. Theo biên kịch Trần Khánh Hoàng, kỹ thuật và kinh nghiệm chính là hai thứ mà bạn trẻ bước vào nghề này đang thiếu. 

Đạo diễn Charlie Nguyễn cho biết, ở Hollywood muốn trở thành biên kịch chuyên nghiệp, mỗi tác giả cần phải có 5-6 kịch bản đã được dựng thành phim. Điều đó đồng nghĩa, các bạn phải có nhiều năm rèn giũa với nghề. Theo NSX Thanh Thúy, nghề này cần sự học hỏi, kiến thức rộng, cái gì cũng cần phải biết và đặc biệt, phải đọc sách nhiều, đọc các thể loại, chứ không đơn thuần chỉ tiểu thuyết. Ý thức được điều đó, với chút kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh và đã thực hiện một số phim ngắn, biên kịch trẻ Vũ Nguyễn Nam Khuê tâm sự: “Yếu tố đầu tiên chính là cần có kiến thức. Hiện nay, nhiều bạn thường làm theo đam mê mà thiếu đi kiến thức nền. Bên cạnh đó, phải có sự kiên trì”. Nam Khuê thẳng thắn, nếu không đủ kiên trì nên tìm nghề khác phù hợp hơn.  

Trong bối cảnh thị trường đang bùng nổ về số lượng phim, chất lượng cũng dần được cải thiện, đặc biệt gu thưởng thức của khán giả ngày càng cao, bản thân những người làm nghề biên kịch đều nhận ra quy luật đào thải khắc nghiệt. Theo Nam Khuê, sự đào thải này trước hết diễn ra với chính mình, để loại bỏ những cái gì cũ kỹ, không hay. Trần Khánh Hoàng ao ước: “Nếu 50% những bạn đam mê nghề có thể ở lại đã là nguồn cung quá tốt cho thị trường. Bạn nào trụ lại được thì có thể đi đường dài”.

Tin cùng chuyên mục