Nghĩa cử của cộng đồng

Chiều 14-8, nhân chuyến công tác về Quảng Ngãi, đại diện Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đến tận nhà trao tiền bạn đọc Báo SGGP đóng góp, chia sẻ hoàn cảnh vô cùng éo le của gia đình ông Lê Diệp (ở thôn Hà Nhai Bắc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) sau bài viết Vợ chồng già bệnh nặng, bốn con tâm thần, trang Nhịp cầu nhân ái ngày 23-7.
Nghĩa cử của cộng đồng

Chiều 14-8, nhân chuyến công tác về Quảng Ngãi, đại diện Báo Sài Gòn Giải Phóng đã đến tận nhà trao tiền bạn đọc Báo SGGP đóng góp, chia sẻ hoàn cảnh vô cùng éo le của gia đình ông Lê Diệp (ở thôn Hà Nhai Bắc, xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) sau bài viết Vợ chồng già bệnh nặng, bốn con tâm thần, trang Nhịp cầu nhân ái ngày 23-7.

Cụ ông Lê Diệp (90 tuổi) và cụ bà Nguyễn Thị Thủy (87 tuổi) sống cùng 3 con trai và 1 con gái - tất cả đều bị tâm thần. Cả cháu ngoại mới 6 tuổi cũng thường xuyên bệnh tật. Cụ Diệp vừa trải qua phẫu thuật u tuyến tiền liệt, nhưng không có tiền lo thuốc men. Cụ Thủy, vợ ông, tuổi cao, sức yếu, không thể làm lụng gì để kiếm tiền, đành phải sống đắp đổi qua ngày bằng sự cưu mang của bà con chòm xóm và chính quyền địa phương.

Đại diện Báo SGGP trao tiền bạn đọc giúp gia đình cụ Lê Diệp.

Ông Phạm Hùng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tịnh Hà, cho biết, cụ Thủy đã 87 tuổi, nhưng trong gia đình này cụ là người “trụ cột”. Hàng ngày, cụ phải chăm lo miếng ăn cho cả nhà. Chính quyền địa phương, bà con trong thôn giúp đỡ cái gì là cụ phải vun vén, để dành, tính toán từng chén cháo, bát cơm… để có cái lót dạ cho cả gia đình.

Nghe nói có nhà báo đến trao tiền giúp đỡ cho gia đình, bà con hàng xóm kéo tới thật đông. Cán bộ Chữ thập đỏ cho biết, lâu nay mọi người rất quan tâm đến hoàn cảnh của vợ chồng cụ Diệp. Bởi lẽ, gia đình có đến 6 miệng ăn mà không ai có thể làm ra đồng nào thì họ sống ra sao? Sự chia sẻ của bà con cũng có giới hạn. Nhất là đối với hoàn cảnh khốn khó tột cùng của gia đình này thì “lực bất tòng tâm”.

Cụ Nguyễn Thị Thủy xúc động khi nhận 7,8 triệu đồng của bạn đọc báo giúp. Có lẽ trong đời bà cụ bất hạnh này chưa lúc nào được sở hữu số tiền lớn đến vậy.

Bà con chòm xóm có mặt đến bên bà cụ chia sẻ niềm vui và nhắc nhở bà cất giữ tiền, lấy ít tiền mua gạo, mắm, thức ăn… phân chia dè sẻn để có cái ăn dài ngày cho cả nhà. Một cán bộ thôn nhắn gửi: “Cái cần nhất của gia đình này là miếng ăn. Nhờ nhà báo kêu gọi cộng đồng giúp đỡ họ có cái để sống. Tội nghiệp bà cụ, sống mà chưa được ngơi nghỉ ngày nào. Hết đứa này tới đứa kia lên cơn là quậy phá. Bà chỉ biết nuốt nước mắt vào trong để chịu đựng. Đứa cháu ngoại 6 tuổi không biết sẽ lớn lên như thế nào, khi cả gia đình ông, bà, chú, bác của cháu mỗi ngày phải sống nương nhờ vào lòng thương của cộng đồng!”

KIỀU PHAN

Tin cùng chuyên mục