Nghiêm túc thực thi Luật Khiếu nại

LTS: UBND TPHCM đang tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn thành phố theo Đề án 1-1133/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để phối hợp tham gia với Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1-1133/QĐ-TTg của TPHCM, từ số này, Báo SGGP mở chuyên mục “Pháp luật về khiếu nại - tố cáo” đăng trên trang Nhịp cầu Bạn đọc ra thứ sáu hàng tuần, nhằm đáp ứng yêu cầu tìm hiểu pháp luật về khiếu nại - tố cáo của cán bộ và nhân dân, qua đó nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền. Rất mong nhận được thông tin và bài vở cộng tác của bạn đọc gửi đến qua email
Nghiêm túc thực thi Luật Khiếu nại

LTS: UBND TPHCM đang tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2016 trên địa bàn thành phố theo Đề án 1-1133/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Để phối hợp tham gia với Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1-1133/QĐ-TTg của TPHCM, từ số này, Báo SGGP mở chuyên mục “Pháp luật về khiếu nại - tố cáo” đăng trên trang Nhịp cầu Bạn đọc ra thứ sáu hàng tuần, nhằm đáp ứng yêu cầu tìm hiểu pháp luật về khiếu nại - tố cáo của cán bộ và nhân dân, qua đó nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền. Rất mong nhận được thông tin và bài vở cộng tác của bạn đọc gửi đến qua email bandoc@sggp.org.vn.

Giải quyết tốt các vụ việc khiếu nại (KN) không những là bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân theo luật định, mà còn góp phần bình ổn xã hội. Việc đưa các quy định pháp luật về KN đi vào cuộc sống rất cần ý thức nghiêm túc thực thi của các cán bộ.

Quy định một đằng, làm một nẻo

Quy định pháp luật về KN đã quy định rõ vai trò, trách nhiệm của người giải quyết KN, thời hạn giải quyết lần đầu, ban hành quyết định giải quyết KN... Thế nhưng, thực tế trong thời gian qua, người giải quyết KN, mà cụ thể ở đây là những cán bộ đứng đầu sở ngành, chính quyền các cấp vẫn chưa tuân thủ chấp hành các quy định của Luật khiếu nại. Những sai sót thường gặp đối với người giải quyết KN là “ngâm” đơn, kéo dài thời gian giải quyết. Nhiều vụ KN kéo dài nhiều năm không được giải quyết dứt điểm. Người giải quyết KN thường ban hành thông báo thay cho quyết định giải quyết KN theo luật định.

Thông báo kết luận số 2365/TB ngày 17-8-2015 của Thanh tra Chính phủ về giải quyết KN, tố cáo, tiếp công dân, chống tham nhũng tại TPHCM đã nhận xét, một số lãnh đạo các sở, quận, huyện chưa thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết KN. Lãnh đạo quận Tân Bình chỉ tiếp dân 48/72 ngày, trong đó chủ tịch quận chỉ tiếp dân 2 ngày; lãnh đạo quận 7 chỉ tiếp dân 25/72 ngày, trong đó chủ tịch tiếp dân 4 ngày; lãnh đạo quận Tân Phú chỉ tiếp dân 30/72 ngày, trong đó chủ tịch tiếp dân 5 ngày. Về công tác giải quyết KN, còn không ít hồ sơ giải quyết trễ hẹn, không có thông báo thụ lý. Nhiều vụ việc qua kiểm tra cho thấy chưa kiểm tra đối thoại, thiếu kế hoạch kiểm tra xác minh. Nhiều vụ phải ban hành quyết định giải quyết KN nhưng chỉ ban hành văn bản trả lời.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín tiếp dân, giải quyết một vụ khiếu nại của người dân tại quận Gò Vấp

Cán bộ đi trước, người dân theo sau

Để Luật Khiếu nại đi vào cuộc sống, đòi hỏi cả người KN và người giải quyết KN tuân thủ nghiêm túc, thực hiện đúng luật. Từ thực tiễn cuộc sống cho thấy, khi cán bộ giải quyết KN có kiến thức, am hiểu pháp luật, đóng vai trò cầm cân nảy mực, sẽ thụ lý, giải quyết đơn KN của người dân đúng thời hạn và ban hành quyết định giải quyết KN theo luật định. Trong thời gian qua, vì một số cán bộ giải quyết KN chưa thực hiện tốt trách nhiệm này, nên mới dẫn đến việc người dân mất tin tưởng, đi KN vượt cấp.

Theo luật gia Trần Đình Dũng (Trung tâm Tư vấn pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam), trong nỗ lực đưa Luật Khiếu nại vào cuộc sống, vẫn còn rào cản xuất phát từ hai phía, cả người giải quyết KN và người đi KN. Trong khi một số cán bộ còn quan liêu, chưa chú trọng công tác giải quyết KN, cũng có nhiều người KN thiếu kiến thức về luật, nên khi làm đơn KN không xác định rõ nội dung trọng tâm cần KN và đối tượng - đơn vị giải quyết đơn. Vì vậy, người dân thường gửi đơn KN vượt cấp, gửi nhiều nơi cùng một lúc. Điều này không chỉ làm tốn kém thời gian và công sức của người dân, mà đối tượng giải quyết KN cũng gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng này, điều cần làm hiện nay là phải chú trọng công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao kiến thức pháp luật về KN cho người dân. Đối tượng tuyên truyền, nâng cao kiến thức pháp luật về KN cho người dân hiệu quả nhất chính là những cán bộ trực tiếp giải quyết KN.

Để Luật Khiếu nại phát huy tác dụng, việc cần làm ngay là phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ trong công tác thực thi pháp luật về KN. Sự gương mẫu của cán bộ giải quyết KN sẽ khắc phục tình trạng người dân ôm đơn KN chạy lòng vòng, mỏi mòn chờ giải quyết. Khi đơn KN được giải quyết đúng thời hạn, đúng quy định thì không chỉ nâng cao tính hiệu lực của pháp luật, mà sẽ giảm bớt cảnh tụ tập KN đông người, gửi đơn KN vượt cấp, người dân thêm tin vào chính quyền, không còn tình trạng gửi hàng chục lá đơn đi khắp nơi chỉ để cầu may.

TRẦN YÊN

Tin cùng chuyên mục