Về ngôi mộ cổ trên đường Nguyễn Tri Phương

Nghiên cứu, bảo vệ, khai quật đúng luật

Việc khai quật ngôi mộ cổ đường Nguyễn Tri Phương đang được sự quan tâm từ nhiều phía. Đáng chú ý là những ý kiến của các nhà khoa học và cơ quan quản lý chức năng.
Nghiên cứu, bảo vệ, khai quật đúng luật

Việc khai quật ngôi mộ cổ đường Nguyễn Tri Phương đang được sự quan tâm từ nhiều phía. Đáng chú ý là những ý kiến của các nhà khoa học và cơ quan quản lý chức năng.

  •  Tiến sĩ Bùi Chí Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Khảo cổ học-Viện Khoa học xã hội và Nhân văn vùng Nam bộ:  Nên lập nghĩa trang cho những ngôi mộ cổ

Thứ nhất, chúng ta đã tìm thấy rất nhiều ngôi mộ phân bố ở rất nhiều nơi ở khu vực Nam bộ có cùng cấu trúc với phần còn lại của ngôi mộ ở đường Nguyễn Tri Phương, nên tôi khẳng định đây là mộ.

Thứ hai, hợp chất ô dước trên mộ khẳng định mộ đã tồn tại cả trăm năm nay, vì vậy, đây là mộ cổ. Là một ngôi mộ cổ, là một di tích cổ, ngôi mộ cổ này phải được đối xử như đối xử với di tích cổ.

Nghiên cứu, bảo vệ, khai quật đúng luật ảnh 1
Người dân tập trung xem khu vực khai quật. Ảnh: T.V

Để đối xử với di tích cổ này một cách đúng đắn, đầu tiên phải khảo sát, lập bản vẽ, chụp ảnh, lập hồ sơ ban đầu, đưa ra những đánh giá sơ bộ về giá trị thực sự của di tích cổ. Ít nhất phải xác định được không gian phân bố của ngôi mộ cổ, có những di tích nào tương thích như vậy trước khi tiến hành khai quật.

Sau đó, chỉ có Bộ Văn hóa Thông tin mới có quyền cấp giấy phép để khai quật bất cứ một di tích nào có trên đất nước chúng ta…

Tôi cho rằng việc những ngôi mộ này tồn tại ở phương Nam nói chung và TPHCM nói riêng, là dấu ấn của những người đã từng khai phá vùng đất này. Ở đâu hay dù là ai nằm ở dưới lòng đất này đều là tiền nhân của chúng ta.

Tôi mong rằng, nếu những ngôi mộ cổ đó không thể để yên vị được vì quy hoạch, giải tỏa hay chỉnh trang đô thị… thì thành phố nên dành một khu đất để tập trung các ngôi mộ lại, xem như đây là một nghĩa trang của những người đi khai phá vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa.

Với công nghệ hiện nay, chúng ta có thể cắt lớp những ngôi mộ này, di chuyển rồi ghép lại. Thực tế, việc khai quật ngôi mộ ở Bà Rịa-Vũng Tàu (miếu ông Trịnh) đã sử dụng phương pháp này, di dời và ghép lại nguyên vẹn thành công. Theo tôi, hiện nay chúng ta cần có thái độ thật trân trọng đối với các di sản của tiền nhân.

Một khu di tích vật thể như vậy sẽ có tác động trực quan, sinh động, giáo dục rất tốt đối với thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về lịch sử lao động của tiền nhân.

Trở lại ngôi mộ cổ trên đường Nguyễn Tri Phương, hiện nay chúng ta cần phải có những giải pháp thích hợp tiếp theo để khai quật, nghiên cứu và bảo vệ di sản văn hóa của di tích cổ này. Theo tôi, với quy mô và bề dày lịch sử như vậy, đây là mộ của một nhân vật đã góp nhiều công sức trong việc khai phá ngày xưa.

  • Ông Lê Tôn Thanh, Phó Giám đốc Sở VHTT TPHCM: Tạm ngưng khai quật để khảo sát và nghiên cứu lại

Sở VHTT TPHCM cùng các cơ quan chuyên môn và nhiều chuyên gia khảo cổ học đã đến khảo sát nhiều lần ngôi mộ này. Đây là ngôi mộ cổ không có hồ sơ, không còn bia, không chủ, đã bị đập một phần từ trước giải phóng nên khó xác định giá trị.

Quận 10 chỉnh trang mở lộ giới đường Nguyễn Tri Phương có bức xúc xin ý kiến Sở VHTT cho phép khai quật bốc dỡ để chỉnh trang đô thị. Sở có yêu cầu Ban quản lý di tích- danh lam thắng cảnh cùng quận khảo sát chuyên môn xác định có phải là mộ cổ, có đúng là di tích cổ cần bảo quản hay không, và xử lý ra sao?

Khi đó những người nghiên cứu cho biết chưa đủ cơ sở xác định là ngôi mộ cổ nên đề nghị sở cho phép khai quật bốc dỡ. Sở có văn bản đồng tình nhưng yêu cầu Ban quản lý di tích- danh lam thắng cảnh hướng dẫn chuyên môn, làm đúng quy định.
 Nay Sở VHTT nghe thêm ý kiến dư luận và đi thực tế tìm hiểu kỹ lại, xem xét chất liệu xây ngôi mộ này cách đây hàng trăm năm. Trên địa bàn TPHCM cũng từng có một số ngôi mộ cổ xây bằng chất liệu này. Tôi nghe nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn và thấy cần nghiên cứu và xin ý kiến thêm nên đã yêu cầu quận 10 ngưng bốc dỡ.

Nếu đây là di tích có giá trị về kiến trúc lịch sử lại nằm trong lộ giới thì phải hết sức cẩn trọng, chờ sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Cũng có thể nghĩ tới phương án xin phép tiến hành khai quật theo đúng quy định, đúng nguyên tắc có nghiên cứu khảo cổ.

  • Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN TPHCM: Chứa đựng vấn đề lịch sử (?)

Chưa hiểu ngôi mộ này có phải là di tích hay không thì khi bốc dỡ vẫn nên có cán bộ khoa học để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Sợ trong quá trình bốc dỡ không khéo công nhân có thể làm hỏng thì không làm lại lần 2 được. Nói chung phải có cán bộ theo dõi công việc ngay từ đầu để hướng dẫn công nhân làm đúng, vì nếu là di tích bị hư hỏng không làm lại được.

Khai quật mộ cổ là chuyện cực kỳ nhạy cảm. Ngôi mộ mới chỉ phá phần trên nhưng chắc là mộ cổ và nhân vật cũng hay đấy. Người bình thường không ai bị đục bia cả, phải có vấn đề. Mộ này lớn gần như một cái lăng. Kinh nghiệm đi khai quật di tích khá nhiều tôi cảm thấy có vấn đề ở ngôi mộ cổ này.

Chất xây mộ ấy ở thế kỷ 18, 19 là nhà giàu có máu mặt. Tôi tán thành ý kiến bác Nguyễn Đình Đầu, chắc có lẽ có vấn đề lịch sử nhưng cụ thể phải nghiên cứu thêm. Nếu trong mộ có hiện vật cần hết sức chú ý ghi chép, nghiên cứu cẩn thận.

  • Tiến sĩ khảo cổ học Đặng Văn Thắng, Quyền Giám đốc Bảo tàng TPHCM: Mong đợt này phải làm cẩn thận

Mộ cổ hiện nay ở đường Nguyễn Tri Phương khác mộ có xác ướp ở Xuân Thới Thượng, Hóc Môn, có phần nào giống mộ bà Hiệu ở Xóm Cải, quận 8. Trên có núm mộ xây bằng hợp chất ô dước, có huyệt mộ nên khai quật rất khó khăn. Có thể dưới là dạng trong quan ngoài quách. Tôi phán đoán có khả năng còn xác ướp bên trong.

Với huyệt mộ như vậy ắt có điều kiện giữ xác tốt. Theo kinh nghiệm 2 lần trước khi khai quật xác bà Hiệu, xác ở Xuân Thới Thượng thì không nên xử lý bằng phoọc môn mà nên chuẩn bị quan tài kiếng có van hút hết không khí tạo môi trường chân không hoàn toàn để giữ xác tươi như khi nằm trong quan tài.

Nếu dùng phọoc môn, sau đó xác sẽ khô đét lại. Trường hợp không có xác ướp thì ta có sẵn quan tài kiếng phục vụ công tác bảo tồn bảo tàng trong những lần sau. Theo đúng luật định, muốn khai quật mộ cổ phải có giấy phép của Bộ VHTT, trong ấy quy định cụ thể giao cơ quan nào khai quật, người chủ trì và chịu trách nhiệm, thời gian khai quật, trách nhiệm bảo quản lưu giữ hiện vật… Vì vậy phải hết sức cẩn trọng.

Tôi cũng mong muốn chúng ta nghiên cứu chất ô dước xem loại hợp chất này gồm thành phần gì, độ cứng ra sao có thể ứng dụng trong thế kỷ 21 ở những trường hợp xây dựng nào cũng rất thú vị…

 
 NHÓM PV VHVN

Tin cùng chuyên mục