Người có đôi mắt cười

(Nhân giỗ đầu nhà văn Thy Ngọc)
Người có đôi mắt cười

(Nhân giỗ đầu nhà văn Thy Ngọc)

Đó là một người đàn ông tầm thước, phong cách nhã nhặn, nói năng ôn tồn, nhỏ nhẹ, nét hóm hỉnh lấp lánh sau tròng kính trắng - một người Hà Nội thanh lịch cổ kính như bước ra từ các trang sách của Nguyễn Tuân.

Tôi không nhớ tôi gặp ông - nhà văn Thy Ngọc - từ lúc nào nhưng tôi nhớ rõ lần ông dẫn các nhà văn miền Bắc đến chơi với các anh em đang dự trại viết ở Vũng Tàu năm 1982, lúc đó ngoài Nhật Tuấn, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Quang Thân... còn có mặt rất đông các cây viết trẻ miền Nam như Lý Lan, Đào Hiếu, Trần Thùy Mai, Dạ Ngân, Trà Giang, Đinh Thị Thu Vân...

Nhà văn Thy Ngọc (trái) tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập NXB Kim Đồng (2007). Ảnh: Cao Xuân Sơn

Nhà văn Thy Ngọc (trái) tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập NXB Kim Đồng (2007). Ảnh: Cao Xuân Sơn

Các cây bút văn nghệ hai miền Nam Bắc thời điểm đó ít có dịp tiếp xúc, gặp mặt vẫn còn bỡ ngỡ và không có chiếc cầu nối nào thích hợp bằng một nhà văn tiền bối cởi mở, nhiệt tình và duyên dáng như nhà văn Thy Ngọc, người phụ trách bản thảo của Nhà xuất bản Kim Đồng ở khu vực phía Nam trong thời kỳ đó.

Một năm sau, tôi có dịp tiếp xúc với ông nhiều hơn khi Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam và Trung ương Đoàn mở cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi.

Đó là quãng thời gian tôi bắt đầu viết truyện cho trẻ em. Cùng với các anh Trần Hoài Dương, Đào Hiếu bên Nhà xuất bản Măng Non (tiền thân của Nhà xuất bản Trẻ bây giờ), nhà văn Thy Ngọc là một trong những người đọc các tác phẩm văn xuôi đầu tiên của tôi khi còn ở dạng bản thảo.

Suốt mấy tháng trời, hễ viết được truyện ngắn nào tôi đều đem tới chi nhánh Nhà xuất bản Kim Đồng ở 268 Nguyễn Đình Chiểu “nộp” cho ông. Ông đọc và gật gù: “Ánh viết truyện cho trẻ em hợp lắm đấy!”. Ông còn tấm tắc: “Ánh viết rất hóm, giống nhà văn Nicolai Nosov của Nga”. Được ông khen, tôi hứng chí viết liên tục, có khi một tuần tôi viết đến ba truyện ngắn.

Tôi viết nhanh đến mức chính tôi cũng thấy băn khoăn. Rằng viết “ào ạt” như gà đẻ trứng thế kia, chất lượng không biết ra làm sao. Tôi thổ lộ nỗi lo với ông, ông cười: “Ánh mới vào nghề, ý tưởng còn dồi dào, phong phú, sức viết khỏe là chuyện tất nhiên. Đang viết có đà, Ánh không nên dừng lại. Sau này, khi đã thành chuyên nghiệp rồi, muốn viết nhanh chưa chắc đã được”.

Tôi nghe lời ông, viết một mạch mấy chục truyện ngắn. Ông đọc kỹ lưỡng từng truyện, nhận xét chu đáo và không ngừng động viên nhà văn trẻ mới vào nghề. Đến hạn gửi bài, ông gom các bản thảo của tôi lại, sắp xếp và đóng thành một tập ngay ngắn rồi gửi ra Hà Nội. Lần đó tôi được giải khuyến khích và sung sướng nhất là được Nhà xuất bản Kim Đồng chọn lọc in thành cuốn Cú phạt đền, tập truyện ngắn đầu tay của tôi.

Ông không chỉ là bà đỡ mát tay cho các cây bút chập chững vào nghề. Những lần tôi ghé giao bài cho ông, ông luôn niềm nở và tiếp đón tôi ân cần như với một người bạn vong niên. Ngồi với ông, tôi hỏi ông đủ thứ quanh việc viết lách, say sưa nghe ông kể chuyện các nhà văn cùng thời mà ông có dịp tiếp xúc: Tô Hoài, Nam Cao, Lê Văn Trương... Kho chuyện của ông phong phú hấp dẫn vô cùng, tiếc là ông không viết ra thành sách. Đối với tôi, những mẩu chuyện quanh bàn trà đó giúp tôi thêm gần gũi với thế giới văn chương, bơm vào tâm hồn tôi niềm say mê kỳ diệu đối với nghề viết.

Là một trong những người sáng lập Nhà xuất bản Kim Đồng, ông đã dành cả cuộc đời viết và vẽ cho tuổi thơ. Tôi tin những đóng góp và trải nghiệm của ông là một kho tàng vô giá với bất cứ người trẻ nào muốn hành nghề bằng con chữ, đặc biệt với những ai chọn việc phục vụ cho trẻ em làm sứ mệnh của đời mình.

Sau này, khi nghỉ hưu ở Nhà xuất bản Kim Đồng, ông được Báo Khăn Quàng Đỏ mời về làm trợ lý Thư ký tòa soạn. Thỉnh thoảng tôi ghé thăm ông, vẫn thấy ông vui vẻ bên công việc mới, sức lao động của ông chẳng khác nào một chàng trai.

Khi ông nghỉ ở Báo Khăn Quàng Đỏ, tôi ít có cơ hội lui tới với ông hơn. Tuy nhiên, bao giờ ra tác phẩm mới tôi cũng gửi tặng ông để sau đó cảm động nghe ông gọi điện thoại cảm ơn và không quên động viên tôi bằng những lời lẽ ân cần, gửi gắm.

Hằng năm vào dịp tết, tôi thường gửi tặng ông báo xuân, lịch tết và một ít bánh mứt, chẳng nhiều nhặn gì nhưng để bày tỏ niềm yêu mến tôi dành cho ông - người đàn anh, người bạn lớn và là tấm gương một nhà văn trọn đời gắn bó với tuổi thơ.

Tết vừa rồi là cái tết đầu tiên vắng ông. Nhìn những tấm lịch, tờ báo bày trên bàn, một cảm giác trống trải lấp đầy tôi và tự nhiên tôi nghe những câu thơ của Vũ Đình Liên bâng khuâng vọng về: “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”.

Tôi không biết ông đang ở đâu trong lúc đó, nhưng tôi mường tượng ông đang nhìn tôi với nụ cười hiền lành quen thuộc và sau tròng kính trắng, đôi mắt ông đang cười...

11-2013

NGUYỄN NHẬT ÁNH

Tin cùng chuyên mục