
Kẹt xe, tốc độ “rùa”, tai nạn giao thông, khói bụi, đi lại trở ngại, buôn bán đình trệ, đời sống khó khăn… là những bức xúc hiện nay của hàng triệu người dân miền Tây sống dọc Quốc lộ 1A. Từ Trung Lương đến cầu Mỹ Thuận, từ Cần Thơ đi Hậu Giang, từ Bạc Liêu đi Cà Mau, Quốc lộ 1A trở thành con đường đau khổ nhiều tập …
- “Quýt làm - cam chịu!”
Có mặt ở vùng cuối đất Năm Căn những ngày này, chúng tôi chứng kiến bức xúc của nhiều bà con về việc thi công “tiến độ rùa” Quốc lộ 1A. Bức xúc là đúng, bởi việc nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Cà Mau – Năm Căn là ước mơ hàng chục năm nay của người dân.
Đây cũng là con đường huyết mạch duy nhất về thành phố Cà Mau, không còn phải lụy đò cách trở. Nâng cấp, ai cũng mừng, nhưng sau hơn 3 năm triển khai, mọi chuyện vẫn chưa đâu vào đâu. Ông Tư Tấn, 72 tuổi, ngậm ngùi: “Nói cuối 2005 đoạn đường này sẽ làm xong, vậy mà bây giờ chẳng thấy gì, đoạn làm đoạn bỏ dở, lồi lõm đi lại không được, khổ lắm.

QL 1A đoạn Tiền Giang bị đào bới, người dân phải kê ván làm cầu, khiêng hàng hóa.
Chỉ riêng từ đây lên Hàm Rồng chưa đầy 11km mà đến 5 cây cầu hư hỏng nặng, chẳng ai chịu làm nên xe 4 bánh không đi được”. Đồng cảnh ngộ trên, anh Trang Hoàng Liêm, Phó chủ tịch UBND xã Phú Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau) bức xúc: “Mấy ngày nay mưa xuống, nhiều đoạn ngập như biển; có nơi cát đổ lên nhão nhẹt trộn lẫn sình bùn trơn trợt khó đi vô cùng. Từ trung tâm xã xuống huyện Cái Nước chỉ 20 cây số mà xe chạy hơn 1 giờ không tới”.
Gần 64km trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, tình hình cũng hết sức tệ hại. Ổ voi, ổ gà đầy đường, mặt lộ rộng khoảng 8 mét thì bị đào bới quá nửa. Thế là hàng ngàn xe từ 2 bánh đến 4 bánh nối đuôi nhau “vừa tránh- vừa bò”. Bà Năm Hương, nhà ở Châu Thới, thị xã Bạc Liêu chua chát: “Gia đình tôi dành dụm tiền mấy chục năm mới cất được căn nhà tường gần lộ. Nhưng sau ngày ăn tân gia thì đóng cửa luôn cả năm nay, do bụi tràn vào đầy nhà”.
Ghé làng nghề sản xuất bánh pía ở Sóc Trăng, nhiều chủ lò than trời vì chuyện làm đường kéo dài “không hẹn ngày xong” khiến làng nghề vắng khách vì không chỗ đậu xe, dơ bẩn, ô nhiễm… Còn các công nhân của công ty buôn bán lúa gạo Huynh Đệ, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) thì bực bội: “Họ làm từ mồng 6 Tết đến nay, đào hào sâu cả mét rưỡi nhưng không có rào chắn, bọn tui phải bắc ván làm cầu từ đường vô nhà để vác lúa gạo lên xe. Nhiều chỗ gập ghềnh trợt ván, anh em té luôn xuống hào”.
Dọc chiều dài tỉnh Tiền Giang hầu như đoạn nào đang thi công, nơi nào đào hào là người dân phải bắc ván, bắc phên tre làm cầu từ đường vào nhà. Nhiều hàng quán vắng hoe, có quán vẫn còn bảng hiệu nhưng đã đóng cửa… vì khách không tài nào ghé được!
Khó khăn chưa dừng lại ở đó khi tai nạn giao thông gây chết người luôn rình rập những ai đi lại trên tuyến đường này. Theo ông Nguyễn Liên Khoa, Phó ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh Hậu Giang, trong 2 tuần gần đây xảy ra 3 vụ kẹt xe lớn kéo dài mấy cây số ngay tại cầu Rạch Chiếc.
Mỗi lần như vậy, ban phải huy động toàn lực, mất rất nhiều thời gian mới thông đường. Chỉ trong 5 tháng đầu năm ở Hậu Giang xảy ra 32 vụ tai nạn giao thông làm chết 26 người, thì đoạn đi qua tuyến Quốc lộ 1A chỉ 27 km đã có trên 9 người thiệt mạng.
Gần đây nhất, vào ngày 27- 6, xe khách của Công ty Hải Cường đi từ Cà Mau về Cần Thơ, đến gần Cầu Trắng thì bị trợt lao xuống kênh làm 6 người bị thương. Đoạn quốc lộ 1A qua tỉnh Long An với lưu lượng 40.000 xe qua lại/ngày đêm, cũng tương tự.
Anh Phùng Văn On, Ban An toàn giao thông của tỉnh này phân trần do hệ thống thoát nước chưa có nên hễ mưa xuống là quốc lộ thành “sông”, nhất là đoạn Bến Lức- Gò Đen; phường 4- thị xã Tân An… tai nạn giao thông xảy ra như cơm bữa.
- Đâu là nguyên nhân?
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau bực bội: “Quốc lộ 1A đối với Cà Mau và cả ĐBSCL cực kỳ quan trọng trong việc kích cầu đầu tư, phát triển kinh tế xã hội toàn vùng. Nhiệm vụ của chính quyền địa phương là giải phóng mặt bằng, đền bù… đã làm xong, còn chuyện thi công là do các ban điều hành dự án… UBND tỉnh đã kiến nghị nhiều lần, nhưng…”.
Tại Bạc Liêu, ông Trịnh Hoàng Tuấn, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết thêm: “Tiến độ thi công chậm rồi đổ cho tỉnh giải phóng mặt bằng trì trệ là không đúng. Bạc Liêu có 6.270 hộ và 164 cơ quan ở ven tuyến Quốc lộ 1A phải giải tỏa.
Đến nay, 100% cơ quan đã xong và 5.600 hộ dân cũng nhận tiền đền bù. Số hộ còn lại bị giải tỏa đất nông nghiệp nhưng đòi đền đất thổ cư là không phù hợp. Chúng tôi đang tích cực giải quyết, trong đó cưỡng chế 7 hộ di dời; đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến mặt bằng của đơn vị thi công”. Trên thực tế, tiến độ chậm là do năng lực thi công của các nhà thầu quá yếu, thiếu vốn- vật tư tăng giá, sông cạn không chở vật liệu được, ảnh hưởng mưa… và nhiều lý do khác.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Thủy, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Tiền Giang, đoạn Quốc lộ 1A từ Trung Lương đến Mỹ Thuận dài 58km, khởi công tháng 2- 2005. Nhìn chung các biện pháp thi công đều không đảm bảo, rào chắn quá sơ sài, đơn giản. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị nhưng chưa thấy chuyển biến gì.
Riêng các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng là không tránh khỏi, tỉnh đã bàn bạc và sẽ có hỗ trợ phù hợp như giảm thuế…”. Cũng theo bà Thủy, đơn vị thi công gặp những khó khăn nhất định do mặt bằng thi công chật hẹp, vật liệu xây dựng phải vận chuyển bằng đường thủy nên chậm chạp.
Tuy nhiên, đơn vị thi công lại đào đường và tiến hành công việc trên những đoạn đường quá dài thay vì nên cắt khúc ra làm từng đoạn để chừa lối đi cho người dân. Theo ông Dương Danh Dũng, Tổng Giám đốc Ban quản lý dự án 1 (Bộ GT-VT), nguyên nhân chậm là do một số nơi giải phóng mặt bằng chưa đồng bộ.
Mặt khác, ban quản lý dự án cũng không lường trước hết nhiều vấn đề phát sinh, như dự án lập cách nay hơn 7 năm nên nhiều số liệu không còn phù hợp. Ngoài ra ảnh hưởng dịch SARS vào thời điểm khởi công nên các nhà thầu Trung Quốc chậm mất nửa năm…
Nhằm đẩy nhanh tiến độ, Ban Quản lý dự án 1 đang đàm phán cùng Ngân hàng Thế giới bổ sung vốn cho dự án, tìm cách giải quyết cho các nhà thầu ứng vốn, giải quyết những khó khăn vướng mắc. Chúng tôi sẽ hối thúc các đơn vị thi công tăng tốc, hoàn thành càng sớm càng tốt.
Khi nào con đường hoàn tất? Đó là câu hỏi vẫn chưa có lời đáp. Và hàng triệu người dân miền Tây tiếp tục chịu đựng “con đường đau khổ” trong một thời gian dài nữa.
NHÓM PHÓNG VIÊN