Trước đợt rét kỷ lục, Chính phủ họp bàn biện pháp giảm tổn thất

Người dân được hỗ trợ để giảm thiệt hại

L.VĂN

Trước tình hình rét đậm, rét hại kéo dài ở miền Bắc gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp cũng như sức khỏe người dân, hôm qua, 15-2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập cuộc họp với các ngành liên quan để đề ra các giải pháp cấp bách nhằm giảm thiểu thiệt hại.

Một trong những nguyên nhân khiến số trâu, bò chết ngày càng nhiều là do sự lúng túng, chủ quan của chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo chống rét cho gia súc và của chính người dân. Bộ NN-PTNT đã thành lập 4 đoàn công tác đến các tỉnh miền núi phía Bắc để kiểm tra, đôn đốc các hoạt động chống rét. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng yêu cầu Cục Thú y chuẩn bị đủ vaccine triển khai tiêm phòng cho đàn gia cầm vào khoảng tháng 3 và tháng 4-2008.
L.VĂN

Báo cáo của ngành nông nghiệp tại cuộc họp này cho thấy, đợt rét đậm, rét hại chưa từng có trong lịch sử đã và đang diễn ra hiện nay làm trên 33.000 trâu bò chết vì rét, thiệt hại ước tính 200 tỷ đồng (thống kê ở 15 tỉnh miền núi phía Bắc và 6 tỉnh duyên hải miền Trung).

Trong đó, địa phương thiệt hại nặng nhất là tỉnh Hà Giang với 7.189 trâu bò chết, Cao Bằng gần 5.000 con, Sơn La và Bắc Kạn trên 4.000 con, Lạng Sơn 3.400 con, Lào Cai 2.700 con, Yên Bái 1.600 con. Nhiều khả năng thời tiết trong tuần tới sẽ bắt đầu ấm lên, tuy nhiên sẽ tiếp tục có nhiều gia súc bị chết vì không còn khả năng cầm cự.

Cũng vì rét đậm, rét hại kéo dài nên sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng; sinh hoạt của người dân bị đảo lộn nặng nề. Thống kê cho thấy, số bệnh nhân bị các bệnh về viêm đường hô hấp cấp tính, tai biến mạch máu não, hạ thân nhiệt do lạnh ở một số bệnh viện tăng 10% - 20%. Đặc biệt số ca tai biến mạch máu não tăng 11% - 19%. Đã có trường hợp trẻ em chết rét do đi trên đường, một số trường hợp tử vong do ngộ độc khí CO2 khi sử dụng bếp sưởi bằng than và đóng kín cửa (SGGP đã có bài phản ánh)...

Trước tình hình này, Bộ NN-PTNT đã đề xuất Chính phủ hỗ trợ người dân với mức 1 triệu đồng cho một con trâu, bò chết; bê và nghé là 500.000 đồng. Ngoài ra, hỗ trợ thức ăn chăn nuôi cho đàn trâu bò đang suy yếu sau đợt rét kỷ lục này. Tổng nguồn vốn cần hỗ trợ cho chăn nuôi và trồng trọt (hơn 100 ha lúa và mạ đông xuân đã chết vì rét) là trên 140 tỷ đồng.

Tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Bộ NN-PTNT triển khai các biện pháp cấp bách để đảm bảo đủ giống cấy bù lại cho diện tích lúa, mạ đã bị chết rét, giúp dân khôi phục đàn gia súc. Đặc biệt, trước tình hình có một số bệnh nhân bị nhiễm cúm gia cầm H5N1, Thủ tướng chỉ đạo 2 ngành NN-PTNT và y tế có biện pháp quyết liệt không để dịch cúm gia cầm tái phát. Ngân sách dự phòng ở các địa phương và trung ương sẽ hỗ trợ một phần vốn, giống cho nông dân; riêng các tỉnh khó khăn sẽ được hỗ trợ mức cao hơn. Các chính sách hỗ trợ người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được điều chỉnh hợp lý.

Để giúp người dân nhanh chóng ổn định sản xuất và giảm thiểu tác hại của đợt rét kỷ lục đối với cuộc sống người dân, Thủ tướng chỉ đạo, đối với các hộ đã vay vốn để sản xuất mà bị ảnh hưởng của rét sẽ được khoanh nợ và cho vay tiếp vốn để phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Y tế tăng cường chú trọng tuyên truyền về các biện pháp chống rét để bảo vệ sức khỏe, đặc biệt quan tâm đến người già, trẻ em và người có bệnh mãn tính; đảm bảo cơ sở vật chất, thuốc, phương tiện cấp cứu kịp thời xử lý các trường hợp liên quan đến thời tiết lạnh. 

KHÁNH TRANG

Hỗ trợ đồng bào nghèo bị ảnh hưởng rét 1,6 tỷ đồng

Trước tình hình giá rét kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào nghèo ở các tỉnh vùng cao miền núi phía Bắc, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam đã trích 1,6 tỷ đồng từ Quỹ Vì người nghèo TƯ để phân bổ cho 21 tỉnh khu vực phía Bắc và miền Trung. Cụ thể, các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Lào Cai được hỗ trợ 100 triệu đồng/tỉnh. Các tỉnh Hòa Bình, Thái Nguyên, Yên Bái, Bắc Kạn, Ninh Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Tuyên Quang 70 triệu đồng/tỉnh. 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế 50 triệu đồng/tỉnh.

* Ngày 15-2, Hội Chữ thập đỏ TPHCM họp mặt các mạnh thường quân gồm nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM và công bố nhiều chương trình xã hội nhân đạo năm 2008. Trong đó, nhiều hoạt động lớn như: chăm lo cho 5.000 gia đình nạn nhân chất độc da cam, 20.000 người già neo đơn và bệnh nhân ung thư, phẫu thuật tim miễn phí cho 50 trẻ em nghèo, xây 500 căn nhà tình thương, trao học bổng cho 5.000 học sinh nghèo,...với tổng kinh phí 42,7 tỷ đồng. Ngay trong buổi họp mặt, các doanh nghiệp đã đăng ký đóng góp trên 3,5 tỷ đồng.

Hôm nay 16-2, hội tổ chức đoàn đi thăm và hỗ trợ tiền, chăn, màn, quần áo ấm (trị giá trên 300 triệu đồng) cho nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại tại một số tỉnh phía Bắc.

PH.THẢO - TR.NG.

Tin cùng chuyên mục