
Thông tư liên tịch số 04/2006/TTLT/BTP-BTNMT giữa Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên - Môi trường (Thông tư 04) về công chứng hợp đồng, văn bản liên quan quyền sử dụng đất có hiệu lực từ ngày 3-8-2006. Vừa qua, Sở Tài Nguyên - Môi trường TPHCM cũng đã tập huấn thông tư này cho UBND quận - huyện, phường - xã và các phòng công chứng tại TPHCM. Đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường đánh giá Thông tư 04 sẽ giúp cho việc công chứng, chứng thực đơn giản hơn thế nhưng sau 10 ngày thực hiện, các phòng công chứng trên địa bàn TP đều vướng.
- Thực hiện ngay trong ngày: quá khó!

Người dân công chứng giấy tờ nhà, đất tại Phòng Công chứng số 1.
Theo Thông tư 04, các hợp đồng công chứng về nhà đất được thực hiện trong ngày, trường hợp hợp đồng, văn bản có tình tiết phức tạp thì thời hạn chứng thực không quá 3 ngày. Với thời gian này, các phòng công chứng đều cho rằng khó mà thực hiện đúng theo quy định.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Yến, Trưởng phòng Công chứng số 6 cho biết, trước đây đối với các hợp đồng về nhà đất như cầm cố, thế chấp, cho thuê…, chúng tôi đều giải quyết trong ngày nhưng các hợp đồng như mua bán, tặng cho, thừa kế… phải cần 5 - 7 ngày. Nhưng theo quy định mới, công chứng viên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn khi chứng thực thì đối với những trường hợp phức tạp như mua bán bất động sản phải kiểm tra hồ sơ bản vẽ, lý lịch nhà, đất, đối chiếu với bản gốc… phải thực hiện từ 1 đến 3 ngày làm chúng tôi thật sự lo ngại.
Chị Nguyễn Ngọc Nhiên, nhân viên của Trung tâm Địa ốc Đ.L cho biết, do giấy tờ nhà của khách hàng của chị là các loại giấy hợp lệ cũ nên theo quy định mới, phải chờ Phòng công chứng gửi phiếu yêu cầu cung cấp thông tin cho UBND quận Bình Thạnh để xác minh thông tin biến động của thửa đất, sau khi UBND quận Bình Thạnh trả lời thì hồ sơ mới được công chứng. Nhưng chờ bao lâu thì ngay công chứng viên cũng không thể xác định “vì tùy thuộc vào đơn vị cung cấp thông tin xác minh”. Vì vậy, sau khi ghi phiếu yêu cầu cung cấp thông tin theo mẫu tại Phòng Công chứng số 6, chị Nhiên xin tự mang phiếu yêu cầu nộp trực tiếp cho UBND quận Bình Thạnh và tự mang về nộp cho Phòng Công chứng số 6 vì theo chị thì “đợi mà không biết đến khi nào sẽ mất uy tín với khách hàng”.
Bà Huỳnh Thị Ngọc Yến, Trưởng phòng Công chứng số 6 cho biết, khi thực hiện công chứng các trường hợp trên, chúng tôi phải phụ thuộc thời gian vào đơn vị cung cấp thông tin. Chẳng hạn như UBND quận Phú Nhuận cung cấp thông thông tin từ 2 - 3 ngày, trong khi đó UBND quận Bình Thạnh gửi phiếu hẹn đến 7 ngày. Người dân tự nộp sẽ giảm được thời gian gửi qua bưu điện (khoảng 2 ngày) và trực tiếp đốc thúc đơn vị cung cấp thông tin…
- Còn chồng chéo
Thông tư 04 chỉ nêu 4 loại giấy tờ cần thiết khi công chứng và một số giấy tờ có thể bổ sung trong các trường hợp khác như: di chúc, giấy chứng tử, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà - công trình, giấy phép xây dựng, văn bản xác nhận tiền sử dụng đất…Theo phản ánh từ các phòng công chứng, quy định này làm họ thật sự lúng túng vì một số trường hợp nếu không yêu cầu giấy tờ khác thì không thể công chứng được.
Ông Nguyễn Quang Thắng, Trưởng phòng Công chứng số 5 dẫn chứng, để công chứng hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất thì ngoài những giấy tờ quy định, chủ sở hữu cần phải bổ sung văn bản xác nhận tình trạng nhà không có tranh chấp, kê biên tài sản... Nhưng Thông tư 04 quy định ngoài những giấy tờ được quy định, cơ quan công chứng, chứng thực không được đòi hỏi thêm bất cứ loại giấy tờ nào khác (?).
Các phòng công chứng còn nêu các vướng mắc như: theo Luật Đất đai, các hợp đồng về đất, đất có tài sản trên đất thì người dân có thể công chứng tại phòng công chứng hoặc UBND phường. Nhưng Luật Nhà ở thì các hợp đồng về nhà (dĩ nhiên phải có đất) có thể đến phòng công chứng hoặc UBND huyện công chứng; Thông tư 04 quy định phòng công chứng hoặc UBND xã, phường, thị trấn có thể công chứng hợp đồng, văn bản về bất động sản. Trong khi từ trước đến nay, UBND phường, xã không thực hiện chức năng trên và cũng không có văn bản nào quy định, hướng dẫn phường, xã làm công việc này.
HẠNH NHUNG