Người được Bác Hồ đặt tên

Ông Đặng Bá Tiên, người tham gia mở đường Hồ Chí Minh trên biển, còn có một cái tên tuy bình dị nhưng rất đặc biệt với ông là  Đặng Hải do Bác Hồ đặt. Ông luôn tự hào về cái tên mà Bác đặt cho mình.

Ông Đặng Bá Tiên, người tham gia mở đường Hồ Chí Minh trên biển, còn có một cái tên tuy bình dị nhưng rất đặc biệt với ông là  Đặng Hải do Bác Hồ đặt. Ông luôn tự hào về cái tên mà Bác đặt cho mình.

Một buổi sáng đầu năm 1961, bà Nguyễn Thị Định, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, gọi ông Đặng Bá Tiên, Thư ký Mặt trận dân tộc giải phóng tỉnh Bến Tre (lúc này mọi người gọi ông Tiên là ông Sáu Bắc, vì ông nói tiếng miền Bắc) nói: “Trung ương chỉ đạo tỉnh Bến Tre cử người ra báo cáo về phong trào Đồng Khởi. Tỉnh ủy cử chú đi. Chú định đi bằng phương tiện gì?”. Không cần suy nghĩ, ông Sáu Bắc trả lời gọn lỏn: “Tôi vượt biển!”. Bà Ba Định thoáng ngạc nhiên nhưng không giấu vẻ vui mừng: “Chú là dân biển à?”.

Bà Ba Định nói tiếp: “Trung ương cũng chỉ đạo các tỉnh miền Tây Nam bộ nằm dọc theo tuyến biển tổ chức thuyền vượt biển ra miền Bắc xin vũ khí chi viện cho miền Nam. Vậy là quá thuận lợi, chuyến đi này chú thực hiện 2 nhiệm vụ quan trọng. Ngoài tài chính thì chú cần chuẩn bị gì thêm nữa không?”. Ông Sáu  Bắc đáp: “Tôi cần nắm tình hình bờ biển và quân số địch. Cô Ba cấp cho tôi một số kinh phí để đi đường, mua thuyền, làm giấy tờ và 5 thủy thủ là người gan dạ, dũng cảm, có sức khỏe!”.
 
Sáng sớm hôm sau, ông Sáu Bắc lủi thủi một mình đi xe đò thẳng lên Sài Gòn. Ông Sáu Bắc ở lại Sài Gòn vài ngày để nắm tình hình. Mua tấm bản đồ “lận lưng”, ông Sáu Bắc đi thẳng ra Huế và trở ngược lại Sài Gòn trên tuyến đường dọc bờ biển bằng đủ các loại phương tiện. Chuyến đi kéo dài hơn 1 tháng. Những ngày lang thang ở Long Hải, ông Sáu Bắc liên hệ mua thuyền của Hải Phòng. Xong việc, ông dông buồm thẳng về Bến Tre.
 
Đúng vào đêm 1-6-1961, chiếc thuyền buồm do ông Sáu Bắc chỉ huy rời rừng Cồn Tra, huyện Thạnh Phong, tỉnh Bến Tre. 9 ngày, 9 đêm trải qua bao khó khăn, gian khổ… thuyền của ông Sáu Bắc cặp bến Hà Tĩnh. Do tính chất bí mật của chuyến đi, ông Sáu Bắc và các “thuyền viên” không khai báo bất cứ điều gì và xin gặp lãnh đạo tỉnh. Công an lại nghi ngờ các ông là biệt kích.

Về chuyện này, ông Sáu Bắc cho biết: “Nhiều ngày liền bị gọi lên hỏi cung nhưng chúng tôi chỉ đưa giấy căn cước và không có tài liệu gì hết. Đến ngày thứ ba, có một ô tô chạy vào Ty Công an Hà Tĩnh. Người bước xuống xe không ai xa lạ mà là ông Trang, lãnh đạo Ban Tôn giáo khu 4. Tôi lúc trước làm ở Ban Tôn giáo tỉnh Thanh Hóa có quen với ông này. Tôi lật đật chạy ra chào ông Trang. Ông Trang không nhận ra tôi vì sau gần chục ngày vượt biển người tôi đen thui và ốm tong teo. Khi nhận ra người quen, ông Trang tá hỏa đuổi 2 chú lính đứng gần đó ra xa để nghe tôi báo cáo tình hình”.

Sau khi nghe chuyện ông Sáu Bắc kể, ông Trang liền trở về tỉnh và gấp rút báo cáo ra Trung ương. Vài ngày sau, có ô tô từ Hà Nội vào đón cả đoàn đi miền Bắc. Đó là ngày 12-6-1961.
 
Ra Hà Nội, anh em thủy thủ tàu Cà Mau và Bến Tre hội ngộ. Ai cũng vui vì đã tham gia và hoàn thành nhiệm vụ cao cả. Mọi người còn may mắn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Sáu Bắc bồi hồi kể tiếp: “Sau khi hỏi thăm sức khỏe anh em trong đoàn cũng như mục đích của chuyến đi, Bác Hồ cười nói: “Vác cây súng vào Nam quý hơn vác cây vàng”. Bác Hồ hỏi tôi tên gì? Tôi trả lời Đặng Bá Tiên. Và, Bác Hồ đã đặt tên cho tôi là Hải. Đặng Hải có nghĩa là được biển, khuất phục được biển tìm ra miền Bắc xin vũ khí vào Nam đánh giặc”.

ĐOÀN HIỆP

Tin cùng chuyên mục