Người giúp việc

ĐỖ PHẤN
Người giúp việc

Về một nghĩa thật rộng thì đến hơn nửa dân số có nghề nghiệp chính là giúp việc. Trong cơ quan nhà nước thì đương nhiên nhân viên giúp việc cho thủ trưởng. Thủ trưởng nhỏ giúp việc cho thủ trưởng lớn hơn. Cứ thế tuần tự lớn lên mãi. Cửa hàng cửa hiệu trong phố bây giờ cũng phần lớn do người giúp việc đảm đương. Người chủ chỉ quan sát nhắc nhở. Nhiều cửa hàng bây giờ hiếm khi nhìn thấy bóng dáng chủ nhân. Người giúp việc tin cẩn có thể tự mình điều hành như bà chủ vậy.

Chữ “người giúp việc” hình như mới được dùng từ sau ngày tiếp quản Hà Nội ít lâu. Trước đó gọi là “con sen”, “thằng ở”. Có ý miệt thị tầng lớp lao động giản đơn. Thực ra thì vào đầu thập niên 60 thế kỷ trước, trong nhà có một người giúp việc không hẳn là đã được công khai. Người ta vẫn quan niệm rằng như thế có vẻ như vẫn còn tàn dư của chế độ cũ. Nâng lên thành quan điểm có thể quy cho là hành vi “bóc lột sức lao động”.

Nhưng người giúp việc vẫn không thể thiếu. Một gia đình bình thường lúc ấy gồm có hai vợ chồng với đàn con năm sáu đứa chưa kể bố mẹ già, nếu không có người ở thì chẳng biết xoay xở thế nào chuyện cơm nước, giặt giũ, quét dọn. Thế là sinh ra khái niệm “người giúp việc”. Ban đầu là các gia đình phải tìm bà con họ hàng ở quê ra làm giúp. Nhiều người ở Hà Nội lâu đời không còn mấy liên lạc với quê hương phải nhờ vả bạn bè tìm hộ. Họ hàng xa lắc ở quê chắc gì đã đáng tin cậy bằng bạn bè? Thêm nữa, “đứa cháu ở quê” ra giúp việc nhà phần nào cũng tránh được dị nghị của thiên hạ.

Nhà có thêm người giúp việc là cả một vấn đề nan giải. Chế độ tem phiếu không có. Phải đăng ký tạm trú vài tháng một lần. Tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm của cả gia đình san sẻ cho họ còn tạm ổn. Vải vóc quần áo thiếu thốn mới là điều bận tâm. Các cô giúp việc thường chỉ có quần áo cũ của chủ nhà cho mặc tạm. Gọi là tạm nhưng quanh năm như vậy. Tết về quê mới họa hoằn có thêm chiếc áo mới. Người Hà Nội giàu lòng nhân ái. Đã có nhiều cô giúp việc như thế được gia chủ về sau dựng vợ gả chồng cho như con cái trong nhà. Nhiều cô được cho đi học hành và xin việc nhà nước để trở thành công dân thành phố.

Quãng những năm 90 thế kỷ trước, truyền hình chiếu bộ phim dài tập Oshin của Nhật Bản. Bộ phim nói về một người phụ nữ làm nghề giúp việc tên là Oshin. Chữ Oshin lập tức được dùng theo khái niệm là người giúp việc ở Việt Nam. Kể cũng ngắn gọn hơn chữ “người giúp việc” nhưng xem ra vẫn kỳ thị thế nào? Nhưng giờ thì nó đã quá quen thuộc nên chẳng thể thay đổi được nữa rồi. Hơn nữa, nghĩa của nó cũng rộng ra ngoài phạm vi giúp việc gia đình. Từ hàng quán, chợ búa, cửa hiệu đều có thể dùng chữ oshin mà gọi. Hàng bán xôi sáng, bán báo vỉa hè, thậm chí bán rau ở chợ cóc cũng phải có vài oshin như thế. Vài bà chủ những gia đình không có người giúp việc lúc mệt nhọc thường cảm khái than thở: “Tôi như oshin cho cái nhà này!”. Than thở đấy mà cũng như niềm tự hào!

Oshin thời no đủ bây giờ cũng không còn dễ nhận ra ở ngoài đường nữa. Cũng quần quần, áo áo, son phấn, nước hoa nhiều khi còn át vía cả bà chủ bởi tuổi trẻ và sức vóc. Đó cũng chính là điều các bà chủ ngày nay đặt lên hàng quan tâm số một chứ không phải tay nghề ẵm em quấy bột hay giặt giũ nấu nướng. Cách an toàn nhất các bà bây giờ hay chọn là oshin theo giờ.

Vài người Hà Nội không bao giờ nghĩ đến dùng người giúp việc. Người thì tỏ ra kênh kiệu không muốn ngồi ăn cùng mâm với họ. Người thì sợ trẻ nhỏ tập nói tiếng vùng sâu vùng xa theo giọng oshin. Người lại cầu kỳ ẩm thực nên có oshin nhưng vẫn phải vào bếp như thường. Như thế khác nào làm oshin cho oshin? Thế nhưng, phần lớn không nghĩ đến người giúp việc chỉ bởi một lý do ít người nói ra. Lương tối thiểu của oshin bây giờ luôn cao gần gấp đôi cử nhân mới ra trường. Cử nhân mới ra trường vẫn đang còn phải đeo biển xin việc đứng ở đầu đường. Oshin đã có các văn phòng môi giới việc làm từ khá lâu rồi.


ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục