Bến đò ngang Thủ Thiêm ngưng hoạt động

Người lái đò bơ vơ

Người lái đò bơ vơ

Bến đò Thủ Thiêm có trước ngày giải phóng miền Nam khoảng 50 năm. Sau ngày giải phóng, Hợp tác xã Đò ngang quận 2 được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai bến đò Thủ Thiêm và An Khánh, với 111 thuyền đò nhỏ và 200 hộ xã viên, chuyên chở khách qua sông Sài Gòn từ quận 2 sang quận 1 và khách từ các tàu neo đậu dọc theo phao trên sông Sài Gòn…

  • 80 năm một bến đò

Dù trên địa bàn quận 2 hiện nay đã có phà Thủ Thiêm hoạt động ngày đêm đưa đón khách sang sông, nhưng nhu cầu đi lại bằng đò ngang của người dân tại đây vẫn còn rất lớn. Nhờ vậy mà bến đò Thủ Thiêm tồn tại đến ngày nay trên dưới 80 năm.

Người lái đò bơ vơ ảnh 1

Những con đò ngang Thủ Thiêm sẽ bị ngưng hoạt động. Ảnh: THÀNH TÂM
 

Mỗi ngày có khoảng 1.000 lượt người đi lại bằng đò ngang, góp phần giải quyết đời sống cho 200 gia đình xã viên với hơn 700 nhân khẩu. Đời sống của những người đưa đò tương đối thấp, mỗi chuyến đò cao nhất 7 người, giá 1.000đ/người. Do số lượng đò quá đông, mỗi chiếc đò đưa khách qua lại chỉ khoảng 10 chuyến/ngày.

Ngày 18-10-2004, Hợp tác xã Đò ngang quận 2 đã gởi bảng thông báo đến 200 xã viên: Căn cứ biên bản số 1018/BBLV ngày 18-10-2004 của Ban Thanh tra GTCC - Bến đò ngang Thủ Thiêm phải ngưng hoạt động không được đưa rước khách qua sông Sài Gòn kể từ ngày 18-10-2004.

Với lý do đây là vùng quay tàu, khu vực không đảm bảo an ninh trật tự cho những chuyến đò ngang, khu đại lộ Đông Tây đi qua, bến đò hoạt động trong khu vực giải tỏa để xây dựng công trình hầm Thủ Thiêm…

  • Giúp đỡ người đưa đò ?

Bến đò Thủ Thiêm không khua nước, trước tiên 200 gia đình người đưa đò lâm vào cảnh thất nghiệp, khó khăn, còn người dân sống quanh khu vực bến đò đi lại sẽ khó khăn hơn. Điều đáng lưu tâm là tất cả những người từ nào giờ chỉ chuyên sống bằng nghề đưa đò trên sông nước, trình độ văn hóa thấp, phần đông đã lớn tuổi, nên rất khó khăn trong việc chuyển đổi nghề mới.

Ông Nguyễn Cư, Phó Chủ tịch UBND quận 2 cho biết sẽ định hướng cho HTX đò ngang quận 2 nâng cấp và hợp tác đầu tư, chuyển sang dịch vụ du lịch cao cấp, phục vụ khách du lịch tham quan tuyến sông Sài Gòn – Văn Thánh. Tuy nhiên, với phương án này, nhiều người cho rằng sẽ rất khó tham gia, vì đa số người đưa đò có hoàn cảnh gia đình thiếu trước hụt sau, không có khả năng đầu tư mua sắm tàu du lịch cũng như chỗ đậu để hoạt động.

Theo ông Lê Công Rỡ, Chủ nhiệm HTX Đò ngang quận 2, mỗi xã viên muốn có chân đưa đò tại bến Thủ Thiêm trước đây phải mua ghe và tài từ 50 đến 80 triệu đồng. Nay không còn đưa đò, số tiền kia mất trắng, còn chiếc tàu chỉ có việc neo đậu chờ… mục. Ông cũng đề nghị nhà nước có biện pháp hỗ trợ tích cực cho mỗi hộ xã viên, cụ thể là định hướng cho họ một ngành nghề phù hợp với hoàn cảnh hiện tại, sớm ổn định cuộc sống.

Nhiều người có nguyện vọng là ngay bây giờ, Ban Chủ nhiệm HTX Đò ngang quận 2 nên có kế hoạch cụ thể trong việc chuyển đổi ngành nghề cho các xã viên, báo cáo với phường Thủ Thiêm và UBND quận 2, mà thiết thực nhất là xin mở tuyến đò dọc trên địa bàn thành phố nối với những địa phương lân cận, vừa đưa đón khách đi lại vừa là bước đầu phục vụ khách du lịch sông nước, hầu giúp họ sớm có công ăn việc làm. 

NGUYỄN TƯỜNG LỘC

Tin cùng chuyên mục