Nguyện vọng 3 - Dễ đậu, khó học

Nguyện vọng 3 - Dễ đậu, khó học

Kết thúc nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng (NV) 2, nhiều thí sinh lẫn các trường đều tiếc nuối trước thực tế nhiều thí sinh điểm cao nhưng vẫn rớt. Hy vọng cuối cùng của thí sinh ở mùa tuyển sinh năm nay còn kéo dài thêm 15 ngày ở cuộc đua NV3 (từ ngày 15 đến 30-9). Tuy nhiên, dù có đoạt được chiếc vé vớt cuối cùng vào ĐH – CĐ nhưng xem ra rất nhiều thí sinh chỉ xem đây là chỗ tạm trú.

Chen nhau vào... chỗ rớt
 
Thống kê từ các trường xét tuyển NV2 cho thấy, lượng hồ sơ đăng ký vào nhóm ngành kinh tế chiếm tỷ lệ áp đảo ở hầu hết các trường. Kết thúc xét tuyển NV2, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đã nhận tới hơn 22.000 hồ sơ, trong đó hơn 40% vào hệ ĐH (1.700 chỉ tiêu) và 60% vào hệ CĐ (2.500 chỉ tiêu). Ở cả 2 hệ ĐH và CĐ, các ngành quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế, tài chính ngân hàng, kế toán-kiểm toán chiếm gần 40% lượng hồ sơ của thí sinh nộp vào.

Theo trung tâm tuyển sinh của trường, những ngành này điểm chuẩn NV2 sẽ cao hơn từ 1-2 điểm so với điểm nhận hồ sơ. Những ngành như Công nghệ Kỹ thuật điện, Kỹ thuật cơ khí, Công nghệ nhiệt lạnh, Khoa học máy tính, dự kiến điểm chuẩn bằng hoặc nhỉnh hơn một chút.
 

Rất nhiều thí sinh rớt nguyện vọng 2 đang nóng lòng chờ tham gia xét tuyển nguyện vọng 3. Ảnh: T.HÙNG

Rất nhiều thí sinh rớt nguyện vọng 2 đang nóng lòng chờ tham gia xét tuyển nguyện vọng 3. Ảnh: T.HÙNG

Trong khi đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng nhận hơn 7.000 hồ sơ (CĐ hơn 5.000 hồ sơ) nhưng các ngành có điểm trúng tuyển cao lại là nhóm ngành kinh tế. Dẫn đầu là ngành Tài chính - Tín dụng: 19 điểm (A, D1) cao hơn điểm nhận hồ sơ 3 điểm, ngành Kế toán - Kiểm toán, Quản trị kinh doanh cùng 18,5 điểm (A, D1), cao hơn điểm nhận hồ sơ 2,5 điểm.

Ở hệ CĐ, có ngành cao hơn điểm xét tuyển đến 3,5 điểm. Trong khi đó, những ngành dễ đậu như Quan hệ lao động, Bảo hộ lao động, Tiếng Trung Quốc và Xã hội học, điểm trúng tuyển bằng với điểm nhận hồ sơ.

Tình trạng thí sinh đua nhau vào chỗ rớt (nhóm ngành kinh tế) ở các trường ngoài công lập cũng không tránh khỏi. Dù mức điểm thông báo xét tuyển NV2 các ngành thuộc nhóm kinh tế bằng điểm sàn các khối (A, D1: 13 điểm) nhưng kết quả mà các trường vừa công bố thật bất ngờ.

Trường ĐHDL Ngoại ngữ - Tin học TPHCM có điểm chuẩn NV2 hệ ĐH tương đối cao so với điểm NV1. Các ngành Quan hệ quốc tế và tiếng Anh, Quản trị kinh doanh quốc tế có điểm chuẩn cao hơn từ 3 - 3,5 điểm so với điểm chuẩn NV1.

Trường ĐH DL Hùng Vương xác định 1.595 thí sinh trúng tuyển NV2 nhưng trong đó ngành Tài chính ngân hàng và Kế toán có tới 974 thí sinh trúng tuyển. Tương tự, Trường ĐHDL Văn Lang TPHCM điểm chuẩn NV2 cao nhất là ngành Tài chính ngân hàng, kế đến là ngành Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh tế thương mại đều lấy điểm từ 14,5 – 15,5 điểm.

Sự mất cân đối hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 giữa các ngành năm nay lại càng rõ nét. Nhiều trường như ĐH Điện lực Hà Nội, ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM… tuy là những trường có ưu thế về những ngành kỹ thuật, cơ khí nhưng những ngành chật vật xét tuyển NV2 lại là những ngành có thế mạnh. Ngược lại, những ngành kế toán, quản trị kinh doanh đủ chỉ tiêu ngay từ NV1.
 
Nhiều ngành rộng cửa NV3
 
Dù đến ngày 15-9, thí sinh mới biết rõ chỉ tiêu xét tuyển NV3 của tất cả các trường ĐH-CĐ nhưng đối với những thí sinh rớt NV2 muốn chen chân vào nhóm ngành kinh tế ở “đợt thi vét” này xem ra hết hy vọng ở các trường ĐH công lập lẫn ngoài công lập tại các TP lớn.

Tại TPHCM, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM dành đến 955 chỉ tiêu NV3 cho 26 ngành tại cơ sở TPHCM và phân hiệu Gia Lai, Ninh Thuận. Riêng ở cơ sở chính, trường phải tiếp tục tuyển 480 chỉ tiêu ở hệ ĐH vào 13 ngành với điểm sàn xét tuyển khối A: 13,5 điểm, khối B: 14,5 điểm. Tuy nhiên, trong 26 ngành có tuyển NV3, chỉ có mỗi ngành Kế toán (phân hiệu Gia Lai tuyển 25 chỉ tiêu) còn lại tất cả đều là những ngành thuộc khối cơ khí, nông lâm ngư.

Với chỉ tiêu này, những thí sinh có điểm từ 13,5-14,5 điểm nhiều khả năng nộp hồ sơ là trúng tuyển.
 
Đối với những thí sinh có điểm thi bằng điểm sàn ĐH – CĐ các khối A, B, C, D1 đều có nhiều hy vọng đậu vào nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, điện tử truyền thông, công nghệ môi trường của các trường ngoài công lập như Trường ĐHDL Kỹ thuật công nghệ TPHCM (dành đến hơn 1.000 chỉ tiêu xét tuyển NV3), ĐHDL Văn Hiến, ĐHDL Hùng Vương, Trường ĐH Văn Hóa TPHCM…
 
Với kết quả xét tuyển NV2 bất ngờ như năm nay, rất nhiều thí sinh bắt đầu chuyển hướng về các trường ĐH địa phương. Thực tế cho thấy, nhiều ĐH vùng dù đã xin áp dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh năm 2010 trong xét tuyển NV2 nhưng kết quả là vẫn thiếu hồ sơ.

Do đó, các trường tiếp tục dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển NV3. Đối với những thí sinh ở khu vực ĐBSCL chưa trúng tuyển NV2 có thể đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Nha Trang phân hiệu Kiên Giang ở các ngành Công nghệ chế biến thủy sản (khối A, B), Nuôi trồng thủy sản (khối B), Kế toán (khối A, D).

Điểm sàn xét tuyển: khối A, B: 13 điểm, khối D: 14 điểm; mỗi ngành 60 chỉ tiêu… Các trường ĐH địa phương như Trà Vinh, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Tây Nguyên, Phú Yên… tiếp tục dành nhiều chỉ tiêu xét tuyển NV3. Trong đó, các ngành nông nghiệp, cơ khí, kỹ thuật vẫn được ưu tiên dành nhiều chỉ tiêu cho NV3.
 
Tuy cuộc đua NV3 xem ra dễ thở vì nhiều trường phải cố sức lấy đủ chỉ tiêu cho các ngành nhưng thực tế thí sinh trúng tuyển cũng không mặn mà với tấm vé vớt này. Thực tế là những năm trước đây, sau 1, 2 học kỳ, nhiều trường lại tiếp tục đau đầu với việc sinh viên lần lượt... bỏ học.

THANH MINH

Ngay sau khi kết thúc nộp hồ sơ NV2, nhiều trường đã công bố điểm trúng tuyển vào nguyện vọng này. Đa số các trường dân lập và ĐH vùng, điểm chuẩn NV2 chỉ bằng điểm xét tuyển.

Trong đó, ĐH Quảng Bình và ĐH Phương Đông công bố điểm trúng tuyển NV2 không có nhiều biến động so với mức điểm nhận hồ sơ. Cả hai trường đều thông báo xét tuyển NV3. Trường ĐH Đại Nam cũng dành 500 chỉ tiêu xét tuyển NV3. ĐH Quốc tế Bắc Hà, ĐH Thành Đô cũng đều có điểm chuẩn NV2 bằng mức điểm nhận hồ sơ và tương đương mức điểm sàn.

ĐH Thành Đô tiếp tục xét tuyển 800 chỉ tiêu hệ ĐH và 1.200 chỉ tiêu hệ CĐ vào tất cả các ngành đào tạo. Mức điểm nhận hồ sơ bằng điểm chuẩn NV2 trở lên.

ĐH quốc tế Bắc Hà cũng tiếp tục xét tuyển 400 chỉ tiêu hệ ĐH và 100 chỉ tiêu hệ CĐ vào tất cả các ngành đào tạo. Mức điểm nhận hồ sơ bằng với mức điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Ngoài ra, một số trường công bố điểm chuẩn NV2 bằng với điểm sàn của Bộ GD-ĐT như ĐH Dân lập Lương Thế Vinh, CĐ Công nghệ và Kinh doanh Việt Tiến, ĐHDL Hải Phòng; ĐH Công nghiệp Quảng Ninh…

Khác với các trường dân lập và trường ĐH vùng, một số trường công lập lấy điểm chuẩn NV2 khá cao. Đơn cử ĐH Thương mại công bố điểm trúng tuyển NV2 cao hơn với mức điểm nhận hồ sơ. Riêng đối với hệ CĐ, điểm chuẩn cao hơn từ 3-4 điểm. Các ngành điểm NV2 cao như hệ thống thông tin (19,5 điểm); Quản trị thương mại điện tử (20 điểm); Quản trị thương hiệu  (20 điểm)...

Các trường tiếp tục nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV3 đến hết ngày 30-9. 

L.NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục